Nỗi đau hậu chiến - Bài cuối: Cần có một tấm lòng

Những ngày ở Quảng Trị, gặp lại nhiều người đã từng tham gia hoạt động cách mạng tại Triệu Phong, chúng tôi đều nhận được lời khẳng định, bà Lê Thị Cẩm Thạch bị oan sai nên càng đau đáu hơn với nỗi đau của những người ruột thịt còn lại trong gia đình bà. Hành trình đi tìm chân lý cho bà Lê Thị Cẩm Thạch chẳng lẽ sẽ mãi là một nỗi đau không thể hóa giải thời hậu chiến?

Bao giờ chiến tranh mới thật sự chấm dứt đối với ông Duyết

khi nỗi oan của mẹ mình chưa được giải

Nỗi đau người ở lại

Trong bốn người con của bà Lê Thị Cẩm Thạch chỉ có duy nhất ông Nguyễn Duyết (sinh năm 1940) là không cùng chí hướng với cha, anh của mình vì năm 1961 ông bị bắt vào lính của chế độ Việt Nam cộng hòa. Trước năm 1968, ông là lính truyền tin, sau 1968 được thuyên chuyển về Huế đóng ở Mang Cá cho đến ngày nước nhà thống nhất.

Gặp ông Nguyễn Duyết- người con ruột còn sống duy nhất của bà Lê Thị Cẩm Thạch, ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa, những hận thù ở hai phía đã được xóa bỏ thì với ông, nỗi oan của mẹ vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất, hơn cả những thảm khốc của chiến tranh để lại trong cuộc đời.

Phải mất một lúc lâu, ông Duyết mới chia sẻ được những góc u buồn của số phận. Mỗi lần nghe một câu chuyện ông kể là một lần câu hỏi về thân phận chiến tranh lại day dứt trong chúng tôi. Bao giờ thì chiến tranh mới thật sự chấm dứt đối với ông Duyết khi nỗi oan của mẹ mình chưa được giải?

Trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, ông Duyết nhớ lại, dù về Huế nhưng không dám về thăm nhà, thăm mẹ vì đây là vùng mất an ninh, sợ bị liên lụy và nghi ngờ. Năm 1969, sau khi bình định được Triệu Trạch, An ninh Quân đội Việt Nam cộng hòa yêu cầu ông bổ túc hồ sơ và chính ông đã nghe họ nói:”Việt Cộng về bắt mẹ anh rồi, anh biết không?”. Ông Duyết trả lời: không biết.

Sau giải phóng vì mặc cảm mình là Ngụy quân, vả lại do tin vào lời của An ninh Quân đội Việt Nam cộng hòa nên ông Duyết không tìm hiểu sự việc, do vậy mà năm 1977, khi làm hồ sơ liệt sĩ cho em trai là Nguyễn Hữu Duyệt, ở phần hoạt động của từng người trong gia đình liệt sĩ, ông Duyết đã khai mẹ "bị cách mạng bắt mất tích”. Mãi đến năm 1995, khi anh trai Nguyễn Hữu Kiểm làm đơn đề nghị minh oan cho mẹ, ông Duyết mới biết thật hư vấn đề, nhất là sau khi có được lời chứng của ông Nguyễn Đức Phẩm, nguyên Xã đội trưởng Triệu Trạch nên vừa rồi (7/2013) ông Duyết đã có đơn gửi xã Triệu Trạch xin thay đổi lời đã khai năm 1977, kèm theo đó là nộp hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ của mình.

Tuy nhiên, ngày 13-2-2014, Hội đồng chính sách xã Triệu Trạch đã họp, vẫn lấy cớ bà Lê Thị Cẩm Thạch bị vướng quy định của NĐ 56/2013-CP (người phản bội, đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị Tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù thì không được xét tặng danh hiệu Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng”) nên đã không ghi vào danh sách trình cấp trên đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

"Tôi đau lòng vô cùng vì biết rằng, trên thực tế mẹ tôi không hề vi phạm những quy định đó. Rõ nhất là tại Công văn số 204 ghi ngày 22/8/2011, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị đã trả lời cho anh trai tôi là Nguyễn Hữu Kiểm: Bà Lê Thị Cẩm Thạch có bị cách mạng bắt hay không qua khai thác các nguồn hồ sơ tài liệu tại các cơ quan chức năng đến nay chưa phát hiện có hồ sơ tài liệu nào phản ảnh về việc bà Lê Thị Cẩm Thạch bị cách mạng bắt và xử lý. Vậy thì đến bao giờ nỗi oan của mẹ tôi mới được hóa giải?”, ông Duyết đau xót nói.

