Những vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Nga trong hơn 2 thập kỷ qua

Vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow vừa qua đã làm liên tưởng tới các cuộc tấn công khác từng xảy ra trong những năm 1990 và 2000. Nước Nga đang ở trong trạng thái chống chủ nghĩa khủng bố ở mức cao nhất.

Đối với nhiều người dân Nga, vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow vào tối 22/3 khiến 137 người thiệt mạng và 182 người bị thương, đã gợi lại những ký ức đen tối về các vụ xả súng và đánh bom liều chết tại nhiều khu vực của nước này trong 25 năm qua.

Một số vụ tấn công khủng bố ở Nga trong thời gian qua có động cơ tôn giáo, trong khi một số khác được thực hiện bởi những phe ly khai với những yêu cầu chính trị.

Năm 1999: Loạt vụ đánh bom các tòa nhà chung cư

Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm tại hiện trường một tòa nhà bị phá hủy trong vụ đánh bom ở Volgodonsk, Nga, ngày 16/9/1999. Ảnh: AP

Trong khoảng thời gian từ ngày 4/9-16/9/1999, phiến quân Chechnya đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom vào các tòa nhà chung cư ở thủ đô Moscow, vùng Volgodonsk ở miền nam và huyện Buynaksk của Cộng hòa Dagestan thuộc Nga. Các vụ đánh bom đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, hơn 1.700 người bị thương và gieo rắc nỗi sợ hãi cho hàng triệu người dân Nga.

Năm 2002: Vụ khủng bố nhà hát Dubrovka ở Moscow

Một nhân viên cứu hộ bế một nạn nhân ra khỏi nhà hát Dubrovka, năm 2002. Ảnh: AP

Vào ngày 23/10/2002, hàng chục tay súng Chechnya đã chiếm giữ nhà hát Dubrovka ở Moscow, bắt giữ hơn 900 khán giả và nghệ sĩ biểu diễn làm con tin. Những kẻ tấn công yêu cầu quân đội Nga rút khỏi Chechnya.

Sau 3 ngày đám phán, lực lượng Nga đã xả một loại khí hóa học vào hệ thống thông gió của tòa nhà nhằm vô hiệu hóa các tay súng và tiến hành cuộc đột kích.

Ít nhất 170 người đã thiệt mạng, bao gồm tất cả các tay súng và 130 con tin, hàng trăm người khác đã bị thương.

Sau vụ việc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ đáp trả bằng các “biện pháp tương xứng với mối đe dọa và tấn công tất cả những nơi có thể ẩn náu của những kẻ khủng bố”. Duma Quốc gia Nga cũng thông qua luật chống khủng bố.

Năm 2004: Cuộc bao vây trường học Beslan

Ngày 6/2/2004: Một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công tàu điện ngầm ở Moscow vào giờ cao điểm. Vụ việc khiến 41 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Nhóm phiến quân Chechnya đã nhận trách nhiệm về vụ việc.

Ngày 9/5/2002: Một vụ tấn công liều chết đã xảy ra tại một sân vận động ở Grozny, thủ đô Chechnya, đã giết chết 24 người. Trong số những người thiệt mạng có ông Akhmad Kadyrov - Tổng thống Chechnya do Moscow hậu thuẫn và là cha của nhà lãnh đạo Chechnya hiện tại Ramzan Kadyrov.

Tháng 8/2004: Hai vụ tấn công liều chết trên các chuyến bay từ Sân bay Domodedovo ở Moscow đều xảy ra vào ngày 24/8/2004. Tất cả 90 hành khách trên các chuyến bay đều thiệt mạng. Hai kẻ tấn công nữ sau đó được phát hiện đã lên máy bay bằng cách hối lộ cho một đại lý hàng không 1.000 RUB (khoảng 34 USD vào thời điểm đó).

Ngày 1/9/2004: Một trong những vụ tấn công khủng bố khét tiếng và gây sốc nhất trong lịch sử Nga là vụ 1/9/2004. Vào ngày bắt đầu năm học mới ở Nga, những kẻ khủng bố có vũ trang đã chiếm giữ một trường học ở thị trấn Beslan, thuộc tỉnh Bắc Ossetia.

