Nỗ lực vươn tới thành công

Để đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ như ngày hôm nay, anh Trần Vũ Linh (sinh năm 1994) - người con của 'miền sương ngọt' Cam Lộ - đã phải trải qua một hành trình dài. Hành trình đó được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả những nỗ lực không ngừng.

Thầy giáo Vũ Linh luôn nỗ lực sáng tạo để mang đến những tiết học lịch sử mới mẻ cho học sinh - Ảnh: NVCC

Người đầu tiên ứng dụng múa rối bóng trong dạy lịch sử

Cuối tháng 5 vừa qua, niềm hạnh phúc dường như vỡ òa khi anh Vũ Linh, giáo viên môn Lịch sử của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) hay tin đề tài “Vận dụng Nghệ thuật múa rối bóng trong dạy học lịch sử” của mình đã vượt qua nhiều đề tài xuất sắc khác và giành được giải Nhất tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo giáo dục trên nền tảng công nghệ thông tin (2022-2023)”.

Đây là sân chơi do Microsoft phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong GD&ĐT, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và quản lý nhà trường. Năm nay, diễn đàn thu hút gần 700 đề tài ở nhiều lĩnh vực, môn học đăng ký tham gia.

Dựa trên cả 3 tiêu chí, bao gồm: tính thực tiễn trong sản phẩm; mức độ tâm huyết và đổi mới của sản phẩm; tinh thần chia sẻ và phát triển cộng đồng của sản phẩm, anh Vũ Linh đã được Hội đồng Ban giám khảo đánh giá rất cao khi là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, vận dụng nghệ thuật múa rối bóng trong dạy học lịch sử.

Chia sẻ về ý tưởng ban đầu, anh cho hay: “Từ bé, tôi đã có một niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật, nhất là nghệ thuật văn hóa dân gian. Sau này khi trở thành giáo viên dạy lịch sử, tôi luôn muốn lồng ghép các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc vào những bài dạy của mình để môn Lịch sử trở nên mềm mại, mới mẻ và giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu hơn loại hình nghệ thuật này.

May mắn là tôi đã từng có cơ hội tiếp cận và làm quen với nghệ thuật múa rối bóng từ trước nên khi đưa vào đề tài, tôi tập trung thời gian chủ yếu vào việc sáng tạo, thiết kết chương trình dạy cho phù hợp. Tôi mất hơn 2 tháng để hoàn thành đề tài của mình”.

Anh Vũ Linh dạy học sinh tạo hình rối bóng - Ảnh: NVCC

Đến nay, đề tài của anh Vũ Linh đã được áp dụng trong thực tiễn. Việc ứng dụng nghệ thuật múa rối bóng vào dạy học lịch sử hiện được một số trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao vì đã góp phần quan trọng vào sự đổi mới trong công tác dạy và học, tạo không gian học tập lý thú, góp phần giúp học sinh thay đổi nhận thức về môn lịch sử; bảo tồn nghệ thuật múa rối bóng ở Việt Nam và hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh…

Theo đó, để tạo ra một tiết mục múa rối bóng trong một tiết học lịch sử, giáo viên và học sinh cần thực hiện 4 bước bao gồm: xây dựng kế hoạch; viết kịch bản và thu âm lời thoại; tạo hình rối và sân khấu múa rối; luyện tập biểu diễn rối. Điểm khác biệt trong quá trình ứng dụng đề tài chính là cả thầy cô lẫn học sinh phải cùng nhau thực hiện. Thông qua quá trình tạo hình con rối, luyện tập... thầy cô sẽ biết cần phải bổ trợ thêm kiến thức gì cho học sinh của mình; học sinh cũng sẽ tích lũy, bổ sung thêm nhiều kiến thức về lịch sử hơn so với thông thường.

Tuy nhiên cũng theo anh Linh, quá trình thực hiện đề tài trong thực tế vẫn còn gặp một vài khó khăn bởi việc ứng dụng nghệ thuật múa rối bóng vào dạy học, đặc biệt là dạy học lịch sử còn rất mới mẻ và gần như chưa được nghiên cứu một cách chuyên sâu để anh tham khảo. “Khoảng trống này đòi hỏi tôi vừa thực hiện, vừa nghiên cứu để giới thiệu và bổ khuyết”, anh Vũ Linh bộc bạch.

Được biết, không chỉ đạt giải Nhất tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo giáo dục trên nền tảng công nghệ thông tin (2022-2023)”, dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Vũ Linh đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng khác như: trở thành thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam khi mới 24 tuổi; là một trong những giảng viên trẻ của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang đạt danh hiệu “Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft toàn cầu (MIE Expert)”; đạt giải thưởng “Giáo viên tiêu biểu” 3 năm học liên tiếp 2019 - 2020; 2020 - 2021; 2021 - 2022; có nhiều công trình nghiên cứu, bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học hàng đầu trong nước... Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của anh trong quá khứ.

