Nơi bác sĩ phải trói bệnh nhân vào thành giường

Nếu không trói tay, chân vào giường, những bệnh nhân vốn đã quen "chén chú, chén anh" sẽ đập phá, quá khích, chạy nhảy không kiểm soát trong cơn sảng rượu.

Ở phòng cấp cứu Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ít nhất 5 bệnh nhân đang bị buộc cố định tay - chân vào giường bệnh.

Đang loay hoay dùng dây buộc chân của bố vào giường, anh Quân (ở Hà Nam) cho hay bố anh bị xơ gan do rượu, đang trong tình trạng nguy kịch và sảng rượu. Bố luôn đập phá và quá khích nên buộc anh phải dùng dây giữ lại.

Nhìn người bố gầy nhom với chiếc bụng to chướng, tay chân vẫn vùng vẫy, miệng liên tục la ó trên giường khiến anh Quân vô cùng xót xa.

Anh cho biết: "Bố tôi uống uống rượu khoảng 30 năm nay, trung bình mỗi ngày uống từ nửa lít đến một lít rượu. Cả nhà can ngăn nhưng đều không được. Gần đây bố bị chướng bụng, bụng to bất thường đi khám mới biết bị xơ gan. Nhập viện cấp cứu mấy hôm nay nhưng do không được uống rượu, bố bị sảng rượu liên tục kêu gào, chạy nhảy lung tung. Không còn cách nào khác tôi đành phải trói bố".

Một bệnh nhân sảng rượu phải trói tay, chân trên giường, miệng liên tục nói sảng tại phòng cấp cứu khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai. Ảnh: Hà Quyên.

Mối nguy hiểm khi bệnh nhân bị sảng rượu

Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân này, TS.BS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay những cảnh bệnh nhân chửi bới, đập phá, mê sảng xảy ra liên tục tại phòng cấp cứu. Hầu hết bệnh nhân cấp cứu do xơ gan kèm theo hội chứng cai, trong đó nặng nhất là sảng rượu.

Vai năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân bị xơ gan do bia rượu phải nhập viện điều trị tăng nhanh. “Khoảng 10 năm trước, bệnh nhân xơ gan chủ yếu do virus còn hiện nay, trung bình mỗi năm trong số 3.500-3.700 bệnh nhân tiêu hóa nội trú tại bệnh viện, 60% là bệnh gan, trong đó xơ gan chiếm chủ yếu, với khoảng 50% nguyên nhân là uống rượu bia. Bệnh nhân chủ yếu là nam ở lứa tuổi 40-50, nhưng có không ít người mới ở tuổi ngoài 30”, bác sĩ Khanh cho biết.

Tại phòng cấp cứu khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có ít nhất 5-7 bệnh nhân cấp cứu do xơ gan kèm sảng rượu.

Theo tiến sĩ Khanh, nghiện rượu giống như nghiện ma túy, nếu ngừng sử dụng đột ngột sẽ rơi vào cơn mê sảng. Lúc này, bệnh nhân xuất hiện hội chứng cai rượu khiến cơ thể bị xáo trộn.

Thông thường, các triệu chứng của bệnh xuất hiện sau khi giảm hoặc dừng uống rượu 12-24h. Bệnh nhân thường thèm rượu, tìm mọi cách để uống, không loại trừ khả năng cướp giật từ người khác.

Cơn thèm rượu cũng khiến bệnh nhân bị mất ngủ (chỉ ngủ được 1-2 tiếng), hay mê sảng, gặp ác mộng.

Đặc biệt, người mắc hội chứng cai rượu luôn sống trong tâm trạng lo lắng vô cớ, thái quá, kích động, sẵn sàng gây hấn với bất kỳ ai. Sau vài ngày, bệnh nhân còn có biểu hiện hoang tưởng (luôn nghĩ rằng vợ ngoại tình, có người hại mình), có ảo thanh (nghe tiếng nói bên tai), ảo thị (nhìn thấy những hình ảnh ghê rợn trước mặt).

Nhiều bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng co giật cục bộ hoặc toàn thân, trong ngày có thể 4-5 cơn.

Tiến sĩ Khanh cho biết những biểu hiện này sẽ biến mất nếu người nghiện được uống rượu trở lại. Tuy nhiên, hội chứng này sẽ tiếp tục tái diễn nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác nặng dẫn tới chi phối hành vi.

Do đó, các bác sĩ không còn cách nào ngoài việc tạm thời trói bệnh nhân để hạn chế trường hợp họ gây tổn thương cho người khác và chính mình.

TS.BS Vũ Trường Khanh, phó trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hiệp Nguyễn.

Bên cạnh các biểu hiện rối loạn tâm thần, bệnh nhân còn bị các rối loạn cơ thể và thần kinh rất đa dạng. Các rối loạn cơ thể biểu hiện chủ yếu là bệnh lý mạch máu như xung huyết da, đặc biệt là da mặt, nhịp tim nhanh, tăng thân nhiệt, rối loạn chức năng gan và thận, có thể gặp viêm phổi, viêm gan, viêm tụy.

Bia độc như rượu

Theo tiến sĩ Khanh, sảng rượu là biến chứng nặng nhất từ hội chứng cai rượu. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong. Do đó, từ bỏ sớm rượu bia là cách tốt nhất để tránh căn bệnh này.

Tiến sĩ Khánh khuyến cáo rất nhiều người quan niệm bia kém độc và nhẹ độ hơn so với rượu nên đã mặc nhiên uống bia thỏa thích. Nhưng nếu bạn uống ít nhất 2-3 lít mỗi lần, lượng cồn vào máu không thua kém loại rượu nào.

Trung bình, cứ 100 ml rượu 40 độ thì có 400 g etanol, 100 ml bia có 5 g etanol, 100 ml rượu vang có 13,5 g etanol. Như vậy, nếu uống 1.000 ml bia thì sẽ nạp 50 g etanol vào cơ thể.

Mọi loại bia rượu đều nguy hiểm vì chứa etanol. Khi vào cơ thể, chúng sẽ chuyển hóa thành aldehyde, một chất rất có hại cho cơ thể.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/noi-bac-si-phai-troi-benh-nhan-vao-thanh-giuong-post696155.html