Nỗ lực thực hiện các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh Long An đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc thực hiện các tiêu chí (TC) như giao thông, y tế, môi trường,... còn gặp nhiều khó khăn do cần nguồn kinh phí lớn.

Đường Tập Đoàn 4 (ấp 1, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) được trải nhựa và đưa vào sử dụng trong quí III/2023

Cần thêm nguồn lực để thực hiện tiêu chí giao thông

Long Thuận là xã thuần nông thuộc vùng trũng của huyện Thủ Thừa với diện tích tự nhiên rộng, nhiều kênh, rạch, thu nhập của người dân chưa cao nên việc thực hiện TC giao thông của xã còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân hiểu được lợi ích, ý nghĩa của chương trình XDNTM nên rất đồng lòng, chung sức cùng địa phương thực hiện. Những năm qua, người dân chủ động hiến đất, góp tiền, ngày công,... trị giá hàng trăm triệu đồng để cứng hóa, nhựa hóa trên 19,5km đường giao thông trên địa bàn xã.

Thông tin từ UBND xã Long Thuận, năm 2023, xã thực hiện 8 danh mục công trình, trong đó, có 6 công trình đường giao thông nông thôn; tổng nguồn vốn trên 5,985 tỉ đồng. Đường Tập Đoàn 4 (ấp 1) là 1 trong 6 công trình được xã chọn để thực hiện trong năm nay. Hiện công trình chuẩn bị được trải nhựa và đưa vào sử dụng trong quí III/2023. Tuyến đường hoàn thành không chỉ làm cho bộ mặt địa phương khang trang hơn mà còn tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp của người dân.

Ông Hồ Văn Lắm (ấp 1, xã Long Thuận) chia sẻ: “Người dân rất ủng hộ chủ trương XDNTM của địa phương. Vì vậy, khi được vận động hiến đất làm đường, người dân đồng thuận ngay. Con đường Tập Đoàn 4 hoàn thành sẽ góp phần phục vụ tốt hơn cuộc sống người dân, nhất là thuận tiện cho việc đi lại và giao thương”.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận - Bùi Văn Khương cho biết: “Từ khi phát động thực hiện chương trình XDNTM, kết cấu hạ tầng KT-XH của xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về giao thông. Do đó, ngay từ đầu, xã xây dựng lộ trình cụ thể, xác định phải tập trung thực hiện tốt TC này, làm nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành 15/19 TC, phấn đấu hoàn thành 3 TC (thu nhập, nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm) trong năm 2023 và hoàn thành TC giao thông, "về đích" xã NTM vào quí III/2024”.

Hiện xã rất cần nguồn vốn từ huyện, tỉnh và sự đồng lòng, góp công, góp của từ người dân đầu tư các công trình: Đường ven sông Vàm Cỏ Tây từ kênh Bà Biên đến rạch Bà Giải cũ (khoảng 1,8km); đường bờ Bắc kênh Mương Đào từ ngã ba Cây Gòn đến kênh Bo Bo (khoảng 5,5km); đường bờ Bắc kênh Trám Vàm (khoảng 2,5km); đường kênh ấp 4 từ kênh T2 đến kênh Bo Bo (khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của xã); đường bờ Nam kênh T5 từ Đường tỉnh 817 đến đường trục giữa Quốc lộ N2;... Với quyết tâm, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin rằng Long Thuận sẽ "về đích" NTM theo đúng lộ trình đề ra.

Phấn đấu "về đích" nông thôn mới đúng hẹn

Khi bắt đầu thực hiện chương trình XDNTM, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng có xuất phát điểm khá thấp, do đó, trong quá trình thực hiện các TC, xã gặp nhiều khó khăn, nhất là các TC y tế, giao thông, giáo dục và đào tạo.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, sự chung sức, chung lòng của người dân, việc triển khai, thực hiện TC y tế trên địa bàn xã thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Đến nay, người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt trên 90%; dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt trên 50%; xã đạt TC quốc gia về y tế; trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi từ dưới 19%.

Trưởng trạm Y tế xã Tuyên Bình Tây - Võ Văn Rol cho biết: Trạm Y tế xã được xây dựng từ năm 2007 và được sửa chữa, xây dựng bổ sung các phòng chức năng từ năm 2020. Từ đó đến nay, việc khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn xã được bảo đảm hơn, số ca phải chuyển về tuyến huyện, tỉnh giảm đáng kể.Hiện trạm có 6 nhân viên y tế, phục vụ khám, chữa bệnh cho khoảng 300 lượt bệnh nhân/tháng.

“Tỷ lệ người dân tham gia BHYT của xã trước đây rất thấp do người dân chưa nhận thức rõ được lợi ích của việc tham gia BHYT.

Thông qua hoạt động tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về BHYT; nâng cấp kết cấu hạ tầng Trạm Y tế xã và chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên y tế, người dân đã hiểu và tham gia BHYT. Đến nay, người dân tham gia BHYT đạt trên 90%” - ông Võ Văn Rol cho biết thêm.

Nhân viên tại Trạm Y tế xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng thông tin đến người dân một số căn bệnh đang phổ biến và cách phòng, tránh

Bà Nguyễn Thị Lụa (ấp Cả Rưng, xã Tuyên Bình Tây) chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần khám, lấy thuốc BHYT tại Trung tâm Y tế huyện, tôi thường mất khá nhiều thời gian để đi và về. Tuy nhiên, hiện nay, tôi chỉ cần đến Trạm Y tế xã là đã có thể khám và lấy thuốc BHYT. Nhờ đó, tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Cơ sở vật chất và trình độ của các nhân viên y tế tại trạm khá tốt, làm việc cũng rất cẩn thận và tận tâm nên tôi rất hài lòng”.

Mặt khác, trước đây, trên địa bàn xã cũng không có trạm cấp nước, người dân chủ yếu sử dụng nước từ kênh, rạch, nước mưa để sinh hoạt. Thực hiện chương trình XDNTM, đến nay, toàn xã đã có 7 trạm cấp nước, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 65% hộ dân sử dụng nước sạch.

Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình Tây - Trần Văn Khánh thông tin: “Sau khi hoàn thành TC y tế, xã nâng tổng số TC đã đạt lên 15/19 TC. Xã phấn đấu từ nay đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành thêm TC giao thông và TC môi trường và an toàn thực phẩm. Trong quí I/2024 sẽ hoàn thành 2 TC còn lại là nhà ở dân cư và nghèo đa chiều để hoàn thành nhiệm vụ XDNTM đúng hẹn”.

Với những giải pháp, lộ trình cụ thể, các địa phương tiếp tục nỗ lực hoàn thành các TC khó và duy trì, giữ vững các TC đã đạt. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân /.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/no-luc-thuc-hien-cac-tieu-chi-kho-trong-xay-dung-nong-thon-moi-a163736.html