Nông dân Kiên Giang năng động

Nhiệm kỳ 2018-2023, Kiên Giang có 350.400 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 24,7% so nhiệm kỳ trước. Thông qua sự hỗ trợ về vốn, giống, tạo việc làm, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp 2.184 hộ thoát nghèo bền vững.

GIÀU NHỜ ƯƠM KHÓM GIỐNG

Xế trưa, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh (42 tuổi), ngụ ấp Phước Lợi, xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao (Kiên Giang) vẫn cặm cụi bó khóm giống chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Bàn tay thoăn thoắt lựa từng con khóm, anh Thanh nói: “Khóm giống sau khi phân loại được bó lại thành từng bó đem đi tiêu thụ, không chỉ cung ứng trong tỉnh mà các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An cũng đặt hàng tôi chở qua tận nơi”.

Giá khóm giống đang giữ ở mức cao 600.000 đồng/thiên (1 thiên tương đương 1.000 con khóm giống), tăng 300.000 đồng/thiên so cùng kỳ năm 2022, nên chỉ trong 7 tháng đầu năm, anh Thanh bán ra gần 3 triệu con giống khóm, thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Thông thường, sau 2-3 năm cho trái, người trồng khóm phải trồng lại cây mới để đạt năng suất tốt nhất. Nhờ vậy nghề ươm khóm giống của anh Thanh luôn đắt hàng.

“Trước đây tôi cũng trồng lúa bệ, trồng khóm thương phẩm và nuôi tôm. Nhưng theo thời gian, cây khóm dễ bị nhiễm bệnh, có năm bị mặn xâm nhập làm khóm chết hàng loạt. Thấy nhu cầu khóm giống ngày càng tăng trong khi trong xã lại thiếu nơi cung ứng cây giống bản địa, vậy là tôi quyết định chuyển hướng sang ươm khóm giống bán. Bình quân lãi hơn 600 triệu đồng/năm từ 2,8ha ươm khóm giống”, anh Thanh cho biết.

Anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp Phước Lợi, xã Vĩnh Phước A (Gò Quao) chuẩn bị đưa khóm giống đi tiêu thụ.

Anh Thanh cho biết, để cây giống khỏe mạnh, anh chỉ chọn những chồi khỏe, không sâu bệnh để ươm hoặc thu chồi khóm mọc ở nách các bụi khóm có trái to vừa cho thu hoạch trái để làm giống. Ươm khóm giống quan trọng nhất là khâu nước tưới.

Vĩnh Phước A là vùng đất cù lao, từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm nước dưới sông sẽ nhiễm mặn. Do đó, để đảm bảo nguồn nước ngọt đủ cung cấp quanh năm cho ruộng khóm giống, anh Thanh bố trí ao trữ nước ngọt dự phòng, đồng thời lắp hệ thống phun sương tự động để tiết kiệm nước tưới, giúp con khóm giống tươi tốt kể cả khi nắng nóng, hạn hán kéo dài.

Vợ chồng anh Thanh cưới nhau từ năm 2003 và sinh được 3 người con. Năm 2010, vợ chồng anh ra riêng và được cha mẹ cho 2,8ha đất trồng khóm làm của hồi môn. Sau khi thử sức thêm nghề tay trái thu mua phế liệu nhưng khá bấp bênh, anh Thanh trở về với ruộng khóm và chuyển hướng ươm con giống khóm bán từ năm 2018. Làm ăn nở nồi, vợ chồng anh mua thêm chiếc ghe để thuận tiện giao con khóm giống đến các nơi trong và ngoài tỉnh.

Nói dự định tương lai, anh Thanh bộc bạch: “Tôi mong các cấp hội nông dân hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập hợp tác xã ươm khóm giống để tập hợp những hộ trồng khóm vào tập thể, giúp đảm bảo nguồn nguyên liệu khóm giống bản địa, giảm chi phí sản xuất, tạo việc làm cho người lao động tại chỗ. Xa hơn, tôi mong xây dựng được thương hiệu khóm giống cho xứ cù lao Vĩnh Phước A để khi bán không bị đánh đồng với giống khóm các nơi khác”.

KINH TẾ TẬP THỂ DẪN DẮT

Nông dân Phạm Hùng Hoa (bìa trái), ngụ ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A (An Biên) trao đổi với lãnh đạo Hội Nông dân huyện An Biên (Kiên Giang) về mô hình trồng bông trang kết hợp tôm - lúa cho lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm.

Tháng 4-2023, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành quyết định công nhận 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Đây là những hợp tác xã tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) là hợp tác xã duy nhất của tỉnh được công nhận danh hiệu này.

Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa được thành lập năm 2018. Thời gian đầu đi vào hoạt động, hợp tác xã gặp không ít khó khăn, nhưng với sự năng động của hội đồng quản trị, ban giám đốc, Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa từng bước đi vào hoạt động ổn định và có lãi.

Bà Trần Thị Hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa cho biết: “Để thành viên có vốn đầu tư nuôi cá lồng bè trên biển, ban giám đốc hợp tác xã tranh thủ các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, giúp thành viên vay vốn ưu đãi hơn 1,5 tỷ đồng. Lúc cá bị dịch bệnh, cũng nhờ Hội Nông dân tỉnh mời chuyên gia xử lý, hướng dẫn cách phòng, trị bệnh trên cá nên thành viên hợp tác xã an tâm sản xuất”.

Bà Trần Thị Hội (bìa trái) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, xã Nam Du (Kiên Hải) cùng thành viên phân loại cá trước khi tiêu thụ.

Không chỉ lắng nghe nguyện vọng của thành viên hợp tác xã, thành viên ban giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa còn nêu gương, đi đầu trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất trước khi vận động thành viên làm theo. Để giảm chi phí sản xuất ban giám đốc hợp tác xã mở thêm dịch vụ cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào nghề nuôi cá lồng bè, đồng thời liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ hải sản cho các hộ nuôi cá lồng bè.

Quy mô sản xuất liên tục tăng, tổng kết năm 2022, hợp tác xã xuất bán 58 tấn cá, lợi nhuận gần 4,5 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng so năm 2021. Bà Hội cho biết: “Năm 2023, hợp tác xã tăng số lượng con giống thả nuôi lên gần 300.000 con cá giống các loại. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh về khoa học, kỹ thuật, chúng tôi phấn đấu thực hiện đạt sản lượng cá 70 tấn, thu lãi 7 tỷ đồng”.

Bài và ảnh: AN LÂM

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/nong-dan-kien-giang-nang-dong-16157.html