Nỗi ám ảnh của Mỹ về chương trình hạt nhân Triều Tiên

Chính quyền Trump hiện lâm vào thế khó khi Bình Nhưỡng ngày càng đẩy mạnh chương trình hạt nhân nhưng Washington lại chưa có biện pháp giải quyết tối ưu.

Đằng sau sự khẩn trương đột ngột của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc xử lý khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là một nỗi lo sợ ngày càng lớn dần lên khi hàng loạt báo cáo tình báo cùng ý kiến từ chuyên gia đều kết luận Bình Nhưỡng cứ mỗi 6 hay 7 tuần lại có thể cho ra lò một quả bom nguyên tử, theo New York Times.

Suy tưởng về một Triều Tiên đang đẩy nhanh tốc độ phát triển kho vũ khí hạt nhân, dù chỉ dựa trên những đánh giá, dự đoán, giải thích lý do vì sao Tổng thống Mỹ Trump cùng các cố vấn lo sợ rằng họ đang cạn dần thời gian đối phó với Bình Nhưỡng, giới phân tích nhận định.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị được cho là vũ khí hạt nhân có thể gắn vào tên lửa. Ảnh: KCNA

Suốt nhiều năm, các tổng thống Mỹ đều cho rằng mỗi lần thử hạt nhân hay tên lửa mới của Triều Tiên đều gây lo ngại, tuy nhiên, nó không đáng để có những động thái kích động một tình thế đối đầu dễ dẫn đến xung đột trực tiếp.

Dù chỉ "tiến từng bước một" song các tên lửa Triều Tiên trong vài năm nữa hoàn toàn có thể vươn tới thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ. "Họ đã học hỏi rất nhiều", ông Siegfried S. Hecker, giáo sư tại Đại học Stanford, nhận xét. Ông Hecker từ năm 1986 đến 1997 làm giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở New Mexico, nơi khai sinh ra bom nguyên tử. Hecker là người được Triều Tiên cho phép tiếp cận các cơ sở hạt nhân của họ 7 lần.

Triều Tiên đang đe dọa tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân khác, lần thứ 6 trong vòng 11 năm. Ba lần gần đây nhất tạo ra những vụ nổ có sức công phá ngang ngửa quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima hồi năm 1945. Hiện chưa rõ Trump sẽ phản ứng ra sao nếu Triều Tiên thực sự thử nghiệm hạt nhân song hôm 24/4, ông đã nói với các đại diện thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng họ nên chuẩn bị thông qua những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Bình Nhưỡng. Các quan chức Mỹ còn đề xuất cả khả năng cắt nguồn cung cấp năng lượng cho Triều Tiên.

"Mọi người đã bị bịt mắt suốt nhiều thập kỷ và tới lúc giải quyết vấn đề rồi", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra sau cuộc điện đàm tối hôm 23/4 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bàn luận về vấn đề Triều Tiên. Ông Tập kêu gọi Trump "kiềm chế" trước Bình Nhưỡng, theo một kênh truyền hình Trung Quốc. Trong khi đó, Nhà Trắng không đề cập nhiều tới cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Các cố vấn cho Trump dường như muốn tận dụng tối đa sự khó đoán ở Tổng thống Mỹ với kỳ vọng nó đủ sức kìm hãm người Triều Tiên.

Kho vũ khí ngày càng lớn

Chuyên gia dự đoán kho vũ khí Triều Tiên có thể đạt tới con số 50 đầu đạn hạt nhân vào thời điểm Tổng thống Mỹ Trump kết thúc nhiệm kỳ. Giới chức Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đã biết cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào các tên lửa tầm trung và tầm gần, đặt Hàn Quốc, Nhật Bản cùng hàng nghìn binh sĩ Mỹ đóng quân tại hai quốc gia trên vào tình thế nguy hiểm.

Nhưng để biến ước mơ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gắn vũ khí hạt nhân vào tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Los Angeles, Seattle hay New York lại là một vấn đề khác, khó khăn gấp nhiều lần.

Theo ông Hecker, một tên lửa muốn bay khoảng cách xa như vậy cần "nhỏ hơn, nhẹ hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cân bằng áp lực, nhiệt độ". Ước tính, Triều Tiên phải mất 4 - 5 năm nữa mới có thể đạt đến trình độ này. 4 - 5 năm trước, nhiều quan chức cấp cao Mỹ cũng đưa ra nhận định tương tự.

Nhưng Triều Tiên đã tiến xa hơn so với những gì hầu hết các chuyên gia dự đoán kể từ những năm 1950, khi Bình Nhưỡng bắt đầu chập chững xây dựng chương trình hạt nhân, theo bình luận viên David E. Sanger và William J.Broad từ NYTimes.

Triều Tiên mất ba thập kỷ mới có thể làm chủ những công nghệ cần thiết để tự mình làm ra nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân. Cuối cùng, từ lò phản ứng Yongbyon, họ sản xuất thành công plutonium, đủ để tạo ra một quả bom nguyên tử mỗi năm.

