Niềm vui lớn nhất là sự tiến bộ của chiến sĩ mới

Tôi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 2021 và được điều động, phân công công tác tại Quân khu 1 với cương vị Trung đội trưởng Trung đội 9, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 246, Sư đoàn 346). Đây là năm thứ hai trung đội tôi được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 9, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346) đọc báo trong giờ nghỉ. Ảnh: BÙI HIỆP

Các chiến sĩ mới được biên chế về đơn vị đến từ nhiều địa phương, dân tộc khác nhau nên trình độ nhận thức không đồng đều, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình truyền thụ và tiếp nhận kiến thức. Mặt khác, tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới đúng thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm, nắng mưa thất thường và việc chưa quen môi trường mới khiến không ít chiến sĩ có cảm giác mệt mỏi... Động viên, bám nắm bộ đội qua thực hiện “4 cùng” là yêu cầu bắt buộc với chúng tôi. Nhưng như thế là chưa đủ. Để bộ đội chia sẻ tâm tư, tình cảm thì chúng tôi phải trở thành chỗ dựa tin cậy bằng sự chân thành, biết lắng nghe, thấu hiểu. Muốn làm được điều này, không có cách nào khác, chúng tôi phải thật sự gần gũi với bộ đội thông qua công tác, sinh hoạt hằng ngày; phải có tính kiên trì, nhẫn nại và phương pháp quản lý, giáo dục phù hợp; cương quyết nhưng cũng phải mềm dẻo, mang tính giáo dục, thuyết phục.

Nhìn chung, công tác huấn luyện chiến sĩ mới vất vả, bận rộn nhưng cũng có nhiều niềm vui, nhất là từng ngày được chứng kiến sự tiến bộ, trưởng thành của chiến sĩ. Quan sát các chiến sĩ mới, tôi không khỏi nhớ đến hình ảnh của chính mình ngày xưa, khi mới chập chững bước chân vào quân ngũ. Từ đó, tôi thấy ngày càng yêu con đường binh nghiệp mà mình đã lựa chọn...

Trung úy NGUYỄN BẢO TRUNG

(Trung đội trưởng Trung đội 9, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1)

------------------

Rèn luyện tốt để đáp lại tình cảm của trung đội trưởng

Trung đội trưởng là những người trực tiếp quản lý, thực hiện “4 cùng” với chúng tôi. Các anh luôn là người “thức trước nhất, ngủ muộn nhất” trong trung đội và bám nắm bộ đội mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi chúng tôi đã ngủ từ lâu sau hồi kẻng dài thông báo đến giờ đi ngủ.

Phút giải lao của bộ đội Đại đội 4, Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới (Sư đoàn 377). Ảnh: XUÂN SANG

Khi có bất kỳ vấn đề gì phát sinh trong đơn vị, trung đội trưởng luôn là người được bộ đội báo cáo đầu tiên. Ngoài công tác quản lý, huấn luyện bộ đội, cán bộ trung đội còn phải dành nhiều thời gian chuẩn bị nội dung huấn luyện cũng như các nhiệm vụ khác... Chính vì vậy, thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình, việc riêng rất ít. Đây là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, tình cảm của trung đội trưởng đối với tập thể đơn vị nói chung và với các chiến sĩ mới chúng tôi nói riêng.

Để đáp lại trách nhiệm, tình cảm đó, chúng tôi quyết tâm học tập, rèn luyện và chấp hành nghiêm quy định, kỷ luật để cùng tập thể trung đội hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới năm 2023.

Binh nhì HỒ VĂN PHÚC

(Trung đội 2, Đại đội 4, Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân)

-----------

Hết lòng vì bộ đội

Nhằm giúp chiến sĩ mới sớm hòa nhập môi trường Quân đội, chúng tôi thực hiện “4 cùng” với bộ đội và dõi theo mọi hoạt động, diễn biến tâm lý để kịp thời uốn nắn, chỉ bảo. Vì thế, ngay từ sáng sớm, khi chưa báo thức, chỉ huy trung đội đã dậy trước để đôn đốc bộ đội thức dậy đúng giờ. Buổi tối, chúng tôi phải đến từng giường kiểm tra xem bộ đội ngủ có đủ ấm hay nóng quá không; chuẩn bị nội dung huấn luyện ngày hôm sau... Trung đội trưởng còn phải hướng dẫn bộ đội những việc đơn giản nhất như cách phơi khăn mặt, sắp đặt giày dép, gấp chăn màn, mang mặc đúng lễ tiết tác phong... Quá trình huấn luyện hằng ngày, chúng tôi phải luôn kiên trì, tỉ mỉ để hướng dẫn, chỉnh sửa từng động tác cho chiến sĩ mới.

Trung đội trưởng chỉnh sửa động tác huấn luyện bắn súng cho chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 5B, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Chúng tôi hiểu, các chiến sĩ mới của đơn vị đều lần đầu xa gia đình, lại ở nơi đảo xa nên không tránh khỏi có lúc nhớ nhà. Những lúc đó, chúng tôi lại tâm sự, động viên và tìm cách khuấy động phong trào để anh em vơi đi nỗi nhớ. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với gia đình nắm bắt tình hình, sở trường, tính cách và các mối quan hệ của từng đồng chí để từ đó có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp, hiệu quả; kết hợp giáo dục chung với gặp gỡ riêng để động viên, chia sẻ... Sau một thời gian nhập ngũ, đến nay, các chiến sĩ mới của đơn vị đều yên tâm công tác, chấp hành nghiêm nền nếp, chế độ, tích cực tham gia học tập, tự giác luyện rèn. Đó là niềm vui, động lực đối với đội ngũ cán bộ trung đội như chúng tôi.

Trung úy TRƯƠNG HỮU TUẤN

(Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 5B, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242, Quân khu 3)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/niem-vui-lon-nhat-la-su-tien-bo-cua-chien-si-moi-722998