Nông dân Núi Thành tập trung chăm sóc lúa

Hiện nay, nhiều diện tích lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 trên địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đang giai đoạn đứng cái, làm đòng, nông dân tập trung chăm sóc.

Ông Nguyễn Đình Trung phun thuốc diệt trừ các bệnh hại lúa vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: P.H

Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, nông dân Núi Thành gieo sạ 4.000ha lúa. Các loại giống chủ lực sản xuất đại trà có thời gian sinh trưởng hơn 100 ngày như Khang dân 18, Hà Phát 3, VNR10… Nông dân đồng loạt xuống giống theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp từ ngày 30/12/2023 đến ngày 10/1/2024.

Ngay từ khi có lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, nông dân trên địa bàn huyện đã tập trung làm thủy lợi nội đồng, điều tiết nước, xuống giống đồng loạt.

Hiện nay, lúa đông xuân phát triển tốt đang giai đoạn đứng cái, làm đòng. Theo đó, nông dân đã và đang bón phân lần 2, tích cực thăm đồng để phát hiện và phun thuốc trị các bệnh như sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn, sâu trắng lá… kịp thời.

Ông Nguyễn Đình Trung (thôn Phú Nam, xã Tam Xuân 2) cho biết, gia đình ông có 3ha đất làm lúa. Vụ này, ông gieo sạ giống lúa chủ lực là Khang dân 18.

Để lúa phát triển tốt và đảm bảo phòng trừ sâu bệnh, ông Trung thường xuyên thăm đồng, bón phân đúng thời vụ. “Vụ lúa đông xuân năm nay thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển tốt. Tôi hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu” - ông Trung chia sẻ.

Vụ đông xuân 2023 - 2024 là vụ chính, huyện Núi Thành đã chỉ đạo quyết liệt đối với các địa phương trong việc tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống, biện pháp kỹ thuật và đảm bảo nguồn nước cho vụ mùa thắng lợi. Đồng thời tổ chức chương trình phát động ra quân diệt chuột đầu vụ.

Trước khi gieo sạ, huyện Núi Thành đã vận động nông dân áp dụng gói kỹ thuật “1 phải 5 giảm” để tăng hiệu quả sản xuất lúa, hạn chế ô nhiễm môi trường; trong đó chú ý sử dụng giống cấp xác nhận hoặc nguyên chủng, giảm lượng giống gieo sạ...

Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, giai đoạn cây lúa đứng cái - làm đòng - trổ rất cần nước, nông dân cần đưa nước vào ruộng duy trì ở mực nước khoảng 5 - 10cm liên tục cho đến khi lúa trổ bông, chắc hạt.

Đối với lúa sạ muộn, chưa bón đòng, cần bón đòng đúng thời điểm để cây lúa phân hóa đòng tốt, loại phân và liều lượng bón theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Trong thời gian này, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng trong giai đoạn lúa đòng - trổ để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh như đạo ôn cổ bông, đạo ôn lá, cổ lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ… và phòng trừ hiệu quả.

Đối với các loại giống lúa BC15, HT1, Thiên ưu 8… trước khi trổ 5 - 7 ngày, tiến hành dùng các loại thuốc đặc hiệu như như đối với bệnh đạo ôn lá để phòng bệnh.

PHƯỚC HIẾU

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/nong-dan-nui-thanh-tap-trung-cham-soc-lua-3131163.html