Nỗi niềm tha hương, thương mạ ngày về

Trời vén mây chan nắng vào đất, nụ mai trước nhà mạ đã bắt đầu chúm chím. Tôi thảng thốt khi thấy mùa xuân đang khẽ khàng với những bước đầu tiên. Thời gian trôi nhanh như gió thổi qua tay, xốn xang ngược miền tâm tưởng. Bất giác tôi nhớ về bạn, về buổi chuyện trò một chiều mùa hạ hôm ấy.

Bạn và tôi đều là những đứa trẻ nông thôn, nói đúng hơn thì đều là con nhà nông. Tháng bảy nắng như đổ lửa xuống đất xứ mình, ruộng khô khát giọt phù sa, bạn ngồi với tôi bên bờ sông Ô Lâu quê mình. Bạn ấp úng nói, ngày mốt, bạn sẽ xin thôi học để vào TPHCM kiếm việc làm. Tôi ngạc nhiên và man mác buồn khi hay tin bạn sẽ gác lại con đường chữ nghĩa để vào lối mưu sinh. Buổi chiều hôm ấy, tôi biết bạn buồn mênh mang.

Tôi hỏi: “Răng mi không học cho hết 12 rồi hãy xa quê, xa mạ?”. Bạn trầm ngâm, ưu tư dõi mắt nhìn từng con sóng lăn tăn vỗ bờ lâu thiệt lâu, rồi bạn nói: “Nhà tao nghèo quá mi ơi!”. Một chữ nghèo nghe mênh mông như nước sông xứ mình. Nghèo là chi mà ám ảnh suốt tuổi thơ của đám trẻ nông thôn chúng tôi như vậy?

Tôi quàng vai bạn, nói: “Mi ơi! Bọn mình rồi ai cũng phải bôn ba ra đời, chỉ là sớm hay muộn mà thôi!”. Nghe tôi nói, bạn cười xuề xòa, bảo hôm ni mi nói sến súa quá. Tôi nhìn vào nụ cười làn lạt của bạn, cái điệu bộ và nét cười lành như nước cố giang, hiền như đất cố hương. Giây phút ấy, tôi biết bạn cố cười để khỏa lấp đi nỗi tủi trong lòng. Giữa nỗi lòng bên trong và vẻ bên ngoài của con người ta lắm lúc đối nghịch và mâu thuẫn nhau dữ lắm. Người ta cười nhưng chắc gì lòng đã vui, và người ta khóc chắc gì lòng đã buồn. Như bạn, dù tôi có hái sao trên trời để so sánh nỗi lòng, cũng không sao nói hết những nỗi sầu vấn vương trong bạn.

Bạn bảo không biết đi mần tới cuối năm có dư đồng mô đem về cho mạ không. Trời đất! Một câu nói thật tình và chân phương mà nghe đắng đót lòng. Tết đến, mạ đợi bạn về để ôm bạn vào lòng, để nhìn trìu mến hình hài đứa con phương xa chứ nào quan trọng tiền bạc. Người xứ mình đều nghèo tiền nghèo bạc, nhưng tuyệt nhiên người ta không lấy của cải để vẽ ra mục đích cuộc sống. Với mạ bạn, điểm dừng cuối năm là sum vầy, đoàn tụ.

Một bận trên đường đi làm về, bạn thấy một bà già bán bánh thuẫn. Nhìn sau bóng lưng cong cong gầy gầy, bạn giật mình, trời ơi sao giống mạ quá. Bạn chạy đến bên bà già bảo: “Mệ cho con hai cái bánh thuẫn”. Bà già ngẩn người đăm chiêu, bà không hiểu từ “mệ” là gì. Bạn gãi đầu rồi cười nói: “Ờ ha! Con quên, con tưởng đây là quê con. Bà cho con hai cái bánh thuẫn”. Ăn bánh mà đôi mắt bạn đỏ hoe. Bạn nhớ mạ, nhớ quê. Tết cũng đâu còn xa xôi gì, trở bàn tay đã thấy mai nở vàng sân, đã nghe ra mùi bánh thuẫn mạ đổ thêm nức cả chái bếp hiên sau.

Bên hiên nhà mạ vẫn đợi con. Ảnh: LÊ ĐÌNH HOÀNG

Đến độ cuối năm, ba bạn lại bắc thang lên tra để lấy khuôn đổ bánh thuẫn, mạ bạn xách giỏ ra chợ mua bột mì, rồi ra chuồng gà lấy trứng. Bạn là đứa được mạ giao cho nhiệm vụ thổi lửa bếp than, công đoạn tưởng dễ mà chẳng hề dễ. Bạn phải canh sao cho lửa trên lửa dưới đều nhau, để tất cả bánh trong khuôn được chín đều. Mọi lúc khói lửa làm cay mắt, nước mắt ứa ra, nhưng sao giờ chẳng có ngọn khói nào mà mắt bạn cũng ươn ướt.

Ngồi bên bếp lửa ấm ngày cuối năm cùng mạ, thổi lửa cho mạ đổ bánh, bạn nhớ mà quặn lòng thương da diết. Ngọn khói gầy guộc vắt ngang vai gầy. Nỗi điêu linh theo thời gian đã âm thầm đành đoạn để lại dấu vết trên tóc mạ. Than đỏ liu riu hắt lên tường hai cái bóng, bạn chẳng biết nó in vào tâm trí bạn từ lúc nào. Một câu hỏi hiện lên trong đầu bạn, liệu mùa tết năm nay, thằng ba có biết thổi lửa đều đều cho mạ đổ bánh?

Cả con đường về trọ hôm ấy, tâm trí bạn cứ chờn vờn với những ký ức cũ càng của những ngày giáp tết ở quê nhà. Bạn ngoảnh nhìn phía sau, một cái bóng lẻ loi đổ rạp theo hướng của ánh đèn vàng vọt. Bạn khóc như con nít giữa lòng thành phố dẫu quen mà lạ này. Bạn không kể tôi nghe nữa, nhưng tôi biết bạn đang đếm từng ngày về quê, dẫu tay bạn vẫn trắng như ngày cất gót mềm tha hương.

Bạn sẽ về sớm thôi để nghe xứ hát lời thương trong khí xuân, để ngồi bên ba mạ, bên đàn em thơ, cùng ăn miếng bánh thuẫn mà lòng chan chứa niềm thương. Dẫu cái nghèo vẫn còn đó, nhưng người ta sẽ không thấy khổ trong mùa xuân…

NGUYỄN VĂN ĐỨC ANH

Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/noi-niem-tha-huong-thuong-ma-ngay-ve-post724687.html