Nợ xấu và những tranh cãi

Nên hay không nên dùng ngân sách xử lý “khối u” nợ xấu đang diễn ra cuộc tranh cãi giữa các chuyên gia, nhà quản lý và các ngân hàng. Nếu dùng ngân sách xử lý nợ xấu, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là các NHTM. Liệu dùng ngân sách có giải quyết được nợ xấu không khi mà những vướng mắc về pháp lý vẫn chưa được giải quyết?

Theo tính toán của CTCK TP.HCM (HSC), tổng nợ xấu hiện vào khoảng 9,2% GDP. Tại thời điểm cuối tháng 6.2016, tổng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng bằng khoảng 3,45% của GDP danh nghĩa là 129.960 tỷ đồng (theo ước tính từ báo cáo hàng tháng các NHTM nộp lên NHNN).

Hiện VAMC đang nắm khoảng 217.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các NHTM. Tại thời điểm cuối tháng 6, VAMC đã mua tổng công khoảng 251.000 tỷ đồng nợ xấu và thu hồi được 34.000 tỷ đồng; tương đương 5,75% GDP.

“Theo đó khi cộng cả 2 con số trên thì tổng cộng nợ xấu là 346.960 tỷ đồng; tương đương 9,2% GDP (tại thời điểm cuối tháng 6). Tuy nhiên, do giá trị của tài sản đảm bảo là bất động sản đã tăng trong 2 năm qua nên giá thị trường của tài sản đảm bảo ước đạt khoảng 30% giá trị nợ xấu. Như vậy, ước tính giá trị nợ xấu thuần còn lại chiếm khoảng 6,1%GDP”, HSC tính toán.

HSC ước tính, đến cuối tháng 6.2016, tổng cộng nợ xấu là 346.960 tỷ đồng, tương đương 9,2% GDP

Còn theo NHNN, tính đến tháng 8.2016, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2.66%, là mức thấp hơn mức 3% như mục tiêu đã đưa ra vào cuối năm 2015.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2016, xử lý nợ xấu được 58.800 tỷ đồng, trong đó chủ yếu xử lý được là nhờ thu nợ từ các khách hàng, cho thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế cũng giúp cho khách hàng có thể trả nợ được.

Thứ hai là sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu cũng như bán các loại tài sản để thu hồi nợ. Ngoài ra, mua nợ xấu của VAMC ở mức 16.000 tỷ đồng.

“Đó là mức thấp so với cùng kỳ nhưng đây là một tín hiệu cho thấy đa số các TCTD đều có mức nợ xấu dưới 3% nên không có nợ xấu để bán cho VAMC”, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, để xử lý được nợ xấu cần phải sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, những ý kiến này đang vấp phải sự phản đối, lên án vì đây là cách lấy tiền của “số đông chia cho số ít”, “người nghèo chia cho người giàu”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết theo kinh nghiệm của nhiều nước, họ có thể sẽ phải chi 10-15% GDP để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

“Do tình hình ngân sách khó khăn nên Việt Nam đã và đang sử dụng nhiều phương cách để xử lý vấn đề nợ xấu và cho đến nay chưa dùng đến ngân sách”, ông Dũng cho biết.

Cùng quan điểm trên, HSC cho rằng thực tế, các ngân hàng đang tích cực trong việc xử lý và xóa nợ xấu bằng nguồn lực của chính các NHTM trong 4 – 5 năm vừa qua. Với tốc độ xử lý nợ xấu hiện nay, trong khoảng 2 – 3 năm tới, một phần nợ xấu có thể được xử lý đáng kể.

“Chúng tôi cho rằng cách thức xử lý chính vẫn là tiếp tục sử dụng thu nhập hoạt động thuần của NHTM để xử lý cho đến khi giá trị sổ sách của nợ xấu giảm xuống bằng với định giá trên thị trường. Và nợ xấu sẽ được xử lý thông qua thị trường mua bán nợ (Chính phủ đã tiêu tốn nhiều thời gian để xây dựng luật cho thị trường mua bán nợ trong vài năm gần đây)”, HSC bình luận.

Theo HSC, với tốc độ trích lập dự phòng như hiện nay, việc xử lý nợ xấu thông qua thị trường mua bán nợ có thể sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2017. “NHNN cũng đang quan ngại và muốn nhìn thấy những tiến triển ở vấn đề này trước khi áp dụng Basel II cho nhóm các ngân hàng đầu ngành từ 2018”.

Tuy nhiên, câu chuyện xử lý nợ xấu lại không đơn giản. Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, vấn đề bây giờ là xử lý nợ xấu đã mua về VAMC. “Trên thực tế, NHNN đã tiếp tục triển khai nhưng vấn đề xử lý nợ xấu đang gặp rất nhiều khó khăn về quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo…”

Bà Hồng cho biết, NHNN đang tiếp tục nghiên cứu để đưa những nội dung này trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để trình lên các cấp.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/no-xau-va-nhung-tranh-cai-714445.html