Những xóm Chăm bên sông Hậu

An Giang là tỉnh có sự cộng cư lâu đời của các dân tộc anh em, tạo nên bức tranh văn hóa độc đáo, lắm sắc màu. Hiện nay cộng đồng Chăm An Giang có khoảng 15.000 nhân khẩu, sinh hoạt tôn giáo tại 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường.

Họ là những người theo Hồi giáo chính thống, nên gọi là “Chăm Islam”. Bà con miền Tây còn gọi cộng đồng Chăm là người “Chà” hoặc “Chà Và”. Người Chăm Islam vẫn giữ được những giá trị văn hóa đáng quý đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trong quá trình giao lưu, hội nhập.

Không gian văn hóa thánh đường

Người Chăm có tập quán định cư quây quần với nhau, tạo thành các xóm nằm rải rác ở thượng nguồn sông Hậu. Có thể kể đến những xóm Chăm tiêu biểu như Châu Giang, Châu Phong, Phũm Soài thuộc thị xã Tân Châu; xóm Đa Phước, La Ma, Đồng Kô Ki, Nhơn Hội thuộc huyện An Phú; xóm Khánh Hòa thuộc huyện Châu Phú và xóm Vĩnh Hanh huyện Châu Thành.

Ma-ri trong một giờ lên lớp.

Mỗi xóm có ít nhất một thánh đường và các tiểu thánh đường để người Chăm hành lễ mỗi ngày 5 lần, gồm thời điểm trước khi mặt trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ. Ngoài ra, thánh đường Chăm cũng được xem là các công trình kiến trúc đặc sắc, không lẫn với bất cứ công trình kiến trúc, văn hóa của dân tộc nào. Màu sắc chủ đạo của thánh đường là hai màu trắng và xanh. Quan niệm của người Chăm Islam cho rằng màu trắng tượng trưng cho sự sạch sẽ thanh khiết còn màu xanh tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành. Không có các pho tượng hay hình ảnh nào được thờ trong thánh đường. Bởi lẽ, tín đồ Islam luôn tôn sùng tuyệt đối Thánh Allah và họ cho rằng không một hình tượng nào có thể biểu đạt được sự màu nhiệm và tài năng của “Ngài”.

Mọi thánh đường Chăm ở An Giang đều có biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết. Vầng trăng khuyết và biểu tượng ngôi sao 5 cánh được xem là “linh hồn” của Islam giáo, được thiết kế theo dạng trăng ôm lấy sao. Tín đồ Islam giáo luôn cho rằng trăng sao và con người có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, thánh đường Islam ở An Giang trung thành với lối kiến trúc thánh đường trên thế giới nên cửa nóc đều có dạng hình vòm, tạo sự trang nghiêm, tráng lệ đặc trưng. Không chỉ là nơi hành lễ, thánh đường Chăm Islam còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng, học tập chữ Chăm và Kinh Koran. Khuôn viên xung quanh thánh đường thường dùng làm nơi chôn cất các tín đồ quá cố.

Mưu sinh cùng sông nước miền Tây

Ông Mách Ly, một cao niên ở làng Chăm La Ma (An Phú) cho biết, do đặc điểm cư trú vùng sông nước miền Tây Nam Bộ nên người Chăm Islam An Giang sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản. Họ chủ yếu đánh bắt trên sông rạch gần nhà hoặc trên các cánh đồng mùa nước nổi. Ngoài ra, một số người Chăm Islam chuyển dần sang nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là một trong những nguồn thực phẩm chính của người Chăm trong các bữa ăn hàng ngày hoặc trong các dịp lễ hội.

Một nghề truyền thống của người Chăm Islam ở An Giang phát triển mạnh đó là nghề dệt vải. Trước đây, hầu như mỗi gia đình Chăm đều có một khung cửi. Sản phẩm dệt của họ được bán khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và còn xuất khẩu sang các nước Malaysia, Indonesia, Campuchia... Tuy nhiên, hiện nay do cạnh tranh khó khăn trong cơ chế thị trường, nhiều hộ gia đình đã không còn giữ được nghề dệt thủ công nữa. Hiện tại chỉ còn một số làng nghề dệt cổ truyền ở Phũm Soài (Tân Châu) và Đa Phước (An Phú).

Nghề dệt vải truyền thống của người Chăm Islam.

Ngày thường, người Chăm ăn uống giản dị, tuân thủ theo giáo luật của Hồi giáo, tuyệt đối không ăn thịt heo. Dịp lễ tết, bà con mới chế biến nhiều món ngon, như cà ri dê/bò, cơm nị, cà púa, khù ghình. Đặc biệt, một món ăn rất độc đáo của người Chăm An Giang chính là “tung lò mò” tức lạp xưởng bò (“tung” là ruột; “lò mò” là con bò). Để chế biến món này thì thịt bò phải đem đi xay nhuyễn, gừng đâm nát sau đó đem ướp với các loại gia vị bí truyền. Dồn thịt bò ướp vào ruột bò đã được cạo rửa thật sạch và phơi vừa héo, sau đó thắt lại thành từng khúc khoảng 5cm, đem phơi chừng 3 nắng thì có thể nướng, chiên, hấp hay luộc đều ăn rất ngon. Với bàn tay khéo léo, phụ nữ Chăm còn làm được các loại bánh vừa đẹp vừa ngon. Có thể kể đến bánh pây-krah (bánh nghệ), bánh ha-nàm-căn, bánh sây-kya, bánh thon-dót (bánh giọt nước), bánh ha-sa-ka-da, bánh ha-nùm-kel, bánh khoa-vạt, bánh ha-phùm (bánh bông lan Chăm)…

“Tôi yêu chiếc khăn Matra…”

