Nỗi lo nợ xấu mới rình rập sau đại dịch

Xu hướng rao bán tài sản thế chấp để xử lý và thu hồi nợ xấu đang ngày càng được đẩy mạnh, nhất là khi thông báo phát mại tài sản liên tục xuất hiện dày đặc trên trang web của các ngân hàng thời gian qua.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, hai đợt bùng phát dịch COVID-19 gần nhất đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và một số tiểu ngành chế biến, chế tạo, doanh nghiệp và người dân có lẽ sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ.

Bán rẻ cũng không có khách

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nợ xấu nội bảng đến hết tháng 6/2021 so với cuối 2020 đang là 1,78%, tăng hơn so với cuối 2020 (lúc đó 1,69%).

Nếu tính toán theo thông tư 01, 03 và gần đây nhất là thông tư 04 thì có thể tổng số nợ xấu trong hệ thống khoảng 4,56 - 4,98%.

"Nếu tính thêm các khoản nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC, nợ có khả năng trở thành nợ xấu, thì khoảng 3,54%. Chúng tôi cũng tính toán 3 kịch bản của nền kinh tế trong năm nay để xác định nợ xấu và đánh giá cơ cấu lại nợ của các ngân hàng thương mại. Nợ xấu nội bảng có thể 1,54 - 1,91% vào cuối năm nay. Như vậy, cộng tất cả các khoản nợ xấu nội bảng, bán cho VAMC chưa được xử lý, tiềm ẩn trở thành nợ xấu… thì khoảng 3,43 - 3,84%", ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho hay.

Tuy nhiên, theo NHNN, nếu tính toán theo thông tư 01, 03 và gần đây nhất là thông tư 04 thì có thể tổng số nợ xấu trong hệ thống khoảng 4,56 - 4,98%.

Phát biểu tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, ông Tú cho hay: "Nếu nói không có nợ xấu thì rất phi lý, không phải ngân hàng làm ra nợ xấu mà nợ xấu của nền kinh tế, của dịch Covid-19 làm ra. Nhưng chúng ta phải nhìn một cách rất khách quan đầy đủ để có biện pháp xử lý. Đây là tính toán với điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát sớm. Như các đồng chí nói, doanh nghiệp lớn còn vỡ, vỡ là nợ xấu rồi, càng vỡ nhiều thì nợ xấu càng tăng".

Trong bối cảnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 63 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại phải triển khai các biện pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Thực tế, không ít ngân hàng sẵn sàng bán rẻ nợ xấu nhưng không tìm được khách mua khiến việc rao bán nợ xấu xuất hiện dày đặc trên trang web của các ngân hàng thời gian qua.

Điển hình như BIDV rao bán Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP.HCM với giá 535 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Đến nay, mức giá giảm còn 356 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có ai mua, trong khi trên thị trường, các vị trí đất vàng không còn nhiều.

Các chuyên gia nhấn mạnh, những khó khăn từ dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ nợ khó đòi cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, các ngân hàng phải chủ động rà soát, kể cả những khoản nợ được tái cơ cấu, chưa chuyển nhóm, nhưng cũng cần trích lập dự phòng nhằm hạn chế rủi ro sau này.

Rủi ro với đòn bẩy tài chính

Theo các chuyên gia, nợ xấu thực tế vẫn còn bị che lấp do ngân hàng thương mại kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng theo thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống 11,13% vào tháng 12/2020 và 11,1% cuối tháng 6/2021”, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nói.

Đánh giá về tỷ lệ nợ xấu, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, xu hướng rao bán tài sản thế chấp để xử lý và thu hồi nợ xấu đang ngày càng được đẩy mạnh khi thông báo phát mại tài sản liên tục xuất hiện dày đặc trên trang web của các ngân hàng thời gian qua. Đây là hồi chuông cảnh báo về việc các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính tỷ lệ khá lớn.

"Ví dụ, trong khối tổng tài sản trị giá 150 tỷ đồng của một nhà đầu tư thường có khoảng 50-60 tỷ đồng là vốn vay. Tỷ lệ này có thể an toàn trong bối cảnh bình thường, song trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ của nhà đầu tư là chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Dòng tiền trả lãi vay bị "đứt" dẫn đến việc họ bị ngân hàng siết nợ", vị này phân tích.

Còn theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản là đất ở và bất động sản nhằm thu hồi nợ được đánh giá là cơ hội khi thị trường tăng cung, nhất là khi mức giá mà các ngân hàng đưa ra thường được nhìn nhận là khá hấp dẫn so với mặt bằng giá thị trường.

Tuy nhiên, chỉ những khoản nợ có tài sản đảm bảo "ngon" sẽ được ngân hàng xử lý một cách dễ dàng. Còn những khoản nợ quy mô lớn, dù có tài sản đảm bảo nhưng phức tạp và đòi hỏi người mua nợ có nguồn lực lớn thì sẽ khó bán. Đó là vấn đề đang khiến các nhà băng "đau đầu" bởi trong những trường hợp này dù ngân hàng "xuống nước" hạ giá nhưng thị trường vẫn khó hấp thụ được trong bối cảnh hiện nay, theo TS.Hiếu.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/noi-lo-no-xau-moi-rinh-rap-sau-dai-dich-1081301.html