Nơi lắng hồn núi sông

(LĐ) - Đúng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi được cùng PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, vào thăm Hoàng thành Thăng Long.

Nhiều du khách nhận ra "ông cổ nhân học" Nguyễn Lân Cường, liền sáp lại để được nghe giới thiệu vài nét về Hoàng thành Thăng Long... Chỉ tay vào một nền móng còn khá nguyên vẹn gồm cát vàng (ở dưới), trên là đá cuội, rồi tới phiến đá rộng chạm nổi hình cánh sen, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho rằng: “Các cột gỗ đặt bên trên cũng phải rất lớn, vì chúng có tỉ lệ tương ứng với nhau, nên chúng ta có thể hình dung được quy mô của công trình ngự trên đó”. Với vô vàn hiện vật, những dấu tích kiến trúc, vật liệu mang hình linh vật và đặc biệt là những “đồ ngự dụng” mang hình rồng – một biểu tượng thiêng liêng của phương Đông chỉ nhà vua mới được sử dụng, điều đó khẳng định khu vực này chính là một phần của Hoàng thành Thăng Long... Với sự giới thiệu của TS Nguyễn Lân Cường, chúng tôi phần nào mường tượng được cung điện, lầu son, gác tía đã từng tồn tại trên vùng đất thiêng liêng có thế rồng cuộn, hổ ngồi... Bên một chiếc giếng nước cổ, PGS-TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu: Giếng này được xác định có từ thời Trần. Năm 2002-2003, khi mới được khai quật, nó bị lấp đầy bùn đất. Sau khi được nạo vét, tự nhiên nước trong xanh trở lại, rất sạch. Chiếc giếng này được các nhà khảo cổ học đánh giá là đẹp nhất. Bên trong lòng giếng cũng tìm được nhiều đồ gốm sứ và các hiện vật thời Trần. Thành giếng gồm những viên gạch xếp nghiêng theo hình xương cá và dưới đáy lát gạch vuông như gạch lát nền. Theo giới thiệu của cán bộ hướng dẫn, thì Hoàng thành Thăng Long là khu vực dày đặc các công trình của một kinh thành thời phong kiến. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, một số cuộc khai quật đã được tiến hành trên đất Thăng Long xưa, như khu vực Quần Ngựa, khu vực Lăng Bác (khi đó chưa xây dựng lăng), nhưng không thu được nhiều kết quả. Đến năm 1998, các cuộc khai quật ở khu vực xung quanh Hậu Lâu, Cửa Bắc... đã phát hiện dấu tích các nền móng kiến trúc cổ. Đáng chú ý nhất là cuộc khai quật trên quy mô lớn năm 2002-2003 tại địa chỉ 18 đường Hoàng Diệu, đã phát lộ nền móng của một số công trình kiến trúc ở phía tây điện Kính Thiên. Theo đánh giá của PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học thì từ cuộc khai quật có quy mô lớn này đã phát lộ một phức hệ di tích, di vật rất phong phú, đa dạng để có thể dựng lại cả một chiều dài lịch sử liên tục qua nhiều triều đại phong kiến Việt Nam... Cuộc khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long đã cho phép rút ra những nhận định khoa học quan trọng. Trong nhiều hố khai quật đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc thời Lý – Trần – Lê nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Tống Bình – Đại La (thế kỷ VII-IX). Điều này được minh chứng rõ lời Vua Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô đã nói tới việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long... Trước đó, tháng 10.2003, tôi được cùng một đoàn khách trung ương vào tham quan khu vực khảo cổ Hoàng thành Thăng Long tại địa chỉ 18 đường Hoàng Diệu. Lúc đó, để bảo vệ khu di tích, nên cơ quan chức năng rất hạn chế người được vào tham quan. Hôm đó, với sự giới thiệu trực tiếp của PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học (đơn vị chủ trì cuộc khai quật), chúng tôi được mục kích một khu đất rộng lớn phía sau Hội trường Ba Đình, còn đang ngổn ngang những tầng văn hóa, kiến trúc của các triều đại phong kiến Việt Nam qua gần 1.000 năm với hàng triệu hiện vật. Nổi bật nhất là những tượng, hình linh vật bằng đất nung như rồng, chim phượng ngậm ngọc, lá đề, uyên ương cùng vô số những đồ, vật dụng gốm sứ để trang trí, sinh hoạt như vò, thạp, đế đèn, bát đĩa... Ngoài ra, trong đợt khai quật năm 2002-2003, còn có một số ngôi mộ, có xương người còn khá nguyên vẹn (được xác định từ thời Trần đến thời Nguyễn)... Nhìn dòng người vào thăm di sản văn hóa thế giới trong những ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi không khỏi bâng khuâng nghĩ đến dòng lịch sử trôi đi và nghĩ, các bậc tiền nhân có thể hình dung con cháu của mình đang cố hình dung về hoàng thành qua bao thăng trầm lịch sử từ những dấu tích này. Và các cụ muốn nhắn nhủ gì với hậu thế qua những di tích vô giá này? Trần Duy Hiển

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/noi-lang-hon-nui-song/16803