Nét đặc sắc du khách dễ bắt gặp khi đến các xóm Chăm chính là trang phục của họ. Chị Kho-ti-yet, nghệ nhân tại cơ sở dệt thổ cẩm ở Phũm Soài chia sẻ, trang phục của người Chăm Islam An Giang là sự kế thừa truyền thống của dân tộc và ít nhiều có sự tiếp nhận của các dân tộc anh em. Trang phục nam giới gồm mũ Kapiak hình trụ tròn và khăn Haji, khăn Ikal, các loại khăn dài choàng qua cổ và phủ xuống trước ngực. Áo của nam thường có 3 loại: Jawa, Kurung và Bàlai. Đây là các kiểu áo rộng, dài quá mông, cổ cao khoảng 3cm, từ cổ xẻ dọc tới ngực áo và đắp vải viền xung quanh lan ra tới hai vai, cài khuy. Đàn ông người Chăm An Giang thường chọn màu trắng, vải dày để may áo. Xà rong là trang phục gắn liền với cả nam và nữ. Xà rong được may bằng loại vải có nhiều màu và đường kẻ ô vuông hoặc hình gợn sóng. Người lớn tuổi thường mặc màu sẫm tối, người trẻ tuổi thường mặc màu sáng.

Về trang phục nữ giới, theo chị Kho-ti-yet, phổ biến nhất là áoTah và áo Makhna. Áo Tah là loại áo dài may bít tà, mặc bó sát vào người. Thân áo dài chấm gót, cổ áo khoét hình trái tim rộng để mặc trùm từ trên xuống. Áo Makhna là áo dùng để cầu nguyện. Áo may theo kiểu chui đầu, được phủ kín từ đầu đến chân. Váy của nữ giới người Chăm An Giang thường may theo hai kiểu đó là váy kín và váy hở. Loại váy kín là loại hai mép vải khâu kín thành hình ống tròn, lưng hình bản dùng dây kéo hoặc lưng thun.

Ngày nay, qua quá trình cộng cư, giao lưu, phụ nữ Chăm An Giang không còn che mặt như tại một số quốc gia Islam giáo khác trên thế giới. Tuy vậy, chiếc khăn của phụ nữ vẫn là nét đặc trưng trong trang phục Chăm Islam An Giang. Nhạc sĩ Trần Tiến có câu hát rất lãng mạn về hình ảnh chiếc khăn của cô gái Chăm: “Tôi yêu chiếc khăn Matra/ Vương trên trán em dịu êm…”. Thật ra khăn Matra cũng chia thành rất nhiều loại, với kiểu dáng và công dụng khác nhau. Có thể kể đến khăn mas pok có hình chữ nhật, chiều dài khoảng 1,5-1,6m, ngang 50cm, thường được làm bằng loại vải voan mịn. Khăn Muột – toak là loại khăn trùm đầu, được phụ nữ Chăm sử dụng khi ở nhà. Khăn Tù-tùng là loại khá phổ biến, được may sẵn, dùng trùm lên sẽ kín tóc, vai, chỉ chừa lại một phần để thấy được khuôn mặt. Với phụ nữ Chăm An Giang, khăn đội đầu là vật không thể thiếu trong ngày thường và trong những sự kiện trọng đại nhằm tôn vinh vẻ đẹp, sự quý phái nhưng vẫn giữ được sự kín đáo cần thiết.

Cô giáo Ma-ri, giáo viên một trường tiểu học ở xóm Chăm La Ma cho biết, xưa kia con gái Chăm có tục “cấm cung”, nghĩa là từ lúc dậy thì họ phải ở trong căn buồng kín, mọi chuyện ăn uống, sinh hoạt, dệt vải đều quẩn quanh trong đấy. Thỉnh thoảng họ mới được ra ngoài, nhưng phải có dì mẹ theo cùng, và phải trùm khăn thật kín. Chỉ những dịp đám tiệc hay lễ hội con gái Chăm mới có thể gặp gỡ mọi người. Ngày nay, tục cấm cung đã không còn nữa, những cô gái Chăm đã có thể tham gia các hoạt động xã hội như nam giới, thậm chí lên sân khấu trình diễn văn nghệ trong các dịp lễ hội.

Trước đây, mỗi năm đồng bào Chăm Islam chỉ ăn tết Roya Haji ngay sau tháng chay Ramadan (tháng 9 theo lịch Chăm, thường rơi vào khoảng tháng 4, tháng 5 Dương lịch). Nhưng ngày nay, ngoài Tết Roya truyền thống, họ còn ăn Tết Nguyên đán với người Kinh. Chia sẻ về điều này, cô Ma-ri nói, giới trẻ bây giờ đi làm ăn xa nhiều, chỉ có dịp tết Nguyên đán mới được nghỉ phép, về quê sẵn tổ chức đám cưới luôn. Chừng mười năm trở lại đây, Tết nào xóm Chăm cũng có từ hai chục tới ba chục đám cưới, mỗi đám có đến 400-500 thực khách, thành ra xóm làng rộn rã suốt mùa xuân.

Cô giáo Ma-ri tâm sự, ngoài thời gian đi dạy, thỉnh thoảng cô có tham gia vào đội văn nghệ của huyện An Phú, đi trình diễn tại các lễ hội ở địa phương. Hình ảnh cô giáo Ma-ri với trang phục truyền thống Chăm tự tin trình diễn trên sân khấu là minh chứng cho thấy người Chăm Islam An Giang bên cạnh việc giữ gìn phong tục cũng đã từng bước giao lưu hội nhập với các dân tộc anh em. Đặc biệt, các hủ tục lạc hậu đã được cởi bỏ, để người Chăm Islam giờ đây có cuộc sống văn minh, hiện đại hơn.

Trương Chí Hùng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-xom-cham-ben-song-hau-i720537/