Nỗi ám ảnh nhiều năm của cựu Thủ tướng Shinzo Abe trước khi bị ám sát

Từ thời niên thiếu, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mắc bệnh viêm loét đại tràng. Nó trở thành kẻ thù đáng sợ nhất, gây nguy hiểm tới mức ông phải từ chức với lý do sức khỏe.

Ngày 8/7, đài NHK đưa tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã qua đời sau khi bị bắn. Theo các bác sĩ Nhật Bản, ông Shinzo Abe bị hai vết thương nặng, trong đó vết thương ở tim khiến ông mất máu liên tục. Nguyên nhân dẫn tới cái chết là mất máu quá nhiều.

Chỉ trước đó chưa đầy hai năm, ngày 28/8/2020, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tuyên bố từ chức sớm vì viêm loét đại tràng. Căn bệnh đã đeo bám nhiều năm và trở thành kẻ thù đáng sợ nhất của cựu Thủ tướng Nhật Bản.

Căn bệnh đã quật ngã cựu Thủ tướng Shinzo Abe hai lần

Theo Nikkei Asian, ông Shinzo Abe đã bị viêm loét đại tràng từ năm 17 tuổi. Trong một cuộc họp báo năm 2020, khi ở tuổi 65, ông Abe tiết lộ tình trạng sức khỏe của bản thân đã trở thành tình huống mà ông không biết liệu mình có thể đáp ứng được sự tin tưởng và kỳ vọng của người dân hay không.

Một nguồn tin của Kyodo News cho biết sau hơn 50 năm chiến đấu với viêm loét đại tràng mạn tính, căn bệnh của ông Abe đã được kiểm soát. Tuy nhiên, thời điểm năm 2020, bệnh tái phát. Tháng 7/2020, ông đã bị "nôn ra máu". Cựu Thủ tướng Nhật Bản cho biết việc tái phát khiến thuốc điều trị không còn hiệu quả và ông cần phải điều trị nhiều hơn. Ông Abe đưa quyết định từ chức sau một cuộc kiểm tra y tế.

Ngày 28/8/2020, ông viết trên Twitter: "Vào đợt kiểm tra định kỳ tháng 6 năm nay, bệnh tình của tôi đã có dấu hiệu tái diễn. Sau đó, tôi tiếp tục cố gắng hết sức khi sử dụng thuốc, nhưng từ giữa tháng trước (tháng 7) thể trạng của tôi thay đổi và tôi kiệt sức. Sau đó, đầu tháng 8, các bác sĩ xác nhận bệnh viêm loét đại tràng của tôi tái phát". Đối với chính trị gia 67 tuổi, viêm đại tràng là "kẻ thù đáng sợ nhất trong đời".

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/8. Ảnh: Reuters.

Tờ Japan Times gọi viêm loét đại tràng là căn bệnh quật ngã cựu Thủ tướng Nhật Bản hai lần. Năm 2006, ông Abe trở thành người nhậm chức lúc trẻ nhất trong các thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến 2. Tuy nhiên, ông đã phải từ chức sau 366 ngày làm thủ tướng vào năm 2007 vì bệnh viêm đại tràng.

Năm 2012, đảng của ông Abe giành thắng lợi, ông Abe quay lại làm thủ tướng. Ngày 23/8/2020, ông Abe đánh dấu ngày cầm quyền thứ 2.798 liên tiếp và trở thành thủ tướng có thời gian cầm quyền không gián đoạn lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, căn bệnh khiến ông không thể đảm đương nhiệm vụ chính trị đến hết nhiệm kỳ và buộc phải từ chức.

Theo Yahoo Japan, kể từ thời điểm ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức, bệnh tình của ông đã có sự hồi phục nhưng chưa được chữa khỏi hoàn toàn. Điều đó có nghĩa ông Abe vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những đau đớn mà căn bệnh gây ra, cho đến khi thảm kịch xuất hiện.

"Trải nghiệm kinh hoàng"

Bộ Y tế Nhật Bản xếp viêm loét đại tràng vào nhóm bệnh nan y. Tại thời điểm ông Abe phát bệnh nặng vào năm 2007, thế giới hầu như không có thuốc điều trị hay giúp giảm bớt triệu chứng. Mãi đến năm 2009, ông mới bắt đầu dùng thuốc để cải thiện tình trạng bệnh.

Trong một ấn phẩm y tế do Hiệp hội Tiêu hóa Nhật Bản xuất bản tháng 8/2012, ông Abe thẳng thắn kể lại lần đầu phát hiện các triệu chứng bất thường. Ông mô tả nỗi kinh hoàng khi nhìn thấy "nhà vệ sinh ướt đẫm màu đỏ" do đại tiện ra máu. Nhưng phải đến 10 năm sau, khi đang làm việc ở hãng thép Kobe Steel, cựu Thủ tướng Nhật Bản mới được chẩn đoán viêm loét đại tràng. Việc điều trị tiếp đó kéo dài hàng thập kỷ.

Năm 1996 là "cuộc chiến lớn" đầu tiên của ông với căn bệnh trong tư cách một chính trị gia. Trên đường vận động tranh cử, cựu Thủ tướng Nhật Bản đã có "trải nghiệm rất kinh hoàng".

"Tôi thường xuyên muốn đi vệ sinh, nhưng không thể xuống xe giữa chiến dịch nên tôi phải cố gắng kìm nén đến toát mồ hôi hột", ông Abe tiết lộ.

Ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức vào ngày 28/8/2020. Ảnh: Franck Robichon.

Hai năm sau, tình trạng bệnh của ông trở nên tồi tệ hơn. Cựu Thủ tướng Nhật Bản giảm 10 kg và phải dùng thuốc tiêm tĩnh mạch, nằm viện ba tháng. Ông Abe đã thẳng thắn nói về tình trạng của mình, xác nhận với truyền thông bắt đầu dùng Asacol, hoặc axit 5-aminosalicylic (5-ASA), vào năm 2009. Thuốc mới được phê duyệt ở Nhật Bản nhưng đã có mặt ở các quốc gia khác một thời gian.

Trong một bài phát biểu năm 2013, ông Abe chia sẻ: “Nếu thuốc Asacol mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện trên thị trường Nhật Bản, rất có thể tôi sẽ không có được vị trí như ngày hôm nay”.

Theo Reuters, nếu được kiểm soát, viêm loét đại tràng có tác động rất ít tới các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân phải nội soi đại tràng thường xuyên, chẳng hạn 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm ung thư. Ông Abe cũng thường xuyên phải kiểm tra thể chất toàn diện hai lần/năm.

Vào năm 2017, cựu Thủ tướng Nhật Bản cho biết việc điều trị đã khiến ông thèm ăn nhiều hơn. “Giờ tôi phải lo lắng về những vấn đề mà tôi từng nghĩ hoàn toàn không liên quan, bao gồm tăng mỡ nội tạng, chất béo trong cơ thể và mức cholesterol. Tôi đã đạt đến giới hạn trên trong các bài kiểm tra cho các vấn đề này".

Bệnh mạn tính khó lường

Viêm loét đại tràng là tình trạng bệnh mạn tính khiến niêm mạc đại tràng và trực tràng bị viêm, hình thành các vết loét nhỏ li ti. Các nhà khoa học không chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh này nhưng có một số nguy cơ khiến chúng ta dễ mắc hơn như nhiễm trùng đường ruột, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, dùng thuốc giảm đau chống viêm như ibuprofen, người sống ở các nước phía Tây và vĩ độ cao...

Theo ước tính trong một bài báo được xuất bản vào tháng 5/2020 bởi Clinical Gastroenterology and Hepatology, bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn (một dạng viêm ruột khác) khiến hơn 2 triệu người ở Bắc Mỹ, ba triệu người ở châu Âu và hàng triệu người khác trên thế giới mắc bệnh.

Hầu hết người bệnh phát hiện ở tuổi trưởng thành nhưng cũng có một số người bị bệnh ngay từ thuở thơ ấu như cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Hàng triệu người mắc phải và bệnh có thể bùng phát khó lường. Riêng tại Nhật Bản, ước tính khoảng 220.000 người mắc bệnh, phần lớn ở độ tuổi 20-30, theo Nikkei Asian.

Viêm loét đại tràng gây kích ứng và tổn thương, viêm lớp niêm mạc trong cùng của ruột già, trực tràng, gây ra các vết loét. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như tiêu chảy không kiểm soát, chảy máu trực tràng, sụt cân, chán ăn, đau bụng, thường xuyên phải đi vệ sinh. Người bệnh có thể gặp những đợt bùng phát kéo dài vài ngày đến vài tuần.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe trong phiên họp toàn thể của Ủy viên Hội đồng Hạ viện vào ngày 6/3/2020. Ảnh: Mainichi/Masahiro Kawata.

Căn bệnh này không có thuốc điều trị mà hiện nay chỉ có các biện pháp giảm bớt triệu chứng. Một trong số đó là Asacol, loại thuốc mà ông Abe đã sử dụng. Nó cũng được ca ngợi là "bước đột phá của y học".

Asacol có tác dụng trong hầu hết trường hợp, cho phép bệnh nhân hồi phục đến mức có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày mà không gặp vấn đề gì quá lớn. Song theo Trung tâm Thông tin Các bệnh Nan y Nhật Bản, tùy thuộc vào độ nghiêm trọng, người bệnh đôi khi phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ hoàn toàn ruột già.

Theo tiến sĩ Ashwin N. Ananthakrishnan, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, sự gia tăng ca mắc viêm loét đại tràng từ sau Thế chiến thứ II một phần do những thay đổi trong thói quen ăn uống - đặc biệt là chế độ ăn nghèo chất xơ, nhất là ở châu Á.

Tiến sĩ Reezwana Chowdhury, trường Y Đại học Johns Hopkins, nhận định viêm loét đại tràng “có thể phát triển ở mọi lứa tuổi” và trẻ em mắc bệnh này có thể bị tái phát mạn tính. Về cơ bản, "đây là căn bệnh đeo bám suốt đời".

Tiến sĩ Ananthakrishnan cho biết đã có những tiến bộ trong phương pháp điều trị, giúp giảm đáng kể nhu cầu phẫu thuật cắt bỏ đại tràng. 20 năm trước, số bệnh nhân cần phẫu thuật là 1/5, trong khi đó hiện tại là 1/10. Tuy nhiên, ngay cả những người đã đáp ứng với các phương pháp điều trị cũng có thể bị tái phát, tương tự trường hợp của ông Shinzo Abe.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-am-anh-nhieu-nam-cua-cuu-thu-tuong-shinzo-abe-truoc-khi-bi-am-sat-post1334135.html