Nghèo khó đã giúp tôi thành công”

Anh Vũ Linh sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cam Lộ. Trong ký ức của anh đến bây giờ vẫn chưa quên được những ngày không đủ tiền mua gạo, những bữa cơm đạm bạc mà các thành viên cứ nhường phần ăn lẫn nhau, chỉ mong người còn lại có được một bữa no.

Hiểu được rằng chỉ có học mới là con đường ngắn nhất để “đổi đời”, bằng sự cần cù, chịu khó cùng tinh thần hiếu học, anh tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân. “Nhà tôi lúc đó khó khăn lắm, cơm nhiều khi còn không đủ ăn, lấy đâu ra tiền để đi học thêm. Nên muốn học giỏi, tôi chỉ còn cách cố gắng, nỗ lực gấp đôi, gấp ba các bạn đồng trang lứa”, anh Vũ Linh nhớ lại.

Tuổi đời còn trẻ nhưng anh Vũ Linh đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng - Ảnh: NVCC

Nhiều năm liền là học sinh giỏi của Trường THPT Cam Lộ, huyện Cam Lộ nên không quá khó để anh thi đỗ vào Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Vậy mà ngày biết tin mình trúng tuyển, tâm trạng anh lại có chút tiếc nuối. Bởi anh tiết lộ mình từng nuôi ước mơ trở thành diễn viên, được xuất hiện trên vô tuyến như các nhân vật trong những bộ phim mình có dịp xem ngày bé.

Song vì gia đình quá khó khăn, anh đành tạm gác lại đam mê riêng mà rẽ lối sang một ngành nghề khác phù hợp hơn. “Tôi chọn nghề giáo viên ban đầu chỉ vì đây là ngành được miễn học phí. Thế nhưng càng học tập và làm việc trong môi trường này, tôi lại càng thêm yêu và cảm thấy muốn gắn bó dài lâu với bảng đen, phấn trắng và những cô, cậu học trò hồn nhiên, vô tư. Tôi nghĩ trường hợp của mình có lẽ “nghề đã chọn người”, anh Linh chia sẻ.

Một mình học tập, sinh sống ở nơi xa, có những lúc anh cảm thấy cô đơn, muốn trở về trong vòng tay ấm áp của bố mẹ. Thế nhưng khi nghĩ đến cuộc sống khó khăn đã và đang phải trải qua lúc bấy giờ, anh lại tự động viên mình nỗ lực theo đuổi con đường học tập đến cùng.

Sau này khi ra trường, có cơ hội làm việc tại Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, anh Linh lại một lần nữa khẳng định mình đã lựa chọn lối đi đúng đắn khi tìm thấy niềm vui trong công việc, không ngừng học tập để bồi dưỡng, phát triển kỹ năng của bản thân. Anh Vũ Linh hạnh phúc vì được sáng tạo, cống hiến với công việc và góp một phần sức lực cho sự phát triển của nền giáo dục, cho cộng đồng và xã hội.

Anh bộc bạch: “Mỗi lúc gặp khó khăn, tôi luôn tự động viên mình phải tiếp tục cố gắng để không phụ công nuôi nấng và sự kỳ vọng của gia đình dành cho mình. Nhìn lại những gì đã trải qua, tôi luôn cảm thấy biết ơn sự nghèo khó bởi chính nó đã góp phần giúp tôi đạt được kết quả như bây giờ”.

Đằng sau sự thành công hôm nay của anh Vũ Linh có bóng dáng tảo tần của bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Tuy khó khăn, thậm chí có lúc phải chạy vạy khắp nơi để mượn tiền nộp học phí cho con nhưng bố mẹ anh vẫn luôn động viên các con cố gắng học tập, quyết không để con bỏ học.

Thương bố mẹ, không chỉ thay nhau làm việc nhà để bố mẹ có thời gian nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả, cả 4 anh chị em đều nỗ lực học và tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.

Nói về con trai Vũ Linh, bà Trần Thị Loan không giấu được niềm tự hào: “Vũ Linh từ nhỏ đã là đứa trẻ ngoan, chịu khó, chăm học. Có lẽ chính sự khó khăn cùng ý chí, nỗ lực của bản thân đã giúp con có được kết quả đáng mừng như ngày hôm nay. Là bố mẹ, tôi luôn mong con mình có sức khỏe, tiếp tục gặt hái thành công trong tương lai”.

Chia sẻ thêm về dự định của mình, anh Linh cho biết sẽ tiếp tục trau dồi thêm kiến thức và trở thành nghiên cứu sinh trong thời gian không xa. Mong rằng với sự cố gắng không ngừng của mình, anh sẽ tiếp tục gặt hái thành công.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/no-luc-vuon-toi-thanh-cong/178352.htm