'Nới' tuổi hưu: Thách thức nhiều hơn cơ hội!

Sau 2 lần bị từ chối, dự kiến năm tới, khi trình Quốc hội Bộ Luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. “Chuyện cũ” nhưng vẫn khiến dư luận hết sức quan tâm với sự lo ngại về tình trạng “tham quyền cố vị” và “chiếm” việc làm của người trẻ.

Tranh luận không ngừng

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không còn là chuyện mới, ngay từ năm 2006 vấn đề này đã được nêu lên. Năm 2014, bộ chủ quản tiếp tục đưa ra dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, có kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Dự thảo đề xuất từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức (nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi). Từ năm 2020 trở đi thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm lao động còn lại, mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, dư luận không thuận theo mà còn chỉ ra việc điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến việc quy hoạch cán bộ, đến hoạt động của các doanh nghiệp, và bản thân người lao động trong một số lĩnh vực cũng không muốn tăng tuổi lao động… Bởi thế tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Luật BHXH được thông qua đã giữ nguyên quy định về tuổi hưu như cũ, 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi với nữ (trừ một số trường hợp đặc biệt được rút ngắn tuổi hưu).

Lý do Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục trình dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó có mục kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu lần này chính là để thích ứng với việc tốc độ già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh, tuổi thọ bình quân tăng, trong khi Quỹ BHXH đang đứng trước nguy cơ mất cân đối do thời gian chi trả lương hưu kéo dài… Tuy nhiên, một lần nữa đề xuất này lại vấp phải hai luồng ý kiến đối ngược rõ rệt.

Một số chuyên gia đồng tình cho rằng, sẽ thật lãng phí nếu không sử dụng nguồn lực từ rất nhiều người có trình độ, năng lực, khả năng cống hiến nhưng đến tuổi nghỉ hưu. Không ít ý kiến cho rằng, hiện tuổi thọ bình quân của người Việt đã được tăng cao, sức khỏe người lao động cũng được cải thiện, do vậy, đây là thời điểm cần thiết đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian cống hiến của người có năng lực. Khẳng định tính khả thi, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động, Xã hội phân tích: Cái lợi của Quỹ BHXH là một lực lượng sẽ tăng thời gian đóng bảo hiểm và giảm thời gian hưởng tiền từ quỹ. Đóng BHXH thực chất là sự chia sẻ cùng xã hội, một số người đóng tiền vào quỹ để một số khác được hưởng. Bước vào thời điểm dân số già, chúng ta chỉ có hai giải pháp, một là tăng tiền đóng bảo hiểm, hai là kéo dài thời gian làm việc.

Còn phía những người không đồng tình cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động lớn, thậm chí khó lường về xã hội, chính trị, và hạn chế cơ hội của nguồn nhân lực trẻ. Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp cho biết, đối với người lao động trong các ngành đặc thù, hoặc những việc đòi hỏi sức khỏe dẻo dai thì không thể tăng tuổi nghỉ hưu, bởi lúc “mắt mờ chân chậm” hiệu quả công việc rất thấp.

Chia sẻ với bộ chủ quản, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân – Công đoàn cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Thế nhưng 10 năm nữa hãy tính đến bởi lúc này nguồn nhân lực trong nước còn dồi dào và hiện có hơn 400 nghìn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Ông Thọ nhấn mạnh: “Một số lượng lớn lao động trẻ đang cần chỗ làm việc, nếu người đến tuổi nghỉ theo quy định mà ở thêm thời gian thì sẽ mất cơ hội của người trẻ. Sự thất nghiệp của người già không quan trọng bằng của người trẻ, đó là sự an nguy của lực lượng lao động trẻ”.

“Chiếm” việc làm giới trẻ

TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, người Việt từ 60 đến 69 tuổi vẫn đủ năng lực, kinh nghiệm và sức khỏe để làm việc. Như chính bản thân ông, năm 2010, mới nghỉ hưu khi đã 64 tuổi. Dù khi tới tuổi nghỉ hưu theo luật (60 tuổi) ông không còn giữ chức viện trưởng, nhưng vẫn công tác tại viện và làm trợ lý bộ trưởng thêm vài năm, sau làm chuyên gia độc lập tới nay.

