Nỗi lo Xóm Chài

Nước cuồn cuộn chảy cắt ngang mặt đường. Lối vào Xóm Chài bị mất hút dưới làn nước đục ngầu. Hầu hết những ngôi nhà ở xóm này đều đã cũ kỹ, xiêu vẹo, không còn an toàn trước mùa nước nổi. Di dời những hộ dân này đi đâu là vấn đề chính quyền địa phương đang 'đau đầu'.

Năm nay nước dâng lên sớm hơn mọi năm.

Xóm Chài mùa nước nổi

“Xóm Chài” là tên thường gọi của người dân địa phương khi nhắc đến 2 Tổ dân cư tự quản số 23 và 24, ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Hai tổ dân cư này có hơn 30 hộ dân, hầu hết đều kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá, nuôi cá trên đồng ruộng, sông, rạch. Đa số nhà, chòi của cư dân Xóm Chài đều xây cất sát rạch Tây Ninh và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Gia đình ông Nguyễn Văn Điền là một trong những cư dân của Xóm Chài. Sau ngày miền Nam giải phóng, vợ chồng ông Điền dắt díu nhau về cất nhà ở tạm bên bờ rạch Tây Ninh, kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá. “Hồi trước, gia đình tôi có cái vó cá gần cầu Thái Hòa. Hơn 4 năm nay, tôi bị bệnh suyễn nên giải nghệ”- người đàn ông 74 tuổi này tâm sự.

Ông Điền có 6 người con, 2 người đã qua đời, 4 người con còn lại đều lập gia đình, cất nhà ra riêng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn địa phương. Năm 2014, các nhà hảo tâm xây cho gia đình ông Điền căn nhà tình thương. Sau gần 10 năm sử dụng, căn nhà này cũng đã xuống cấp, vách ván mục thủng nhiều nơi, căn bếp nghiêng hẳn ra mé rạch, mưa giông có thể sẽ bị cuốn theo dòng nước.

Nước dâng lên, anh Hiệp phải mua lưới giăng xung quanh ao để giữ cá.

Hơn một tuần nay, nước dâng ngập hết sân nhà và mấp mé lên trước thềm. Bà Đào Thị Mai- vợ ông Điền cho biết, so với những năm trước, năm nay nước lên sớm hơn và có thể sẽ cao hơn: “Thời điểm này năm ngoái, nước mới chỉ lấp xấp vài chỗ ngoài sân, năm nay nước lên nhanh quá”.

Năm nào cũng vậy, từ khoảng rằm tháng tám (âm lịch) là nước từ con rạch trước nhà dâng lên ngập hết cả xóm và kéo dài hơn 2 tháng. “Có năm nước ngập cao tới cửa sổ. Chính quyền địa phương phải đưa ghe vào chở bà con trong xóm lên trường học ở tạm, chờ nước rút mới trở về nhà”, bà Mai nhớ lại.

Căn nhà sàn của gia đình anh Hiệp đã xiêu vẹo, không an toàn trước mùa nước nổi.

Anh Nguyễn Văn Hiệp, 30 tuổi, nhà gần cuối xóm kể: Gia đình có 6 anh chị em. Các anh chị lớn đều lập gia đình đi làm ăn sinh sống nhiều nơi, một vài người ở lại Xóm Chài tiếp tục kiếm sống bằng nghề cá. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hầu hết con em trong xóm học hết lớp 12 rồi nghỉ.

Trong gia đình anh chỉ có một người em học xong cấp 2, các anh em còn lại đều nghỉ học giữa chừng. Anh cũng mới học hết lớp 7 rồi chia tay trường lớp, ở nhà nối nghiệp cha mẹ làm nghề đánh bắt cá trên sông. Anh Hiệp chia sẻ, mùa nước nổi anh đánh bắt cá bằng cách giăng lưới, kéo lưới, đăng, dớn. Trung bình mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng. Mùa hạn, chỉ còn vài người kiếm sống bằng nghề cá, anh và nhiều thanh niên trong xóm rủ nhau đi làm thuê hoặc xin việc trong các công ty, xí nghiệp.

Để kiếm thêm thu nhập, nhiều năm qua, gia đình anh Hiệp đào một ao nhỏ bên hông nhà nuôi cá tra, cá lóc. Những năm gần đây, giá bán các loại cá này lên xuống thất thường nên anh Hiệp chuyển sang nuôi cá diêu hồng, tai tượng.

