Nỗ lực của ngành tài nguyên và môi trường An Giang

Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho cấp huyện; thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ đối với các chương trình, kế hoạch quan trọng của ngành.

Ngành TN&MT tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đề xuất tháo gỡ khó khăn để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và DN, góp phần thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đơn vị tham gia tiếp, làm việc với 175 lượt DN để hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực TN&MT; đề xuất xử lý kịp thời đề nghị nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để bồi thường, hỗ trợ tái định cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Kiện toàn chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hệ thống văn phòng đăng ký đất đai theo Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Toàn ngành tập trung kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, điều động bố trí nhân sự những nơi phát sinh nhiều giao dịch… từng bước giảm dần tình trạng hồ sơ trễ hẹn. Qua đó, tiếp nhận và giải quyết hơn 232.673 hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước; thực hiện đúng hạn 214.845 hồ sơ, đang thực hiện 8.644 hồ sơ.

Kiểm soát khai thác khoáng sản

Theo Sở TN&MT An Giang, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chính phủ, xử lý nguồn cát cho công trình trọng điểm của tỉnh và vùng ĐBSCL. Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn cát rất lớn cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL, công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, lần đầu tiên áp dụng cơ chế đặc thù trong việc giao mỏ cát phục vụ cho dự án cao tốc, nên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định, toàn ngành triển khai 459 cuộc kiểm tra về TN&MT tại 2.121 tổ chức, cá nhân. Qua đó, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 65 trường hợp, số tiền gần 830 triệu đồng. Đồng thời, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TN&MT.

Cùng với đó, duy trì thu gom, xử lý rác thải với khối lượng trung bình 935 tấn/ngày (đạt 76,6%) ở 156/156 xã, phường, thị trấn. Hướng dẫn biện pháp bảo vệ môi trường tạm thời tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ TN&MT hướng dẫn công nghệ xử lý đối với dự án đóng cửa, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 9 bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh…

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT An Giang, vẫn còn một số đầu nhiệm vụ thực hiện chậm so kế hoạch, do là nhiệm vụ mới, phát sinh nhiều quy trình, thủ tục chưa được hướng dẫn kịp thời, như: Việc xây dựng đơn giá quan trắc và phân tích môi trường; quy chế quản lý hệ thống quan trắc môi trường liên tục, tự động trên địa bàn tỉnh.

Việc đóng lấp các bãi rác ô nhiễm chưa thực hiện, do chưa lựa chọn được nhà thầu, phải xin ý kiến hướng dẫn của Bộ TN&MT về tỷ lệ chôn lấp rác. Tỷ lệ hồ sơ, thủ tục đất đai trễ hẹn trong năm tăng đột biến, do vận hành theo quy trình và phần mềm mới VBDLIS, trễ hẹn 9.184 hồ sơ (chiếm 4,1% tổng số hồ sơ đã thực hiện)…

Ngoài ra, nhiều vấn đề vướng mắc xung quanh việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đất đai trên địa bàn tỉnh, cần có hướng dẫn của Trung ương khi Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được ban hành, như: Phương pháp xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, loại hình dự án đầu tư nhà ở thương mại, điện năng lượng mặt trời…

Năm 2023, tổng nguồn thu từ lĩnh vực TN&MT đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 921 tỷ đồng, chiếm 14,4% tỷ trọng nguồn thu ngân sách địa phương. Trong đó, lĩnh vực đất đai hơn 465 tỷ đồng, lĩnh vực khoáng sản hơn 51,3 tỷ đồng, (tỷ trọng 0,8%), lĩnh vực môi trường hơn 401 tỷ đồng.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/no-luc-cua-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-an-giang-a384164.html