Từ quá trình nghiên cứu và thực tế bản thân, TS Nguyễn Hữu Dũng đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và cân bằng tuổi hưu giữa nam với nữ. Tuy vậy, theo ông Dũng, việc nâng tuổi hưu phải theo lộ trình, xét cân đối cung – cầu thị trường lao động, đặc thù công việc (vì kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới người trẻ thiếu việc làm). Hiện bình quân tuổi nghỉ hưu của người Việt với nữ là 52 tuổi và nam 57 tuổi, thấp hơn mức tuổi pháp luật quy định.

“Rất cần thiết nâng tuổi hưu. Nhưng phải có cơ chế linh hoạt để người lao động có quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm hay làm hết tuổi”, ông Dũng nói. Để giải quyết tình trạng “tham quyền, cố vị”, theo ông Dũng, có thể hạn chế độ tuổi nhất định cho từng vị trí công việc, nếu quá tuổi có thể chuyển sang làm chuyên gia, cố vấn…

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, hiện tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang tăng nhanh, gây sức ép lớn lên Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Có nhiều chuyên gia cho rằng, nước mình nghèo, năng suất lao động thấp, nhưng cho nghỉ hưu quá sớm là lãng phí. “Nếu chúng ta tăng tuổi hưu sẽ ảnh hưởng tới việc làm của người trẻ, nên phải tính toán để cân đối. Hiện một số lĩnh vực đã tăng tuổi nghỉ hưu, như trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục. Vì vậy, trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục trình Quốc hội nâng tuổi nghỉ hưu”, ông Huân nói.

Dự kiến, năm 2017, bộ luật này sẽ được trình Quốc hội. Theo đó, nếu tăng tuổi hưu sẽ có lộ trình tăng dần trong nhiều năm, mỗi năm chỉ tăng 2-3 tháng; mỗi lần tăng nữ sẽ tăng nhiều hơn nam để đảm bảo tới mốc nào đó, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Lộ trình tăng có thể 5-10 năm, thậm chí 15 năm.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho hay, hầu hết người cao tuổi của Việt Nam sống ở nông thôn, không có bảo hiểm xã hội, nên dù 60-70 tuổi họ vẫn làm việc nuôi sống bản thân. Điều đó cho thấy, lao động dù tuổi cao vẫn có thể làm việc bình thường. Tuy vậy, theo ông Đàm, việc tăng tuổi hưu phụ thuộc nhiều yếu tố, như nhu cầu nguồn nhân lực, sức khỏe, tính chất nghề nghiệp…

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam đang tăng nhanh, từ mức 6,9% dân số năm 1979, lên 10,5% dân số hiện nay. Dự kiến năm 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Khi trình Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, Bộ LĐ-TB&XH cũng từng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 tuổi, nhưng chưa được Quốc hội chấp thuận. Với các chính sách hiện nay, tới năm 2050, quỹ hưu trí, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối, và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051.

Khánh An

Diễn đàn

Tăng tuổi nghỉ hưu- Dấu chấm hết cho người trẻ?

Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ Luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó với nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân số… Hiện nay tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam còn rất cao, số người không có việc làm còn rất lớn. Riêng số thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng đang không có việc làm là 200 nghìn người. Nếu kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động đang làm việc thì sẽ tạo ra một áp lực rất lớn về vấn đề việc làm. Những người trẻ đến tuổi làm việc, đến tuổi tham gia vào thị trường lao động thì càng khó kiếm được việc làm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra một hệ quả xấu về vấn đề an ninh, trật tự, làm cho môi trường xã hội phức tạp lên.

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, có nghĩa số người đang ở độ tuổi lao động rất lớn. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế xã hội và việc mở mang việc làm mới rất hạn chế. Vì vậy, trong thời điểm “dân số vàng”, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, nếu như không muốn nói là thời điểm này lựa chọn khôn ngoan nhất chính là không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu một cách đồng loạt mà chỉ tập trung vào một số đối tượng, đặc biệt là đối tượng làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, khu vực hành chính ở một số lĩnh vực để tận dụng chất xám và trình độ cao.

