Niềm tin tạo nên động lực tăng trưởng

Với cam kết xây dựng một Chính phủ 'liêm chính, kiến tạo và hành động', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những hành động quan trọng phát huy vai trò dẫn dắt và lãnh đạo của bộ máy, đi đôi với đó là cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi… Nhưng trong ba tiêu chí nói trên, cần hiện thực hóa trước hết tiêu chí nào để thu hút được nguồn lực tăng trưởng?

Nhờ cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh, Việt Nam trở thành một trong 60 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới trong bảng xếp hạng của WB năm 2017. Ảnh: Chí Cường

Thước đo của kiến tạo

Những ngày cuối tháng 7 có thể nói là những ngày tạo nên nhiều dấu ấn lớn của Chính phủ. Việc Thủ tướng quyết định thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng với 15 thành viên, trong đó có nguyên và đương nhiệm các lãnh đạo bộ, ngành cùng các chuyên gia kinh tế nước ngoài cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ trong định hướng phát triển kinh tế.

Việc thành lập Tổ Tư vấn này không chỉ mang ý nghĩa trở thành "kênh" tư vấn cho Thủ tướng mà còn cho thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hành động giống như những gì đã tuyên bố vào năm 2016: "Các thành viên Chính phủ phải làm việc với tinh thần kiến tạo, tập trung đề xuất thể chế, chính sách mạnh mẽ hơn, tạo nguồn lực cho sự phát triển".

Mục tiêu "Chính phủ kiến tạo, Quốc gia khởi nghiệp" đã trở thành phương châm và mục tiêu của Việt Nam trong gần hai năm qua. Trong suốt thời gian ấy, hàng loạt những "start – up" trẻ xuất hiện, tỏa sáng và tạo nên những bước ngoặt lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng vì thế mà chú ý đến Việt Nam nhiều hơn, sẵn sàng đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp táo bạo và đậm chất sáng tạo.

Việc Việt Nam cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh với những kết quả không thể phủ nhận đã giúp Việt Nam tăng 9 bậc, trở thành một trong 60 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2017.

Tuy nhiên, thông tin người Việt Nam dành khoảng 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ mới được công bố lại cho thấy một phần nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam chưa làm cho các DN và người dân yên tâm. Họ có xu hướng tìm đến những "vùng đất" an toàn và hiệu quả hơn để "bảo đảm" vốn!

Câu chuyện này lại làm nhiều người băn khoăn về môi trường kinh doanh của Việt Nam mà sâu sắc hơn chính là bộ máy thể chế, cơ chế và chính sách dành cho nhà đầu tư, DN.

Trong gần hai năm qua, Việt Nam đã liên tiếp mở ra các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như Phú Quốc, Vân Ðồn, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và mới đây là khu kinh tế thành phố Thái Bình…đều thể hiện chủ trương thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và hỗ trợ tích cực cộng đồng DN trong phát triển.

Trong bài chia sẻ về một năm nhìn lại quá trình "kiến tạo và hành động" của Chính phủ Việt Nam, TS Huỳnh Thế Du - Ðại học Fulbright Việt Nam khẳng định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cố gắng cải cách thể chế để tạo ra sự minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành.

Nhưng có một triết lý rằng, muốn đi xa thì phải đi cùng nhiều người. Ngoài người "kéo tàu" là Thủ tướng thì cũng cần những người "đẩy tàu" để bộ máy vận hành có động lực và thật sự thay đổi được hệ thống cơ chế và chính sách dành cho DN. Nói như TS Du, "vấn đề của Việt Nam thì ai cũng biết, điều cần thiết là hành động".

Hãy cứ hành động để rồi kiến tạo!

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, kết quả của cuộc thăm dò ý kiến các DN tư nhân với câu hỏi "Trong các thông điệp của Chính phủ thì DN mong muốn tiêu chí nào nhất: liêm chính, kiến tạo hay hành động?" đã mang lại một kết quả đầy bất ngờ.

Với khoảng 1.000 DN tham dự, có đến 65% ý kiến chọn "hành động", 24% chọn "liêm chính" và 11% chọn "kiến tạo". Chính điều này đã cho thấy, DN cần "hành động" hơn "lời nói", cần "thực tiễn" hơn "cam kết" và cần "kết quả" hơn
"giá trị".

Câu chuyện này lại làm gợi nhớ lại nhận định của TS Võ Trí Thành, "Việt Nam nói về ý tưởng thì nhiều nhưng thiết kế chưa chuyên nghiệp". Ðơn cử, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tuy là một ý tưởng tốt nhưng lại không thể trở thành bàn đạp cho nông nghiệp bởi "khâu thực hiện" còn khá lúng túng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch đến nay mới đạt gần 32.339 tỷ đồng; trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ. Một con số cho vay khá khiêm tốn, chỉ đạt 1/3 tổng gói tín dụng.

Sự lúng túng này là do ngân hàng vướng ở chỗ chưa có tiêu chí cụ thể xác nhận đâu là nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, còn có nhiều ý kiến chung quanh tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó còn nhiều điểm trùng giữa nông nghiệp công nghệ cao với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Câu chuyện đề nghị bãi bỏ 16 ngành nghề kinh doanh ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện của nhóm nghiên cứu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục cho thấy phần nào tính hạn chế khi thực hiện.

Hiện, việc xác định logistics là ngành nghề có tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn còn chưa ngã ngũ hay sự trùng lặp tên gọi của các ngành nghề kinh doanh như kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi; kinh doanh thủy sản; kinh doanh giống thủy sản… đang khiến DN logistics chịu hai mức điều kiện kinh doanh cũng như làm giới hạn phạm vi kinh doanh của các DN ngành này…

Những dẫn chứng kể trên đã phần nào phản ánh những góc khuất khiến cho niềm tin của DN bị hạn chế, điều đó được khẳng định phần nào từ kết quả của cuộc thăm dò tại VPSF vừa qua. Vậy nên, tiêu chí mà Việt Nam cần vạch ra trong tiến trình hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam nên chăng hãy là "hành động" để "củng cố" hơn là "kiến tạo" để "gây dựng"?

Trong thời gian qua, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 473 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7,3 tỷ USD; 385 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 139 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 114 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian qua, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 473 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7,3 tỷ USD; 385 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 139 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 114 nghìn tỷ đồng.

THẢO VY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/33691702-niem-tin-tao-nen-dong-luc-tang-truong.html