Không bao giờ lẫn lộn đen trắng

Khép lại loạt bài này, chúng tôi thực sự bị ám ảnh bởi những câu hỏi day dứt của ông Duyết, của bà Loan- những người thân ruột thịt còn lại của bà Lê Thị Cẩm Thạch. Mặc dầu qua chuyện trò với những người từng tham gia hoạt động ở Triệu Phong trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, họ đều khẳng định: vì nhiều nguyên do nên có vấn đề người dân bị xử lý oan sai. Trường hợp này không phải là hiếm. Vì sau giải phóng đã có khá nhiều trường hợp được minh oan, nhờ vậy mà người thân của họ đã được xét kết nạp Đảng. Đó là đạo lý và chân lý.

Đau đáu nỗi đau này, năm 1988, nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện Huế xuân 68, ông Lê Minh, nguyên Phó Bí thư khu ủy Trị Thiên, Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế xuân 1968 đã chính thức lên tiếng:

"Tôi thấy cần phải nói đến một điều đáng buồn, sự tang tóc trong biến cố Mậu Thân là đề tài mà địch đã không ngừng khuếch đại và xuyên tạc ta từ trước đến nay. Trước hết là bom đạn Mỹ ném ào ạt xuống thành phố đã giết chết hàng nghìn dân thường, chúng bắn chết hàng loạt người tại chỗ khi tái chiếm thành phố, hàng trăm tù binh khác ta đưa ra, đáng lẽ được sống thì đã bị trực thăng Mỹ đón đường bắn chết, bởi hễ thấy đám đông là chúng bắn không phân biệt. Đó là sự thật của ban ngày, không phải là tội ác lớn hay sao?

Tuy nhiên, còn lại một mặt khác của vấn đề. Việc trừng trị những người có tội ác đối với nhân dân trong một cuộc chiến tranh là điều không tránh khỏi, một khi quần chúng đã nổi dậy. Và trong trường hợp đó, không một chính phủ nào có thể kiểm soát nổi những hành động bộc phát do lòng căm ghét của quần chúng từ lâu bị bức xúc, hoặc do một thứ ý thức dân tộc có tính tự phát ở nơi mỗi người. Ngay cả cuộc cách mạng tư sản 1789 ở Pháp cũng đã diễn ra giống như vậy, và không tránh khỏi những trường hợp xử lý oan uổng...

Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi. Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan cho gia đình, con cái của những người đã chết, trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết. Có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người. Đó chính là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn đen trắng. (Trích bài của ông Lê Minh trong tập sách Huế Xuân 68 do Thành ủy Huế xuất bản năm 1988).

Điều ông Lê Minh trăn trở cũng chính là nguyện vọng của ông Vĩnh Quang, nguyên ủy viên trực Ban Thường vụ huyện ủy Triệu Phong năm 1968: "Tôi tin, trường hợp xét truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà Lê Thị Cẩm Thạch, nếu chúng ta đưa ra lấy ý kiến, chắc chắn nhân dân xã Triệu Trạch đồng tình”.

Với bản chất tốt đẹp của chế độ, đặc biệt khi cuộc Tổng rà soát chính sách cho người có công đang được các địa phương, trong đó có Quảng Trị thực hiện tích cực, chúng tôi cũng tin rằng nỗi oan của bà Lê Thị Cẩm Thạch sẽ được hóa giải bằng tình thương và thái độ hành xử có trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Hữu Thu-Hoàng Yến

Bài 1: 18 năm kêu oan cho mẹ

Bài 2: Bà Lê Thị Cẩm Thạch được mời hay bị bắt?

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=88373&menu=1396&style=1