Dự đoán mùa nước năm nay lên sớm, anh mua lưới về giăng giáp vòng ao, đề phòng nước lên cá thoát ra sông. Nhìn mực nước không ngừng dâng lên khiến căn nhà sàn của gia đình càng trở nên nhỏ bé giữa mênh mông sóng nước, chàng trai này không khỏi lo lắng: “Căn nhà sàn của gia đình em cất đã lâu, nay xuống cấp, khả năng chỉ sử dụng được một vài năm nữa rồi phải xây cất căn nhà khác”. Nhắc đến việc cất nhà, anh Hiệp rầu rĩ: “Khoảng 2 tháng nay, cán bộ xã đến đo đạc, thống kê nhà dân và thông báo toàn bộ dân cư ở đây phải di dời đi nơi khác, nhưng đi đâu, ở đâu thì đến nay chưa ai biết?”.

Cư dân Xóm Chài đi lại bằng thuyền nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Hiếu- một cư dân ở đầu Xóm Chài cũng băn khoăn về tương lai của gia đình mình. Hằng ngày chị giăng lưới, xúc cá, tép trên đồng ruộng đem ra đầu cầu Thái Hòa bán kiếm tiền nuôi 2 con. Mùa nước nổi, chị bắt cá được nhiều hơn, nhưng giá bán giảm gần phân nửa so với mùa hạn.

“Mùa nước cạn, cá lòng tong, tép bán được giá 120.000 đồng/kg, nay chỉ còn 60.000-70.000 đồng/kg. Cá rô đồng mùa cạn 100.000 đồng/kg, nay còn 50.000 đồng/kg”- người phụ nữ này chia sẻ. “Năm 2006, nước ngập hết cả xóm. Nhà nào cũng phải làm gác kê đồ đạc lên cho khỏi ướt. Năm nay, nhiều người dự đoán nước sẽ ngập cao hơn năm 2006, chưa biết ra sao”.

Chị Hiếu tâm sự, trong xóm này chỉ có một căn nhà có “sổ đỏ”, vì họ có 2 công đất ruộng, những nhà còn lại đều cất nhà tạm trên bờ rạch và không ai có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vừa rồi, chính quyền địa phương thông báo người dân ở đây di dời đi nơi khác, chưa biết sắp tới cuộc sống bà con Xóm Chài sẽ ra sao?

Trẻ em Xóm Chài bì bõm trong nước khi đến trường.

Nan giải việc di dời

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thanh Điền cho biết, Xóm Chài hình thành từ năm 1975, ban đầu chỉ hơn 10 hộ dân sinh sống, đến nay con cháu của những hộ dân này lập gia đình, cất nhà ra ở riêng nên số hộ tăng lên rất nhiều. Một vài hộ có điều kiện kinh tế đã đi nơi khác làm ăn sinh sống, những hộ khác ở xóm vẫn kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản.

Tháng 5.2022, UBND huyện Châu Thành có văn bản yêu cầu UBND xã Thanh Điền rà soát, thống kê tất cả trường hợp cất nhà ở ven rạch Tây Ninh và sông Vàm Cỏ Đông. UBND xã đã rà soát thực tế, có hơn 170 hộ dân làm ăn sinh sống ven rạch Tây Ninh và sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn xã Thanh Điền.

Lối vào Xóm Chài mất hút dưới làn nước.

Huyện đã yêu cầu UBND xã thông báo tất cả những hộ dân này di dời đi nơi khác, trả lại nguyên trạng rạch Tây Ninh và sông Vàm Cỏ Đông cho Nhà nước. UBND xã đã 2 lần gửi thông báo di dời đến những hộ dân này. Đến nay, chỉ có 1 hộ di dời vào đất liền, những hộ còn lại chưa có chỗ để di dời. Khó khăn của xã là không còn quỹ đất công phù hợp để bố trí cho những hộ này tái định cư. UBND xã đã báo cáo vấn đề này lên UBND huyện.

Chủ tịch UBND xã Thanh Điền cho biết thêm, hiện nay, xã có một số quỹ đất công nhưng đều manh mún, nhỏ lẻ, không đủ để bố trí cho tất cả hộ dân của Xóm Chài. UBND xã đang cho rà soát lại những phần đất công này để báo cáo Đảng ủy xã và xin chủ trương của UBND huyện.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/noi-lo-xom-chai-a149524.html