Nội trú ngày xưa

Có một ngày, dành chút thời gian để sắp xếp lại nhà cửa, chợt nhận ra cuốn lưu bút ngày xưa của một thời áo trắng xa nhà, vào thành phố học. Có lẽ đây là chuyến hành trình đáng nhớ và đầy kỷ niệm nhất với tôi, kỷ niệm về thời học sinh của dân huyện được trải nghiệm sinh hoạt ở khu nội trú trong Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thời ấy. Khu nội trú đầy ắp tiếng cười và yêu thương.

Khu nội trú của trường ưu tiên cho những học sinh các huyện từ Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh về trường. Ngày ấy, mở ra trước mắt chúng tôi là khu nội trú khá cũ kỹ gồm 1 tầng lầu, mạng nhện giăng lối. Bước lên tầng khu nội trú với một lối đi nhỏ và 2 dãy phòng ở. Vì toàn là con nhà quê, quen tay hay làm nên phút chốc mọi thứ trở nên sáng sủa hơn, lớp bụi dày đóng trong 3 tháng nghỉ hè khóa trước đã được dọn dẹp nhanh chóng. Mỗi dãy được phân ra nam, nữ riêng biệt, nữ gồm các phòng 1, 5, 7 ,9, 11 và nam đối diện với các phòng 6, 8, 10, 12, 14. Trước đây dãy nam bây giờ là dãy nữ, hướng ra đường Lê Đại Hành (TP. Nha Trang). Lạ thay là căn phòng số 3 được khóa cửa kín mít, và rất nhiều tin đồn gây sự tò mò lẫn hơi run sợ, mỗi lần đi ngang chỉ dám nhìn thẳng về phía trước.

Tôi được xếp vào phòng gồm 5 người, trong đó 2 bạn ở huyện Diên Khánh và 2 bạn ở huyện Cam Ranh, có mỗi tôi là ở Vạn Ninh. Không lâu sau khi mỗi thành viên tự chọn cho mình chiếc giường ưng ý trong 3 chiếc giường tầng thì chúng tôi đã nhanh chóng bắt chuyện, hỏi han nhau trong tiếng cười ấm áp hòa chung giọng nói đặc trưng. Các bạn thấy đấy, 3 địa phương là 3 giọng nói khác nhau, mình thì đặc sệt giọng nẫu, có vẻ giọng Cam Ranh là chuẩn nhất do quê gốc các bạn ở miền ngoài, nhưng giọng Diên Khánh khá hay. Với phát âm “a” thành “e” sặc mùi “nẫu”, mỗi lần nếu chỉ có 3 đứa đi uống nước mía thì gọi luôn 4 ly cho đỡ lằng nhằng việc cô chủ quán hỏi đi hỏi lại mấy ly.

Ở đây, chúng tôi đặt ăn theo tháng trong khu nhà ăn của nội trú. Bếp có 2 cô nấu, chăm chút bữa ăn cho chúng tôi hàng ngày, các món cơm, món mặn, món canh được đặt gọn gàng trong cái cà mên 3 ngăn mà mỗi đứa được ba mẹ mua cho hoặc các cô mua giùm nếu có đăng ký. Tan học, chúng tôi vèo lên phòng cất cặp rồi xuống nhà ăn, tranh thủ còn có giấc ngủ trưa ngắn ngủi để tiếp tục học buổi chiều. Những bữa cơm xa nhà đầu tiên không thể nào “chuẩn cơm mẹ nấu” được, nhưng bạn bè được ngồi cùng nhau, huyên thuyên về những món được mẹ nấu hàng ngày thế cũng vui. Để không tắt nghẽn “giao thông” khu vực rửa bát, chúng tôi chia lịch thay phiên đại diện rửa hết cho cả nhóm và hầu như phòng nào cũng làm thế.

Tính ra ở nội trú tiện lợi lắm, học xong chỉ cần mấy bước chân là về phòng và được ăn sớm. Thường thì chúng tôi chỉ ăn buổi trưa ở nhà ăn cho tiện việc học, đến chiều có thể rủ nhau ăn tô bánh canh cứu đói, phở Ngô Đức Kế hoặc hủ tiếu gõ Mê Linh. Hôm nào phòng có tiệc sinh nhật thì được ăn “sang” ở lẩu dê đường Nguyễn Thị Minh Khai. Buổi tối ở khu nội trú khá yên tĩnh, sau giờ cơm chiều là phòng nào phòng nấy lên đèn ngồi học bài. Trường cũng sẽ mở 2 phòng để học sinh nội trú ôn bài. Phòng học sáng đèn đến tận 1, 2 giờ sáng.

Những ngày đầu với ngôi trường xa nhà còn mới mẻ, bận rộn. Sau khi nề nếp ổn định thì nỗi nhớ nhà trở nên da diết, có những buổi chiều ngắm mưa qua ô cửa sổ mà bồi hồi nhưng chưa đến cuối tuần nên kìm lòng nhớ nhung. Có hôm sau buổi thể dục, bắt vội chuyến xe 3 giờ chiều ở bến xe đường 2 tháng 4 để kịp giờ cơm chiều với ba mẹ, rồi phải lên xe 5 giờ sáng hôm sau vào lại cho kịp tiết học đầu ngày. Bởi thế, học sinh nội trú chúng tôi mong chờ nhất khoảng thời gian trường tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia là được nghỉ nhiều ngày về thăm nhà.

Có những ký ức nơi đây dường như không thể nào quên, vào những buổi tối lười xuống sân trường học bài là tạo cơ hội cho những lần dọa ma của các bạn; có ký ức về chuyện một bác xích lô nào đó leo tường ngủ ngoài máng thoát nước của dãy nữ làm các bạn một phen hoảng sợ nhưng đã được các bạn nam giải cứu và dẫn lên phường; ký ức về những món quà quê ba mẹ gởi vào để cả đám lại có bữa ăn ngon…

Hai năm sau, trường được chuyển đến vị trí mới ở đường Yersin, chúng tôi cũng được trải nghiệm năm cuối ở khu nội trú mới, khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Nhưng dường như nơi đầu tiên luôn là nơi nhiều kỷ niệm nhất. Ước một lần được quay lại thời học sinh tươi đẹp ấy!

MAI LINH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/nha-trang-ky-uc-va-khat-vong/202403/noi-tru-ngay-xua-1ad735b/