Niềm vui của hộ nghèo

Từ nguồn vốn chính sách tín dụng của Ngân hành Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Vĩnh Phúc đã tiếp sức cho hàng ngàn hộ nghèo, gia đình chính sách phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ vay vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH, gia đình ông Lê Đức Chiến, thôn Ngòi, xã Hoàng Đan (Tam Dương) phát triển mô hình nuôi gà đẻ cho thu lãi 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Dương Hà

Tạo điểm tựa thoát nghèo

Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, thôn Xuân Chiếm, xã Trung Nguyên (Yên Lạc) thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm. Cả nhà có 4 người chỉ trông vào mấy sào ruộng.

Năm 2020, gia đình chị Duyên đã làm đơn và được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Yên Lạc để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, chị Duyên đã đầu tư mua máy móc, mở xưởng thổi thủy tinh.

Dưới bàn tay khéo léo, cùng sự cần cù, chịu khó, sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ hết. Thu nhập gia đình dần ổn định, chị đã mua sắm được các vật dụng gia đình và nuôi các con ăn học.

Đến nay, gia đình chị Duyên không chỉ thoát nghèo, có thu nhập khá, xưởng chế biến đồ thủy tinh của chị còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chị Duyên cho biết: "Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Yên Lạc thì gia đình tôi chưa biết bao giờ mới thoát khỏi cái nghèo. Vay vốn từ Ngân hàng CSXH không chỉ có ưu điểm về lãi suất thấp, thời gian cho vay dài, thủ tục nhanh gọn mà cán bộ ngân hàng, các Tổ tiết kiệm và vay vốn còn đến tận nhà, tận tình hướng dẫn chúng tôi làm hồ sơ".

Xã Hồ Sơn (Tam Đảo) cũng là địa phương có nhiều hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ưu đãi có hiệu quả.

Ông Trần Văn Phát, Trưởng thôn Làng Hà, cho biết: Thôn có gần 360 hộ, trong đó, có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Cách đây 5 năm, thôn có hơn 30 hộ thuộc diện hộ nghèo, nhưng đến nay, chỉ còn 1 hộ nghèo.

Nhờ nguồn vốn chính sách tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo, nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách khác của địa phương đã có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Trần Thị Bảy được tiếp cận nguồn vốn vay cho các hộ đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2019, gia đình chị Bảy được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo để mua một đôi bò sinh sản và làm chuồng trại.

Nhờ chăm sóc tốt, đôi bò mẹ đã sinh được 2 lứa bò con, mỗi cặp bò con cho thu nhập vài chục triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình chị Bảy đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Ông Hoàng Văn Phúc, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Làng Hà cho biết: Hơn 10 năm qua, trong thôn đã có 54 hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, với dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Những năm qua, các chính sách tín dụng ưu đãi đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp nhiều hộ nghèo của địa phương vươn lên thoát nghèo.

Đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn

Bám sát các văn bản chỉ đạo của HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, văn bản chỉ đạo của tỉnh, Ngân hàng CSXH chi nhánh Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với các ngành, hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng, đúng quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH chi nhánh Vĩnh Phúc đạt hơn 3.557 tỷ đồng, tăng 337 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Tổng dư nợ ủy thác đến cuối tháng 6/2022 đạt hơn 3.527 tỷ đồng với hơn 78.400 hộ vay.

Trong 6 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã có 16.457 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay từ chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, giải quyết việc làm cho 8.280 lao động, cải tạo xây dựng 11.666 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn, 45 gia đình được vay vốn mua, xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP...

20 năm qua, các chính sách tín dụng đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách đã khẳng định được tính nhân văn trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp hàng ngàn hộ nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, vừa qua, UBND tỉnh tổ chức ký cam kết thực hiện các chỉ tiêu vay vốn tín dụng giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo giữa Ngân hàng CSXH tỉnh với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Đồng thời, bổ sung nguồn vốn ngân sách từ tỉnh tới các huyện, thành phố ủy thác sang Ngân hàng CSXH để tăng nguồn vốn vay cho các đối tượng. Điều này thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội của tỉnh và Ngân hàng CSXH đối với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%.

Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81530/niem-vui-cua-ho-ngheo.html