Trên thực tế, nhìn vào tương quan nền kinh tế, tăng trưởng chung đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy trong đó có vấn đề tạo ra việc làm mới, nguồn lực mới cho nền kinh tế cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên mở rộng và tận dụng tối đa xuất khẩu lao động ra thế giới. Việc xuất khẩu lao động sẽ đem lại lợi ích kép cả cho người lao động và lợi ích quốc gia. Về lâu về dài, Việt Nam sẽ tận dụng được những kỹ năng công nghiệp mà người lao động sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước đầu quân cho các nhà máy, xí nghiệp…trong nước. Đấy là xét trên mặt lý thuyết, còn thực tế, với công nghiệp phụ trợ hầu như không phát triển, thì dù có muốn tận dụng tối đa nguồn lực con người có được từ hậu xuất khẩu lao động, vẫn sẽ là lực bất tòng tâm. Bên cạnh sự lãng phí về nguồn nhân lực chất lượng cao còn có vô số những hệ lụy nảy sinh từ xuất khẩu lao động bằng mọi giá. Đó là sự mất cân đối về nhân lực tại các vùng nông thôn, là một thế hệ trẻ em lớn lên phát triển lệch lạc về thể chất và tinh thần khi thiếu vắng bố, hay mẹ, thậm chí cả bố và mẹ…

Kết quả này có một phần nguyên nhân từ việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đồng loạt, thậm chí còn tác động xấu đến ý chí phấn đấu của người trẻ. Có một thực tế đáng buồn mà ai cũng nhận ra đó là quy tắc 4 T Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ và thứ tư mới đến trí tuệ … Nhiều người tự lực nhưng không có chỗ nào để dựa. Nhiều người không đút lót vì không có tiền để đút, v.v và v.v… đã rơi vào tình cảnh thất nghiệp, thử hỏi, nếu kéo dài tuổi hưu thì ắt hẳn quy tắc 4 T sẽ phải biến hóa thế nào?

Thực tế tại các khu công nghiệp, đa số người lao động trực tiếp (80 – 90%) thì nữ đến 50 tuổi, nam đến 55 tuổi là đối tượng bị xem là kém năng suất lao động và luôn bị chủ doanh nghiệp kiếm chuyện đuổi vì năng suất giảm, đồng thời trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, nên việc kéo dài tuổi lao động đối với họ là việc làm không tưởng. Đối với đối tượng lao động gián tiếp cũng vậy, để làm đủ tuổi như quy định cũng không hề đơn giản và chỉ có những người ở tuổi này mà có chức vụ lãnh đạo thì mới muốn ngồi thêm nhiều năm nữa.

Thiết nghĩ, trước khi đưa ra đề xuất, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nên đứng ở góc độ người lao động thay vì đứng ở vị trí người quản lý, bởi trrước những luồng ý kiến đang còn gây nhiều tranh cãi như hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội không nên vội vàng, cần xem xét kỹ lưỡng, tăng tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng nào, tại thời điểm nào cần phải có lộ trình, làm sao vừa phù hợp với Bộ luật Lao động vừa đảm bảo sức khỏe của người lao động, chứ không vì quản lý yếu kém, sợ vỡ quỹ mà tăng tuổi cho người lao động.

Nguyệt Minh (Báo Văn nghệ)

Bình luận

Đừng nghĩ tăng tuổi nghỉ hưu là tham quyền cố vị

Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân số ngày càng nhanh… Tuy vậy, xung quanh câu chuyện này cũng đang có không ít ý kiến. PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (KHLĐXH) cho rằng:

Mô hình nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi về hưu đã áp dụng từ rất lâu rồi, nhưng từ khi áp dụng mô hình đó, tuổi thọ trung bình của chúng ta còn rất thấp. Nó quan hệ với nhau như thế nào? Trong thời gian người đó đi làm, đóng BHXH, sau khi nghỉ hưu thì hưởng BHXH. Giả định mọi chuyện vẫn giữ nguyên, nhưng tuổi thọ trung bình lại tăng lên (vì chính sách lương hưu này áp dụng từ lúc bình quân tuổi thọ mới 60 nay đã tăng lên 73 tuổi). Tuổi thọ tăng lên 13 tuổi, nhưng vẫn giữ mức đóng như thế thì lấy tiền đâu ra để trả BHXH. Do đó, đứng về mặt Quỹ BHXH phải có thời gian tương quan với nhau.

Khi muốn tính một người nào đó có ích hay không ta phải xem xét từ nhiều góc độ. Đứng về mặt kinh tế học, từ 0 đến 15 tuổi không làm được gì hết, đi học bố mẹ phải nuôi thì phần sản xuất coi như là âm. Đến 55, 60 tuổi về hưu cũng không sản xuất nữa, cũng âm. Đây là đường thu nhập của một đời người. Đường chi tiêu thì từ lúc sinh ra đã phải chi tiêu. Một xã hội tồn tại phải có thặng dư của những người trong độ tuổi lao động. Người ta sản xuất ra một lượng lớn hơn cái tiêu dùng. Cái thặng dư đó sẽ phân bố cho khoảng thời gian trước 15 tuổi và sau khi về hưu. Người lao động đang đi làm bình thường nhưng đến tuổi nghỉ hưu hiện đang tính theo mô hình trung bình 58 tuổi nghỉ thì là xã hội mất hay được? Quỹ BHXH phải chi trả phần lương hưu, người ta cũng mất thu nhập để tạo ra giá trị thặng dư. Thì đó rõ ràng là xã hội bị mất chứ chẳng được gì.

