Nỗ lực giảm ùn tắc giao thông

Tắc đường, kẹt xe là nỗi ám ảnh hằng ngày của người dân TP Hồ Chí Minh mỗi khi tham gia giao thông. Mặc dù ngành giao thông vận tải và các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc vẫn chưa giảm, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Để giải quyết tình trạng này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Chương trình hành động Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 -2020. Đây là một trong những nội dung quan trọng thực hiện bảy Chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra.

Theo đó, để đạt mục tiêu chung là giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, thành phố xác định tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị; khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông hiện có; ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến vành đai, đường xuyên tâm, hướng tâm; các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị; các công trình giao thông tĩnh; kết nối giao thông với các tỉnh lân cận; phát triển nhanh loại hình vận tải hành khách công cộng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và Luật An toàn giao thông nói riêng; có thái độ ứng xử văn minh khi tham gia giao thông... Đến năm 2020, phấn đấu xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 270 km đường bộ, làm mới 76 cầu, nâng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông cao hơn hiện nay…; đưa năng lực vận tải hành khách công cộng lên 1,175 triệu lượt khách, đáp ứng từ 15 đến 17% nhu cầu đi lại của người dân…

Nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng có vai trò rất quan trọng trong giao thông đô thị. Thành phố hiện có 140 tuyến xe buýt, trong đó 107 tuyến được trợ giá, 33 tuyến không trợ giá với khoảng 3.000 đầu xe đang hoạt động. Mặc dù ngành giao thông thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của loại hình vận tải này, nhất là đối với xe buýt, nhưng thực tế cho thấy, từ năm 2014 đến nay, lượng khách đi xe buýt vẫn không tăng mà còn có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân làm suy giảm năng lực vận chuyển hành khách công cộng, nhưng chủ yếu là do người dân thành phố đang sử dụng quá nhiều phương tiện cá nhân để tham gia giao thông. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2015, toàn thành phố có gần 7 triệu chiếc xe mô-tô, hơn 562 nghìn xe ô-tô cá nhân. Tuy vậy, mỗi ngày vẫn có thêm hơn một nghìn phương tiện cá nhân bao gồm cả xe mô-tô và xe ô-tô đăng ký mới, đưa vào lưu thông, làm cho tình trạng tắc đường, kẹt xe càng thêm trầm trọng.

Vận tải hành khách công cộng là xu thế tất yếu của các đô thị. Để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, song song với đầu tư phát triển hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng, đề nghị thành phố nghiên cứu, sớm ban hành lộ trình hạn chế, tiến tới giảm cơ bản phương tiện giao thông cá nhân, bao gồm cả xe ô-tô, mô-tô, xe gắn máy... Xe buýt vắng khách trong khi xe mô-tô, xe máy lưu thông chen chúc, dày đặc trên đường phố là thực tế khó chấp nhận trong một thành phố văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt, đáng sống mà TP Hồ Chí Minh đang phấn đấu xây dựng…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/dan-biet-dan-ban/item/31300102-no-luc-giam-un-tac-giao-thong.html