Ninh Hòa: Chấm dứt lò gạch công nghệ cũ vào năm 2025

Thị xã Ninh Hòa đã có kế hoạch cụ thể về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò vòng cải tiến (công nghệ Hoffman) trên địa bàn thị xã. Theo đó, đến năm 2025, các lò gạch sử dụng công nghệ Hoffman phải đóng cửa.

Thay đổi chất đốt

Để phục vụ hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, mới đây, HĐND tỉnh tiến hành khảo sát tình hình hoạt động tại một số lò gạch trên địa bàn thị xã. Tại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Khánh Hòa - Xí nghiệp Gạch ngói Ninh Hòa TN25 ở thôn Phước Lâm (xã Ninh Xuân), vào thời điểm khảo sát, cơ sở này sản xuất gạch nung bằng nhiên liệu đốt là củi và trấu. Ông Đỗ Quang Toán - Quản lý kỹ thuật của công ty cho biết, công suất sản xuất của doanh nghiệp khoảng 25 triệu viên/năm, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 70 lao động với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Những năm qua, để giảm thiểu tác động đến môi trường, công ty đã chuyển sang sử dụng chất đốt chủ yếu là trấu, củi, biomat; ngoài ra, có khoảng 30% sản lượng gạch ngói được đốt bằng lò điện. Hàng quý, công ty đều thực hiện báo cáo lấy mẫu quan trắc về môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Ninh Hòa và UBND xã Ninh Xuân để kiểm tra, giám sát. Các chỉ số quan trắc đều đạt chỉ tiêu cho phép.

Tại Doanh nghiệp tư nhân Thu Hà (xã Ninh Xuân), đoàn khảo sát của HĐND tỉnh ghi nhận việc vận hành lò gạch về cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật, xử lý khói đảm bảo theo yêu cầu. Chủ lò gạch này cho biết, với công suất 18 triệu viên/năm, nhiều năm nay, doanh nghiệp không sử dụng than đá mà đã chuyển sang dùng mùn cưa, củi, trấu… để nung gạch ngói. Cơ sở cũng đã đầu tư ống khói lên cao, có hệ thống phun sương nhằm giảm bớt khói bụi mỗi khi vận hành.

Theo ông Nguyễn Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, những năm gần đây, hầu hết lò gạch trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vẫn còn một số lò gạch chưa tuân thủ nghiêm các quy định, còn để ô nhiễm khói bụi, gây bức xúc trong nhân dân. UBND thị xã đã thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời kiểm tra và yêu cầu các cơ sở khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Công nhân của Xí nghiệp gạch ngói Ninh Hòa TN25 vận chuyển gạch vào lò.

Giảm dần công suất hoạt động đến năm 2025

Ông Nguyễn Minh Thư cho biết, hiện nay, trên địa bàn thị xã có 36 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu đốt là mùn cưa, trấu, phế phụ phẩm nông nghiệp. Số lượng công nhân làm việc trong các lò gạch này hơn 1.200 người.

Những năm qua, việc triển khai chủ trương chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục theo Chỉ thị số 22/2013 của UBND tỉnh tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là chưa có phương án hướng dẫn chi tiết chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch hiện đại hơn như công nghệ tuynel, vật liệu xây dựng không nung; kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/lò để các lò đóng cửa hoặc chuyển đổi là quá thấp, chưa phù hợp. Ngoài ra, phương án chuyển đổi nghề cho người lao động sau khi chấm dứt sản xuất gạch nung chưa được xây dựng, trong khi việc di dời các cơ sở sản xuất gạch vào cụm công nghiệp chưa được thực hiện.

Mới đây, thị xã có kế hoạch về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ Hoffman trên địa bàn thị xã đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, các cơ sở sản xuất gạch ngói phải áp dụng công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường theo quy định. Trong trường hợp không đáp ứng buộc phải dừng sản xuất. Từ nay đến năm 2025, thị xã cũng không cho phép việc đầu tư mới, đầu tư mở rộng các dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung khi không có vùng nguyên liệu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên của tỉnh đã được phê duyệt. Đồng thời, tập trung hướng dẫn các cơ sở chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch nung hiện đại hơn nhằm tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất gạch nung hoặc chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung.

Theo ông Nguyễn Minh Thư, trước mắt, thị xã tập trung triển khai các giải pháp để giảm dần công suất hoạt động của các lò gạch theo từng lộ trình đến năm 2025; kiểm tra và có giải pháp hướng dẫn các lò đang hoạt động khắc phục các vấn đề (nếu có) nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Thị xã cũng đang tập trung rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò Hoffman trên địa bàn để chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi công nghệ theo lộ trình; xây dựng phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò gạch để báo cáo UBND tỉnh. Thị xã cũng thành lập đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch ngói nung trên địa bàn thị xã nhằm triển khai có hiệu quả kế hoạch này.

Theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ, đến năm 2025, các cơ sở sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng phải đầu tư cải tạo, chuyển đổi thành các cơ sở sản xuất có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường hoặc buộc phải dừng sản xuất.

CÔNG ĐỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202307/ninh-hoa-cham-dut-lo-gach-cong-nghe-cu-vao-nam-2025-53649e1/