Người Hàn Quốc xem bản tin về vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên hồi năm 2006. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đầu tiên, năm 1994, kết thúc bằng một thỏa thuận giữa chính quyền tổng thống Mỹ Bill Clinton và Bình Nhưỡng. Theo đó, Triều Tiên đồng ý đóng băng các cơ sở hạt nhân để đổi lấy dầu mỏ từ Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận này sụp đổ dưới thời tổng thống Mỹ George W. Bush. Năm 2006, vụ thử hạt nhân đầu tiên, dù không mấy ấn tượng, cũng đủ đưa Triều Tiên vào hàng ngũ các cường quốc hạt nhân. Theo giới phân tích, lần thử hạt nhân đầu tiên và lần thử thứ hai hồi năm 2009 của Triều Tiên đều là những quả bom plutonium.

Hecker tới thăm Yongbyon vào năm 2010. Người Triều Tiên lúc bấy giờ cho ông thấy một cơ sở làm giàu uranium hoàn chỉnh. Trước đấy, cộng đồng tình báo Mỹ không hề hay biết. Thông điệp họ truyền đi đã rõ: Triều Tiên nay có hai con đường để chế tạo bom: uranium và plutonium.

Mặt khác, Bình Nhưỡng hiện thậm chí còn hướng tới mục tiêu lớn hơn: bom nhiệt hạch với sức công phá mạnh gấp 1.000 lần các loại vũ khí hạt nhân thông thường.

Mới đây, các nhà điều tra Liên Hợp Quốc phát hiện ra một số bằng chứng cho thấy những nhà máy Triều Tiên đã sản xuất thành công lithium 6, một nguyên liệu hiếm dùng trong sản xuất nhiên liệu nhiệt hạch.

Gregory S. Jones, nhà khoa học tại tổ chức nghiên cứu RAND, cho biết Bình Nhưỡng nhiều khả năng từng dùng một lượng nhỏ nhiên liệu nhiệt hạch trong vụ thử hạt nhân hồi năm ngoái.

Một quả bom hạt nhân sẽ trở nên vô dụng nếu Triều Tiên không có những tên lửa đáng tin cậy mang theo nó. Nhưng để chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đủ sức vươn đến Mỹ, Bình Nhưỡng vẫn còn một chặng đường dài phải đi, chuyên gia nhận xét.

Mục tiêu mà Triều Tiên hướng đến là tạo ra một tên lửa có thể băng qua Thái Bình Dương, kết hợp nó với một đầu đạn đủ khả năng chịu đựng hành trình này. Nếu Triều Tiên thành công, Mỹ chắc chắn nằm trong tầm ngắm. Đây là lý do vì sao Washington đang nỗ lực hết sức ngăn cản Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa, hạt nhân.

Như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng lưu ý trước lúc rời nhiệm sở, ngay cả những thất bại cũng là bài học quan trọng cho Triều Tiên trong quá trình chế tạo các loại đầu đạn mới. Triều Tiên được dự đoán sẽ giải quyết hết mọi vấn đề vào năm 2020. Khi ấy, ông Trump vẫn đang trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.

Khủng hoảng đến trước cửa

Đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Trump đang áp dụng chiến lược đe dọa gây áp lực ngày càng lớn lên Triều Tiên, cả về quân sự lẫn kinh tế, nhằm buộc Bình Nhưỡng phải ngừng các cuộc thử nghiệm và thu nhỏ kho vũ khí. Sau đó, khi đối phương có dấu hiệu nhún nhường, Mỹ sẽ tận dụng thời cơ này để đàm phán với mục tiêu tối thượng đặt ra là ép Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, kịch bản trên khó có khả năng thành hiện thực bởi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lâu nay vẫn coi kho vũ khí hạt nhân, dù bé nhỏ, là yếu tố sống còn đối với sự tồn vong của đất nước.

Kể cả nếu thành công, chiến lược này không thể đảm bảo việc Triều Tiên sẽ mãi mãi từ bỏ chương trình hạt nhân. Thay vào đó, nó chỉ mang đến cho Bình Nhưỡng thêm thời gian để nghiên cứu, phát triển những mẫu tên lửa, đầu đạn mới nhỏ hơn, nhẹ hơn, hiện đại hơn, giới quan sát nhận định. Vậy nên, con đường hiện thực hóa tuyên bố "giải quyết vấn đề" Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Trump sẽ vô cùng chông gai.

Bất cứ lúc nào một cuộc xung đột trực diện cũng có thể nổ ra bởi những tính toán sai lầm, giáo sư Hecker cho hay. "Tôi buộc phải tin rằng khủng hoảng đang đến trước cửa", ông nhấn mạnh.

Theo Vũ Hoàng/Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/noi-am-anh-cua-my-ve-chuong-trinh-hat-nhan-trieu-tien-165051/