Hình ảnh các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc khủng bố tại trường học ở thị trấn Beslan, tỉnh Bắc Ossetia, Nga. Ảnh: AP

Chúng đã bắt hơn 1.100 con tin, bao gồm 777 trẻ em. Những kẻ khủng bố này là phiến quân Chechnya, dưới sự chỉ huy của Shamil Basayev – người đã yêu cầu quân đội Nga rút quân khỏi Chechnya và công nhận nền độc lập của khu vực này.

Vào ngày thứ 3 của cuộc bao vây, các lực lượng đặc biệt Nga đã xông vào tòa nhà trường học sau khi những kẻ khủng bố cho nổ bom bên trong ngôi trường. Các cuộc đấu súng giữa hai bên đã xảy ra. Có 31 kẻ khủng bố và 334 con tin thiệt mạng, trong đó có 186 trẻ em.

Đầu những năm 2010: Các vụ đánh bom liều chết ở Moscow

Ngày 27/11/2009: Một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra trên tuyến đường sắt cao tốc từ Moscow đến St. Petersburg, khiến 28 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Giới chức Nga đã bỏ tù 10 người đàn ông, với 9 người trong đó đều đến từ một gia đình ở Bắc Caucasus.

Đài tưởng niệm tại địa điểm xảy ra hai vụ đánh bom ở ga tàu điện ngầm Moscow, năm 2010. Ảnh: AP

Ngày 29/3/2010: Hai vụ đánh bom liều chết đã xảy ra trên tàu điện ngầm ở Moscow, khiến hơn 40 người thiệt mạng. Đáng chú ý, một trong những trạm tàu bị nhắm mục tiêu là trạm Lubyanka – nằm ngay cạnh tòa nhà trụ sở Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB). Vụ tấn công làm dấy lên lo ngại rằng cuộc nổi dậy Chechnya vẫn chưa bị dập tắt.

Ngày 24/1/2011: Một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công Sân bay Quốc tế Domodedovo đông đúc nhất của thủ đô Moscow, khiến 37 người thiệt mạng và 172 người bị thương. Giới chức Nga cho biết kẻ đánh bom là Doku Umarov - một lãnh đạo Chechnya điều hành nhóm Hồi giáo cực đoan có tên “phong trào Tiểu vương quốc Caucasus”.

Các nhà điều tra tại hiện trường vụ nổ trên xe buýt ở thành phố Volgograd, ngày 30/12/2013. Ảnh: Reuters

Ngày 29-30/12/2013: Hai vụ đánh bom liều chết cách nhau một ngày đã xảy ra ở ga xe lửa và xe buýt ở thành phố Volgograd. Tổng cộng có 34 người (bao gồm cả thủ phạm) đã thiệt mạng trong hai vụ việc này.

Năm 2017: Đánh bom tàu điện ngầm ở St. Petersburg

Hiện trường vụ nổ trên tàu điện ngầm ở St. Petersburg, năm 2017. Ảnh: AP

Đầu tháng 4/2017, một vụ tấn công bằng thiết bị nổ tự chế đã xảy ra trên tàu điện ngầm St. Petersburg vào giờ cao điểm, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và 45 người bị thương. Các quan chức Nga cho biết kẻ đánh bom là thành viên của nhóm thiểu số Uzbek ở miền nam Kyrgyzstan.

Năm 2022: Vụ nổ súng tại trường học ở Izhevsk

Đài tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng tại một trường học ở Izhevsk, Nga, năm 2022. Ảnh: AP

Ngày 26/9/2022, một tay súng đã tấn công một trường học ở thành phố Izhevsk, thủ đô của Cộng hòa Udmurt thuộc Nga, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Nhà chức trách Nga cho biết kẻ tấn công có trang bị hai khẩu súng lục, “mặc áo đen có biểu tượng của Đức Quốc xã và đội mũ trùm đầu” và không mang theo bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-vu-khung-bo-dam-mau-nhat-tai-nga-trong-hon-2-thap-ky-qua-post32976.html