Nỗi ám ảnh siết 4 kg trong 8 tiếng của võ sĩ Muay Thái

Bị yêu cầu kiểm tra doping, Hoàng Phi (TP.HCM) từng phải uống 3-4 lít nước, rồi lập tức siết cân cấp tốc trong 8 tiếng trước khi bước vào trận đấu tiếp theo ở Dubai.

Tôi tên là Huỳnh Hoàng Phi (27 tuổi), hiện là võ sĩ Muay Thái chuyên nghiệp kiêm HLV trực thuộc Saigon Sport Club (SSC).

Việc tôi trở thành một võ sĩ là do "nghề chọn người". Cách đây 11 năm, tôi được bạn bè rủ tham gia một lớp võ cổ truyền Việt Nam. Sau 6 tháng, nhận thấy tôi có tiềm năng, võ sư Tấn Phi Diệu đã đăng ký cho tôi vào danh sách thi đấu. Kể từ đó, tôi bắt đầu sự nghiệp võ thuật của mình.

Khi đạt được những thành tích đầu tiên với võ cổ truyền, tôi ao ước một lần bước lên võ đài thế giới. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, tôi biết chỉ có môn Muay Thái mới được thi đấu quốc tế. Cùng với việc ngưỡng mộ đàn anh đi trước, như anh Nguyễn Trần Duy Nhất, càng thôi thúc tôi chuyển hướng sang Muay Thái vào năm 2015.

Chớp mắt, tôi đã theo đuổi Muay Thai được 9 năm. Nhưng càng học, càng làm, tôi càng thấy bản thân thiếu sót. Suy nghĩ đó đã cuốn tôi vào việc tập luyện, trau dồi và muốn đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa với vai trò là một võ sĩ. Thành tích cao nhất đến nay mà tôi giành được là đai vô địch WBC Muay Thai International.

Trong suốt thời gian tham gia thi đấu, giải đấu nhiều kỷ niệm nhất với tôi là giải Vô địch châu Á ở Dubai vào năm 2019. Lần đó, tôi đánh võ rất khỏe, knock out đối thủ ở vòng 2. Phía trọng tài yêu cầu tôi phải kiểm tra doping ngay sau khi trận đấu kết thúc.

Để có đủ lượng nước tiểu xét nghiệm doping, tôi phải uống 3-4 lít nước liên tục, trong khi bản thân đang ép cân nghiêm ngặt cho trận đấu sáng hôm sau. Điều này đồng nghĩa rằng trong vòng 8 tiếng, tôi phải quay lại hạng cân của mình ngay lập tức.

Trong phòng khách sạn, tôi mặc áo mưa, nhảy dây hàng giờ đồng hồ, thậm chí xả van nước nóng để biến phòng tắm thành phòng xông hơi.

Đó là chưa kể việc 4 ngày thi đấu liên tục khiến cơ thể tôi rã rời, đau nhức từng lỗ chân lông. Có thể nói, đó là một trải nghiệm ám ảnh nhất.

Còn để nói về trải nghiệm đáng sợ, chắc là lần tôi bị đứt dây chằng cổ chân vào năm 2021. Sau khi nghe chẩn đoán từ bác sĩ, trên đường về nhà, nước mắt tôi không ngừng chảy. Tôi tưởng rằng mình sẽ bỏ nghề.

Nhưng tinh thần võ sĩ đã giúp tôi vững vàng hơn. Sau 3 tháng bó bột, tôi bắt đầu tập vật lý trị liệu. 5 tháng sau, tôi có thể trở lại sàn đấu. Thế nhưng, quá trình dưỡng thương khiến tôi không thể tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, được tổ chức 4 năm/lần.

Muay Thái đã thay đổi cuộc đời tôi. Từ một cậu bé ở vùng quê Lâm Đồng, tôi được bước ra ngoài thế giới, đến nhiều quốc gia và trải nghiệm đa dạng nền văn hóa. Tôi cũng nhận được sự yêu quý, ủng hộ từ mọi người.

Tôi vẫn còn nhớ hồi rời quê lên TP.HCM lập nghiệp. Dù được nhận trợ cấp ở đội tuyển Bình Dương, tôi vẫn phải làm nhiều công việc cùng lúc để có thể trang trải chi phí sinh hoạt.

Nhưng để nuôi dưỡng đam mê võ thuật, tôi cần nhiều hơn thế. Năm 2016, nhờ sự hỗ trợ của anh em trong làng võ, tôi tập tành kinh doanh đồng hồ và duy trì tới nay.

Trong tương lai, mục tiêu của tôi là hướng đến ONE Championship, một trong những đấu trường Muay Thái lớn nhất thế giới. Phần thưởng và giá trị hình ảnh khi trở thành nhà vô địch của giải đấu này là động lực cho tôi tập luyện và cố gắng mỗi ngày.

Theo tôi tìm hiểu, Rodtang Jitmuangnon, nhà vô địch ONE Championship hạng cân 61,5 kg, có thể kiếm được 10 tỷ đồng cho mỗi trận đấu. Đương nhiên, ít ai được như Jitmuangnon, song đó vẫn là động lực cho tôi.

Sắp tới, tôi sẽ tham gia vòng tuyển chọn 1:8 để chọn ra nhà vô địch ký hợp đồng với ONE Championship, trị giá hợp đồng là 100.000 USD (khoảng 2,5 tỷ đồng).

Mỹ Trinh - Phương Lâm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/noi-am-anh-siet-4-kg-trong-8-tieng-cua-vo-si-muay-thai-post1468704.html