Nơi cực bắc

Con đường xuống cột mốc 428 sát mép sông Nho Quế gần như dốc đứng. Đấy là đường ra với mỏm đất cực bắc của Việt Nam. Trạm trưởng Trạm phòng Lũng Cú Nguyễn Vũ Quỳnh nói chúng tôi là đoàn nhà báo đầu tiên đến cột mốc 428.

Về cõi bắc

Khi con đường Hạnh Phúc hoàn thành, rồi nâng cấp, Hà Giang lại nổi tiếng với Công viên địa chất toàn cầu, người đến với Lũng Cú nhiều hơn. Lá cờ lồng lộng trên đỉnh núi Rồng cao 1.700 mét như một lời mời gọi dành cho nhiều người Việt Nam. Nhưng cực bắc Tổ quốc, không phải chỉ đến đỉnh cột cờ. Từ Lũng Cú vào trong là đường cụt, chỉ còn dân bản Xéo Lủng, bản Xín Mần Kha cùng bộ đội biên phòng giữ biên giới. Từ bản Xéo Lủng, phải đi bộ thêm bốn cây số xuống gần sát sông Nho Quế, mới tới cột mốc xa nhất phía bắc - cột mốc 428. Mỏm đất cực bắc uốn thành một vòng cung rất đẹp theo đường cong sông Nho Quế, nơi cột mốc xa nhất 428 được đặt.

Trung úy Bùi Đức Thoán, người dẫn đường cho chúng tôi kể, đường đến cột mốc 428 và cột mốc 411 ở xã Ma Lé đi lại khó khăn nhất, dốc ngược. Cuối năm, Lũng Cú mưa phùn nhiều, giày chúng tôi bám chặt trên nền đất đá trơn tuột. Một thanh niên người Mông xua ngựa chở ngô về, đùa: "Bám lấy đuôi ngựa mà leo cho đỡ mệt không". Cột mốc 428 nằm gần sát mép nhìn xuống Nho Quế. Từ đây, Nho Quế chảy vào Việt Nam, sang Mèo Vạc phía Săm Pun, Xín Cái, rồi chảy về Cao Bằng. Chỉ một đoạn chừng năm cây số cả đi và về, nhưng chúng tôi mất gần năm giờ. Mũi giày chùn thấy rõ khi cứ theo chân các anh lính xuống phía sâu hút gần Nho Quế. Đằng sau ngọn cờ lồng lộng phía đỉnh cao Lũng Cú tung bay kia, là mỏm đất âm thầm thế này. Tổ quốc trên đất từ phía bắc bắt đầu chính từ cột mốc này, từ mỏm đất ăn mình ra sát sông Nho Quế kia. Phía mỏm đất, đã thấy xanh những mầu ngô, màu rau.

Chấm đỏ tạo hình chữ S

Nếu coi mỗi cột mốc là một dấu chấm đỏ trên bản đồ, thì nối các dấu chấm ấy lại, sẽ là hình chữ S nước Việt. Chúng tôi đã từng chào cờ ở những mốc số 0 phía cực tây A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), đứng lặng nhìn cột mốc 92 nơi dòng sông Hồng nửa đỏ nửa xanh phía Lũng Pô (Bát Xát, Lào Cai), ngắm thác Bản Giốc hùng vĩ của Tổ quốc mình từ cột mốc 836. Có những cột mốc, nằm giữa biển khơi, như cột mốc 1378 phía Sa Vĩ, Quảng Ninh. Có cột mốc như 422, nằm trên đỉnh cao nhất dãy Trường Sơn Pu Xai Lai Leng. Những cột mốc luôn nằm trên những vùng đất hiểm trở nhất, xa xôi nhất. Tôi nhớ những năm 2008, 2009, đường vào A Pa Chải chưa hoàn thiện, chưa có cầu Tà Kho Khử, cuối năm, chúng tôi phải dắt xe máy lội qua suối Tà Kho Khử, vừa lội vừa cầu đừng có cơn lũ nào đổ về đột ngột. Xe dắt qua xong, hì hục tháo bugi ra lau, rồi lại lọc cọc chạy tiếp. Lúc đó cứ nghĩ lên mốc số 0 là khó lắm rồi, vì cả quãng đường mười hai cây số leo đỉnh Khoang La San, nơi đặt cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, năm giờ sáng đi, trở về đã gần bảy giờ tối. Thế nhưng, với lính Đồn Biên phòng 317 A Pa Chải, mốc số 0 chỉ là "chuyện nhỏ". Anh trung úy người Bắc Giang Hoàng Văn Luyện, khi ấy đã đón hai cái Tết ở tận cùng cực Tây Tổ quốc, bảo có những cột mốc ở Mường Nhé, đến cả lính biên phòng cũng đi mất vài ngày. Tuần tra hết tuyến, là ăn rừng ngủ núi cả tuần, cả tháng.

Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú Nguyễn Hải Lý bảo: "Xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị thì phải thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền". Đồn Biên phòng Lũng Cú quản lý 27 km đường biên giới với 26 cột mốc quốc gia biên giới, trong đó có 18 mốc chính và tám mốc phụ. Trạm trưởng Trạm Biên phòng Lũng Cú Nguyễn Vũ Quỳnh cười, "nếu không có cột cờ này không biết có ai vào đây nhỉ". Cuối năm, cao nguyên đá xám ngoét. Lính biên phòng cắm chốt ở đây lâu năm, kể có những đận như năm 2001, tuyết rơi dày lắm. Cuối năm gió mạnh, mưa phùn nhiều, lá cờ trên đỉnh Lũng Cú cứ một tháng thay bốn, năm lần vì sương gió bạc cả. Thế nhưng tuần nào anh em cũng qua các cột mốc, từ 426, 427, 428. Anh chủ nhà nghỉ Lũng Cú dưới chân cột cờ thở dài: "Mấy anh em đó cả tuần này chắc ngày chỉ ngủ một, hai tiếng".

Không phải dễ dàng mà mỏm đất nhìn ra dòng Nho Quế có được những mầu xanh của rau, của ngô, trên mầu xám xịt của đá Hà Giang. Có những cột mốc bình yên vững chãi, người dân những bản Xín Mần Kha, Xéo Lủng mới yên tâm ở lại, yên tâm xua ngựa qua những con đường mòn, yên tâm trồng ngô trồng rau trên vùng đất cằn. Đồn trưởng Nguyễn Hải Lý nói rằng, "Giữ được dân thì sẽ giữ được chủ quyền".

Cột mốc, đâu chỉ là một tấm bia đánh số. Để Tổ quốc được tính từ phía ấy, có rất nhiều người, nhiều đêm không ngủ, nhiều chuyến đi tuần qua mưa rét và băng tuyết vùng cao,...

Theo Thời nay số Xuân Quý Tỵ

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/ky-su-nhan-vat/2013-01-31-noi-cuc-bac