Tôi có thể khẳng định rằng trong tất cả các nghiên cứu trên thế giới, cũng như của chúng tôi, không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh được là kéo dài tuổi về hưu cho những tầng lớp tạo ra giá trị gia tăng là làm mất việc làm của giới trẻ, thậm chí còn ngược lại. Vấn đề là lựa chọn người ở lại, ai ở được ai không. Ví dụ 1 bà giám đốc nhưng không có năng lực, thì tốt nhất nên nghỉ, nhưng khi bà ấy nghỉ cũng chỉ trống ra được 1 chỗ, mà tất nhiên là chỗ đó giới trẻ cũng không thể nào vào được. Bởi thị trường lao động là một thị trường phân mảng rất rõ ràng.

Quan điểm của tôi là nó có tính khách quan. Và là yêu cầu cần thiết. Giống như trẻ con, 3 tháng phải biết lẫy, 7 tháng phải biết bò, 9 tháng thì phải lò dò chạy đi. Đó là cái tất yếu. Với cái mô hình dân số đáy rộng như của chúng ta hiện nay. Trước đây 40% dưới 23 tuổi, bây giờ chỉ còn 23%. Do vậy chính sách về hưu phải theo mô hình dân số. Bên cạnh đó nó còn phụ thuộc vào giá trị thặng dư nữa. Tuổi về hưu là một vấn đề kinh tế xã hội, nó không đơn thuần như mọi người nghĩ ở lại là “tham quyền cố vị”.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Đồng Nai:

Tôi nghe nói sau năm 2030 quỹ BHXH sẽ vỡ quỹ, rất nguy hiểm nếu không sửa luật. Tổ chức Lao động quốc tế khuyến cáo 2 vấn đề: tăng thêm tuổi nghỉ hưu để kéo dài thời gian đóng BHXH và đóng BHXH trên lương chứ không đóng trên lương tối thiểu. Vì sao ban soạn thảo lại chỉ đề xuất tăng tuổi hưu? Liệu tăng tuổi nghỉ hưu có phù hợp với bộ luật Lao động hiện hành hay không, trong khi các ngành nghề dệt may, thủy sản… về hưu trở thành mơ ước của người lao động.

Đại biểu Cù Thị Hậu – Hưng Yên:

Theo dự thảo từ năm 2016, người lao động đóng bảo hiểm 20 năm sẽ được hưởng tương ứng 45% mức bình quân lương tháng. Khi về hưu, để được hưởng 75% lương, người lao động phải làm việc 35 năm. Đối với công chức có thể tăng lên 60-62 tuổi là được rồi, nhưng nhóm các đối tượng khác, từ 2020 trở đi sẽ tăng thêm 4 tháng. Tôi rất băn khoăn nếu đối tượng lao động, nhất là ở khu vực độc hại, nếu làm không đủ năm, tiền lương sẽ bị trừ tương ứng 2%/năm thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào?

Bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH:

Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo trái Điều 187 Bộ luật Lao động (nam nghỉ hưu khi 60 tuổi, nữ 55). Bà Chuyền cho biết, nếu được thông qua độ tuổi nghỉ hưu như dự thảo thì đương nhiên sẽ phải sửa các quy định trong Bộ luật Lao động. Sửa Bộ luật Lao động hay sửa Luật này đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Mục tiêu kéo dài để cân đối quỹ, không có động cơ nào khác và với lộ trình sau 2020 các đối tượng còn lại có áp dụng việc tăng tuổi nghỉ hưu hay không thì mới là đề xuất, còn quyết định vẫn là ở Quốc hội.

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội:

Tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp tăng tiền cho quỹ nhưng nếu làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng chế tài thì mỗi năm có vài chục ngàn tỷ đồng bổ sung cho quỹ. Dù vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phải cân nhắc, trước mắt, có thể tăng tuổi hưu nên đi theo từng đối tượng, chức vụ, có thể tăng một số nhóm trước.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thach-thuc-nhieu-hon-co-hoi/