Ninh Bình: Quyết tâm cao nhất, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển năm 2024

Năm 2023 đã khép lại với nhiều thành tựu đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Đó là động lực để tỉnh Ninh Bình tự tin vươn tới những bước phát triển mới trong năm 2024.

Ngày 9/1, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chủ trì hội nghị.

Những con số ấn tượng

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII. Bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ảnh ST

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành và quyết tâm thực hiện Chương trình công tác năm 2023 với 198 nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh; đồng thời, chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm, với quan điểm quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức khá, ước đạt 7,27%, xếp thứ 8/11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố của cả nước; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, đúng hướng; hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động; hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, tạo động lực, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Giá trị GRDP ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 14.404,76 tỷ đồng, tăng 1,51% so với năm 2022. Giá trị GRDP ngành nông - lâm - thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 4.693,87 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2022; giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 155 triệu đồng, vượt 1,3% kế hoạch; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 97%.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên; hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh và hiệu quả; hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đến nay, toàn bộ 119/119 xã và 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó, có 50/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có trên 430 thôn, xóm, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Quyết tâm cao nhất, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024

Những thành quả này là hành trang để tỉnh Ninh Bình tự tin bước vào năm 2024. Đây được coi là năm tăng tốc để phấn đấu về đích trong năm 2025, năm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra. Tuy nhiên, năm 2024 được dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo động lực tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh xác định và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành năm 2024.

Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Báo NB

Trong đó, tập trung cao độ cho "bốn đẩy mạnh" theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tập trung phục hồi phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh một cách đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thông hiệu quả không gian tăng trưởng mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, tạo bước đột phá mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư.

Thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị; tiếp tục đổi mới phương thức và cách thức hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; tiếp tục tập trung hơn nữa trong việc rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách để thu hút các dự án, lĩnh vực, khu vực quan trọng, có tính chiến lược làm động lực dẫn dắt và tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần tạo ra các sản phẩm công nghiệp mới có giá trị tăng thêm, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát triển văn hóa bền vững, tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; lấy bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nền tảng cho sự phát triển...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn biểu dương và đồng thời khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và cả nước, những kết quả mà tỉnh đạt được khá toàn diện; có những con số đầy cảm xúc như chỉ số tăng trưởng, chỉ số năng lực cạnh tranh, hay việc đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.

Phân tích những thuận lợi, khó khăn mà tỉnh đang phải đối mặt, như vấn đề cơ cấu kinh tế-xã hội, chất lượng phát triển, những di tồn của quá trình phát triển không dễ khắc phục..., Bí thư Đoàn Minh Huấn cho rằng, tỉnh vẫn cần quản trị tốt mục tiêu đã đề ra; UBND tỉnh cần tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể hóa trong công tác điều hành, nhất là vừa phải kiến tạo những cái mới, xử lý những vấn đề phát sinh, vừa phải xử lý những di tồn lịch sử để lại, phục vụ nhiệm vụ phát triển.

Bí thư Đoàn Minh Huấn cũng gợi mở trong thu hút đầu tư, vừa phải cơ cấu lại nền kinh tế, vừa phải khắc phục nguy cơ mất cân đối, tụt hậu về quy mô nền kinh tế; ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài lĩnh vực có sự lan tỏa tạo nên cụm ngành, chuỗi liên kết với nhau. Trong xây dựng đô thị, nông thôn mới, cần đặc biệt quan tâm đến nông thôn, nên có đề án về bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc nông thôn, bởi chủ trương xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ chỉ thành công khi giữ được nông thôn thuần chất, bản sắc, kết nối chặt chẽ với nông thôn.

Bên cạnh đó, quy hoạch và quản trị mục tiêu thật tốt các quy hoạch đô thị; mở rộng nguồn lực cho các địa phương để kiến tạo các đô thị; quản trị quy hoạch với tính chất đô thị di sản; sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, phải tính đến mô hình tổ chức chính quyền đô thị di sản cho phù hợp.

Về quốc phòng, quân sự địa phương, Bí thư Đoàn Minh Huấn lưu ý không được lơ là, mất cảnh giác. Đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, càng khó khăn càng phải quan tâm, hướng vào chỉ số hạnh phúc con người... Bí thư Đoàn Minh Huân tin tưởng rằng với nền tảng đã đạt được, với bản lĩnh, cách làm đổi mới, sáng tạo, khát vọng mạnh mẽ, tỉnh ta sẽ đạt được những mục tiêu như kỳ vọng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cảm ơn, tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; khẳng định đây là nguồn động viên, khích lệ lớn, truyền cảm hứng, tạo niềm tin, quyết tâm nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là những nhiệm vụ, phương hướng có tính chất chiến lược, tạo bước đột phá cho tỉnh Ninh Bình.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ninh-binh-quyet-tam-cao-nhat-hoan-thanh-cac-chi-tieu-nhiem-vu-phat-trien-nam-2024-post280321.html