Nỗi lòng công nhân tăng ca

Ai cũng muốn sau giờ làm việc mệt mỏi sẽ có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng đối với công nhân lao động tại một số công ty, doanh nghiệp thủy sản, vì muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nên đa số họ không ngại vất vả, đi sớm về khuya làm tăng ca. Tuy đồng lương cuối tháng nhận được là động lực để họ tiếp tục cố gắng lao động nhưng đằng sau đó là những nỗi trăn trở.

Ai cũng muốn sau giờ làm việc mệt mỏi sẽ có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng đối với công nhân lao động tại một số công ty, doanh nghiệp thủy sản, vì muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nên đa số họ không ngại vất vả, đi sớm về khuya làm tăng ca. Tuy đồng lương cuối tháng nhận được là động lực để họ tiếp tục cố gắng lao động nhưng đằng sau đó là những nỗi trăn trở.

Chị C, công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm thủy sản xuất khẩu Cà Mau (FFC), chia sẻ: “Tôi đã làm tại công ty được 5 năm và hiện tại mức lương hằng tháng dao động từ 3-5 triệu đồng. Mỗi ngày, tôi bắt đầu làm việc từ 6 giờ 30 sáng đến 17 giờ về, nếu tăng ca tầm 20 giờ tối mới về tới nhà. Riêng ca đêm tôi bắt đầu công việc lúc 17 giờ và 6 giờ 30 hôm sau giao ca. Giữa giờ tăng ca công ty có pha trà đường cho nhân viên uống. Biết là rất ảnh hưởng sức khỏe nhưng muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nên ráng làm”.

Chợ đêm trước cửa các xí nghiệp thủy sản phục vụ công nhân tan ca.

Mỗi công ty có khung giờ làm việc cho công nhân khác nhau, do yêu cầu công việc, những lúc nguyên liệu nhiều hay những đơn hàng đột xuất, công nhân phải tăng ca. Thời gian tăng ca khoảng 3-4 giờ, dù mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng qua tìm hiểu và tiếp xúc với một số công nhân tại các công ty thủy sản, đa phần họ đều muốn được tăng ca để có thêm thu nhập.

Gặp chị A, công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, đã gần 21 giờ, chị trải lòng: “Làm được ca ngày đỡ vất vả hơn, nhưng công nhân ở đây ai cũng phải xoay ca ngày và tối. Khi nào có nhiều tôm phải làm thêm giờ, tùy thuộc vào công ty hết. Chịu khó làm thêm giờ để có thêm thu nhập nên không ngại chuyện nặng nhọc”.

Thực tế cho thấy, dù nhờ sự quan tâm của các tổ chức công đoàn mà đời sống công nhân chuyển biến tích cực hơn, nhưng trăn trở lớn nhất của công nhân vẫn là đồng lương còn quá ít, chưa đảm bảo ổn định cuộc sống.

Ông Trần Thanh Phong, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Khoảng đầu năm 2017 đến nay, chưa có doanh nghiệp nào vi phạm việc thực hiện tiền lương cho công nhân. Do điều kiện tình hình sản xuất ở doanh nghiệp nên đa số công nhân thời gian gần đây ít tăng ca, thu nhập chỉ ở mức theo quy định chứ không cao”.

Mức lương không ổn định, phải phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, trong khi đó, môi trường làm việc còn vất vả, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống công nhân, chưa kể những lúc phải làm thêm giờ. Để công nhân có thêm sức khỏe, tinh thần làm việc, nâng cao tay nghề và năng suất lao động, mong rằng các công ty, doanh nghiệp có thêm nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ, tạo động lực cho công nhân yên tâm lao động sản xuất, xứng đáng với công sức người lao động đã bỏ ra.

Theo Kim Chi (Báo Cà Mau)

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/201707/ca-mau-noi-long-cong-nhan-tang-ca-2563844/