Nỗ lực mang thiết bị hỗ trợ đọc, viết đến người khiếm thị của hai học sinh Đà Nẵng

Với nỗ lực không mệt mỏi, Hiếu và Linh đã đưa thiết bị đến tay thầy và trò trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Mong muốn người khiếm thị có thể thuận lợi hơn trong học tập và làm việc, nhóm học sinh Nguyễn Văn Hoài Linh và Ngô Quang Hiếu (học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP.Đà Nẵng) đã chế tạo nên “Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị”.

Ý tưởng chế tạo thiết bị xuất hiện trong một lần hai bạn đi thăm những bạn học sinh ở trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. Đà Nẵng).

Tại đây, Linh và Hiếu nhận thấy nhiều bạn khiếm thị hiếu học nhưng gặp khó khăn trong giao tiếp và học tập. Việc học bằng chữ nổi Braille chưa mang lại hiệu quả cao. Thầy và trò phải dùng tay đục thủ công từng kí tự một lên tấm giấy bìa cũ và các bảng nhựa để có tài liệu học, ký tự lúc đục vào phải là ký tự ngược, rất dễ có sai sót và nhầm lẫn,…

Sơ đồ hoạt động của thiết bị “Hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị” (Ảnh: Đoàn Lê).

Chứng kiến những trở ngại đó, Linh và Hiếu nảy ra ý tưởng sáng tạo một chiếc máy có thể hỗ trợ người khiếm thị đọc và viết. Từ ý tưởng này, thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị đã ra đời sau một năm được nhóm tác giả mày mò nghiên cứu.

Thiết bị hỗ trợ gồm hai bộ phận chính: Mô hình hiện chữ nổi và bàn phím. Trên thân máy có 2 nút bấm là nút nhập và nút kích hoạt in văn bản cùng dãy ký tự chữ nổi được tích hợp.

Khi sử dụng, chỉ cần đưa văn bản thông thường vào thiết bị bằng cách đọc hoặc gõ văn bản, sau đó nhấn nút kích hoạt; thiết bị sẽ chuyển nội dung văn bản sang ngôn ngữ Braille và in nội dung chữ nổi ra giấy.

Hiếu và Linh thuyết trình về sản phẩm tại Cuộc thi Young Makers Challenge 2017 khu vực miền Trung (Ảnh: Đoàn Lê).

Chiếc máy được đánh giá có thiết kế đơn giản, dễ sử dụng. (Ảnh: Đoàn Lê).

Nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để có thể tạo ra một thiết bị hoàn chỉnh, người sáng chế cần phải có những kiến thức chuyên sâu ở cấp độ đại học trở lên, đó cũng là khó khăn mà những học sinh THPT như Linh và Hiếu gặp phải. Chính vì vậy cả hai đã rất nỗ lực học hỏi từ Internet và sách vở chuyên môn,… Theo Linh và Hiếu, chi phí để tạo ra một thiết bị như vậy tốn hết 1,5 triệu đồng.

Điểm đặc biệt của thiết bị so với những thiết bị khác trên thị trường chính là khả năng hỗ trợ được cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, đồng thời có cả hai chức năng là đọc và viết.

Thiết bị được hy vọng sẽ hỗ trợ người khiếm thị đắc lực trong việc học và làm việc. (Ảnh: Đoàn Lê).

“Mục tiêu của nhóm khi tạo ra thiết bị chính là việc làm thế nào để hỗ trợ tối đa cho người khiếm thị trong việc học và làm việc. Chính vì vậy, thiết bị cần phải có nhiều chức năng và có tính ứng dụng cao”, Linh cho biết.

Với nỗ lực không mệt mỏi, Hiếu và Linh đã đưa thiết bị đến tay thầy và trò trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Hầu hết mọi người đều nhận xét thiết bị rất trực quan, dễ sử dụng; học sinh có thể thao tác nhanh chóng sau khi được hướng dẫn.

Mục tiêu của nhóm trong tương lai chính là mong muốn thiết bị có thể đến với nhiều người hơn, được biết đến rộng rãi hơn, từ đó thay thế hoàn toàn sách khắc chữ nổi nhằm cải thiện chất lượng học tập và làm việc cho người khiếm thị.

Hiện tại thiết bị đã được cải thiện đáng kể về ngoại hình và tốc độ xử lý ký tự nhằm tối ưu hóa hiệu suất làm việc.

Linh đang hướng dẫn một em học sinh khiếm thị cách sử dụng thiết bị (Ảnh nhân vật cung cấp).

Với tính sáng tạo, khả năng ứng dụng và ý nghĩa nhân văn của mình, trong năm học 2016-2017, thiết bị đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP. Đà Nẵng và Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía nam lĩnh vực Hệ thống nhúng.

Mới đây nhất, thiết bị đã được lựa chọn tham gia Vòng chung kết cuộc thi Young Makers Challenge 2017 tổ chức tại TP. HHCM vào ngày 31.5 sắp tới.

Đoàn Lê

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/no-luc-mang-thiet-bi-ho-tro-doc-viet-den-nguoi-khiem-thi-cua-hai-hoc-sinh-da-nang-c7a530751.html