Nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh thế nào?

Nợ công nước ta tính đến năm 2015 là 2.608 nghìn tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn là 18,4%/năm, một tỷ lệ khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP...

Thứ trưởng Nội vụ: Xem xét tạm đình chỉ Vinastas sau vụ “nước mắm arsen”

Ngày 26/10, trả lời báo chí, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ này đang trao đổi với các cơ quan liên quan, xem xét tạm đình chỉ hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ( Vinastas ), để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của Vinastas.

Trước đó ngày 17/10, Vinastas công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm với "hơn 67% không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín)". Tuy nhiên, Vinastas đã không công bố rõ arsen vô cơ hay hữu cơ trong nước mắm mà chỉ gọi chung là tổng hàm lượng arsen, khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đến ngày 22/10, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra 247 mẫu nước mắm lấy tại 5 tỉnh thành, hoàn toàn không có arsen vô cơ (thạch tín) vượt ngưỡng. (Xem tiếp)

Nợ công Việt Nam tăng nhanh gấp hơn 3 lần tốc độ tăng GDP

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, giai đoạn vừa qua, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đây chính là nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.

Nợ công tính đến năm 2015 là 2.608 nghìn tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%). (Xem tiếp)

Những quyết định bổ nhiệm bất thường thời ông Vũ Huy Hoàng

Không chỉ để xảy ra việc quy hoạch cán bộ không đúng nguyên tắc, Bộ Công Thương dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn chịu nhiều điều tiếng liên quan đến việc “ngồi nhầm ghế”, luân chuyển, bổ nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo doanh nghiệp nhưng không có kinh nghiệm quản trị tại các đơn vị lớn như Sabeco, Habeco.

Trường hợp gây xôn xao dư luận nhất trong thời gian qua phải nhắc đến là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013. 4 tháng sau khi ông Thanh rời khỏi PVC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có công văn yêu cầu lãnh đạo mới của đơn vị báo cáo về tình hình kinh doanh. (Xem tiếp)

Phó chủ tịch TP.HCM đề xuất thuê xe ô tô thay vì mua xe công

Theo đó, ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị TP nên tính toán đến việc đi thuê xe thay vì mua mới như hiện nay, vì làm như vậy TP sẽ chỉ phải bỏ tiền thuê mà không tốn tiền bảo trì. Ông khẳng định từ khi nhận chức đến nay bản thân ông chưa đề xuất mua xe mới lần nào.

Không chỉ đối với ô tô, ông Tuyến còn cho biết các thiết bị khác cũng có thể áp dụng phương pháp này bởi chúng đang rất nhanh lạc hậu. Dẫn chứng về máy photocopy, ông Tuyến cho rằng ngoài mua máy còn phải mua mực in, phải sửa chữa, vệ sinh… nên chưa chắc đã lợi bằng đi thuê.

“Với thủ tục mua sắm đầu tư công như hiện nay thì khi mua được cái máy đó đã lỗi thời mất rồi. Ví dụ chúng ta định mua iPhone 7 thì đến khi mua được chắc đã ra tới iPhone 9” – ông Tuyến cho hay. (Xem tiếp)

Việt Nam “nhảy” 9 bậc về Môi trường kinh doanh toàn cầu

Trong báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2017: Cơ hội bình đẳng cho mọi người” mới nhất do Ngân hàng Thế giới tiến hành, Việt Nam xếp hạng 82 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong đó, Việt Nam ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong các tiêu chí Thương mại biên mậu, Đóng thuế, đặc biệt là Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Một tiêu chí ghi nhận sự thụt lùi là Xin giấy phép xây dựng, Vay vốn, và đáng chú ý là Thành lập doanh nghiệp, giảm tới 10 thứ hạng. (Xem tiếp)

Đà Nẵng: Khuyến cáo cán bộ không dùng Facebook cá nhân trong giờ làm việc

Ngày 25/10, Phó Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng Nguyễn Đăng Trường đã ký văn bản số 1679/STTTT-TTBCXB gửi các sở, ban, ngành thuộc UBND TP Đà Nẵng, UBND các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP và các cơ quan chủ quan trang thông tin điện tử (TTĐT) về việc tăng cường quản lý hoạt động các trang thông tin điện tử.

Theo đó, Sở TT-TT Đà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng tại công văn 336/UBND-KT2 ngày 12/6 về việc tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên sử dụng Internet, mạng xã hội đến từng đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động của đơn vị trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội bằng các hình thức phù hợp. (Xem tiếp)

Tuấn Việt

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/no-cong-cua-viet-nam-da-tang-nhanh-the-nao-2125154.html