Nơi an nghỉ vĩnh hằng của một người Áo yêu Việt Nam cả cuộc đời

Ngôi mộ được xây cất trang trọng trong khuôn viên nghĩa trang cán bộ tỉnh, trên bia mộ ghi: cụ Walter Neuhauser, quốc tịch Áo. Ai cũng lấy làm lạ, không hiểu vì sao người nước ngoài này lại nằm ở đây?

Buổi chiều tháng 7, chị Phạm Thế Nhung, một người dân ở TP Đồng Hới, Quảng Bình, đến thắp hương tại ngôi mộ này dù chị không có quan hệ gì với người nằm dưới phần mộ. Chị kể: “Một lần tôi đến thăm các cháu bé ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình, nghe chuyện kể về cụ Walter Neuhauser đã dành tiền tiết kiệm của cả đời mình giúp đỡ người dân Quảng Bình và Việt Nam nên tôi rất xúc động. Vì vậy tôi dã tìm đến nghĩa trang này thắp hương tưởng nhớ và biết ơn cụ, mong cụ không quạnh quẽ. Vì Việt Nam nên bây giờ cụ nằm một mình ở đây, quá xa xôi với quê hương bản quán của cụ...”.

Ngôi mộ của cụ Walter Neuhauser ở Quảng Bình

Ngôi mộ được xây cất trang trọng trong khuôn viên nghĩa trang cán bộ tỉnh, ngay phía sau nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc ở xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng. Trên bia mộ ghi: Cụ Walter Neuhauser quốc tịch Áo, sinh ngày 20/12/1923 tại thành phố Braunau/Áo, tạ thế hồi 22 giờ, ngày 28/7/2002 tại thành phố Braunau. Phần dưới của bia khắc những dòng chữ: “Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam, tôi đã đấu tranh không mệt mỏi chống sự xâm lược của Mỹ... Và cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ người bạn của tôi - Việt Nam”.

Những lời khắc trên bia mộ

Tại sao cụ Walter Neuhauser, một công dân của nước Áo xa xôi lại được an táng trang trọng tại mảnh đất nắng bỏng Quảng Bình này? Chúng tôi lần dở lại tài liệu lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ của UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình mới biết được thân thế của cụ. Sau khi học hết phổ thông tại thành phố Braunau, năm 1938 cụ học nghề điện tại một trường dạy nghề. Từ năm 1939 đến 1941 cụ theo học ở trường công nghiệp với ước ao trở thành công nhân ngành điện theo truyền thống của gia đình. Thế nhưng ước mơ của cụ không thành vì đại chiến thế giới lần thứ 2.

Năm 1942 cụ bị động viên vào quân đội của Đức quốc xã (trong thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng Áo) và ra trận tại mặt trận Bắc Phi. Đoạn đầu đời của chàng trai 19 tuổi Walter Neuhauser phải đối diện với biết bao thảm khốc của cuộc chiến tranh này. Đến tháng 5/1943 cụ bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh.

Sau bốn năm bị giam cầm tại Mỹ, cụ được thả về Áo. Từ đây cụ thấu hiểu chiến tranh là thế nào. Năm 1949 cụ gia nhập đảng Cộng sản Áo và đấu tranh không mệt mỏi cho phong trào hòa bình. Walter Neuhauser tham gia nhiều cuộc bãi công, tuần hành đòi quyền lợi cho người lao động Áo cũng như trên thế giới. Đồng thời cụ cũng tham gia vào các phong trào hoạt động phản chiến, đòi hòa bình. Năm 1950, cụ bị bắt vì tham gia cuộc tổng bãi công của công nhân và nhân dân lao động Áo.

Vào những năm 1960 đến 1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam ở thời kỳ ác liệt và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế, cụ Walter Neuhauser đã hướng trái tim của mình tới đất nước Việt Nam xa xôi. Cụ Walter Neuhauser đã không ngừng đấu tranh chống sự xâm lược của Mỹ và đòi hòa bình cho Việt Nam trong phong trào này tại Áo.

Chứng kiến những hình ảnh chiến đấu, chiến thắng của nhân dân ta, cụ càng khâm phục hơn con người Việt Nam và nguyện sống vì Việt Nam. Năm 1975, Việt Nam thống nhất, từ đó cụ có tâm nguyện là dành tất cả những gì mình có được cho Việt Nam xây dựng lại đất nước.

Ngày 13/2/1996, cán bộ của Đại sứ quán VN tại nước Cộng hòa Áo thấy một cụ già nhỏ nhắn, vẻ khắc khổ tìm đến xin gặp. Cụ già này muốn thông qua đại sứ quán Việt Nam chuyển món quà là 2kg vàng loại 99,99 (tương đương 17.324 USD) gửi tặng nhân dân Việt Nam.

Đó là phần đầu tiên trong số tiền mà cụ tích cóp được cả cuộc đời mình là 250.000 Schilling (tương đương 25.000USD), mà cụ có di nguyện dành tặng tất cả cho Việt Nam sau khi qua đời. Cụ già cũng đề đạt nguyện vọng muốn được an nghỉ vĩnh hằng trên mảnh đất Việt Nam. Nguyện vọng của cụ được Chính phủ Việt Nam đồng ý. Và Chính phủ, Bộ Ngoại giao ta đã chọn mảnh đất Quảng Bình còn nghèo khó sau chiến tranh để an táng tro cốt của cụ.

Chăm sóc phần mộ của cụ

Trước khi cụ mất, số tiền mà cụ Walter Neuhauser đã hiến tặng Việt Nam được chuyển cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình. Cựu giám đốc trung tâm, bà Trần Thị Thu Hà cho biết số tiền của cụ Walter Neuhauser một phần được đầu tư xây dựng thư viện tại trung tâm, phần còn lại chi dùng cho việc chăm lo, nuôi dưỡng và mua thuốc men, khám chữa bệnh hay mua sách vở, áo quần... cho các cháu cơ nhỡ và người già không nơi nương tựa ở trung tâm.

Nhớ ơn tấm lòng cao cả của cụ Walter Neuhauser, hằng năm cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình vẫn thăm viếng và hương khói cho phần mộ của cụ. Để mãi tri ân tấm lòng cao cả của cụ, hiện nay trong khuôn viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình có xây dựng tấm bia và dành một khoảng sân để tưởng nhớ cụ Walter Neuhauser.

Lam Giang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/noi-an-nghi-vinh-hang-cua-mot-nguoi-ao-yeu-viet-nam-ca-cuoc-doi-c8a57643.html