Những vị 'thuyền trưởng' thích chọn việc khó

Năng động, sáng tạo, có tầm nhìn xa, dám nghĩ dám làm để đổi mới giáo dục, tạo hiệu suất đào tạo cao nhất…, 3 vị hiệu trưởng đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm 2016 còn tỏa sáng uy tín, sự gương mẫu. Chính bản lĩnh, sự cầm lái vững chắc của họ đã đưa những “con tàu giáo dục” vượt khó, vươn lên.

“Vì sự vui thích của các con, khó mấy cũng phải làm”

Lần nào gặp cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11), chúng tôi đều thấy cô tất bật với các hoạt động chuyên môn lẫn phong trào. Nào là lăn xả với giáo viên để cùng mày mò cách dạy mới, làm đồ dùng học tập, nào là tập văn nghệ, thể thao… Cô còn khởi xướng nhiều sân chơi sáng tạo để phát huy sở trường, năng khiếu của từng học trò. Để học sinh nhí thích đi học và coi ngôi trường như nhà mình, cô hiệu trưởng luôn trăn trở, tìm tòi ý tưởng mới nhằm tạo ra sự khác lạ từ góc sân, lớp học đến thư viện…

Vì thế không chỉ hào hứng khám phá kiến thức, học sinh còn thỏa thích niềm vui rèn luyện, trải nghiệm từ các sân chơi sáng tạo, nhất là Robotics. Từ sự ươm mầm, khuyến khích sáng tạo này, nhiều học sinh của trường đã phát huy sở trường, giành nhiều giải cao từ các cuộc thi Robotics, tin học…“Tuy nhiên, vận dụng cái mới, khai thông cái lạ thì luôn khó và gặp nhiều trở ngại hơn đi theo lối mòn, rập khuôn. Vì thế, không chỉ tiên phong làm trước, tôi sẵn sàng đối diện với cái khó, chứng minh mô hình mới, phương pháp giáo dục mới sẽ mang lại lợi ích cho học trò. Và điều này đã thuyết phục từng thành viên trong trường đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng”, cô Kim Hương chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm làm quản lý.

Có lẽ “nghệ thuật” lãnh đạo mềm mỏng, chan hòa, thân thiện, lắng nghe đã tạo nên sự đoàn kết và thành công của tập thể sư phạm Trường Tiểu học Lạc Long Quân. Tin tưởng, đồng hành với “vị thuyền trưởng” đầy tâm huyết đổi mới của mình, giáo viên, nhân viên của trường đã lăn xả, vượt khó để tạo ra môi trường học tập tốt nhất.

Không dừng ở đó, nhà trường còn dang tay đón nhận nhiều học sinh chậm phát triển, nâng đỡ các em hội nhập bình đẳng với thế giới học trò. Bên cạnh công lao tạo dựng thương hiệu cho ngôi trường này, cô Kim Hương còn tỏa sáng ở nhiều giải như “Giáo viên sáng tạo công nghệ thông tin” cấp TP, “Dự án có sức lan tỏa nhất” và được công nhận “Giáo viên sáng tạo công nghệ thông tin” cấp quốc gia… Với cô hiệu trưởng Kim Hương, không khó để hiểu rằng “điều gì mang lại cho các con niềm vui ham thích học tập, khám phá thì phải làm, dù khó đến đâu”.

Nơi trẻ thích đến học hơn ở nhà

Bước vào Trường Mầm non 6 (quận 3), ai cũng cảm thấy cảnh quan, không gian ở đây khang trang, sạch sẽ, thoáng mát. Từ hành lang, đến sân chơi, phòng học đều được trang hoàng, bày trí bắt mắt, gọn gàng. Để con trẻ khám phá thế giới xung quanh, nhà trường tận dụng từng góc nhỏ làm vườn cây xinh xinh, sắp đặt các trò chơi vận động, trải nghiệm đa dạng… Có lẽ vì trường thân thiện, có quá nhiều điều hấp dẫn nên học sinh của trường cứ đòi đi học, kể cả ngày nghỉ cuối tuần, hoặc lễ, tết. Điều khiến các bé háo hức, vui thích nhất là những dịp lễ hội được tổ chức tưng bừng ở trường. Được trải nghiệm nhiều trò chơi mang tính khám phá, trong đó lồng ghép kiến thức sinh động, trực quan, các bé tha hồ hòa mình, vùng vẫy, kể cả nhập vai làm những nhân vật cổ tích, huyền thoại.

Cô Lê Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 6, hướng dẫn học sinh xem vườn cây.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong thực hành kỹ năng sống, cô Lê Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 6, cho biết: “Trẻ nhỏ luôn thích mới lạ, vì thế nhà trường phải chủ động làm mới các hoạt động từ chuyên môn đến chăm sóc, tạo cơ hội cho các bé thực hành trải nghiệm. Không chỉ cảm nhận điều kỳ diệu của thế giới xung quanh, các em cần trang bị kỹ năng sống để phòng tránh các tại nạn, rủi ro, nguy hiểm rình rập…”.

Dõi nhìn hiệu trưởng luôn trăn trở với đổi mới, cực nhọc tìm tòi cách dạy và chăm trẻ hiệu quả hơn, tập thể giáo viên, nhân viên của trường cũng phải tăng tốc chạy theo cho kịp. Cực nhọc, vất vả khi phải chăm chút từng việc nhỏ, đầu tư để tạo nét chấm phá mới, tránh xa lối mòn nhưng cả hiệu trưởng và giáo viên, bảo mẫu đều vui khi nhìn thấy thành quả, nụ cười tươi tắn, mãn nguyện của các con lẫn phụ huynh.

Người giữ chức hiệu trưởng lâu nhất

Là người có thâm niên dạy học (38 năm) và làm hiệu trưởng lâu nhất với 33 năm ở 4 bến đỗ - trường THCS thuộc quận Thủ Đức và quận 2, thầy Trần Đức Vinh được coi là “cao thủ” dày dặn kinh nghiệm quản lý giáo dục. Với tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, nhất là khả năng thuyết phục, huy động sức mạnh tập thể bằng năng lực chuyên môn, uy tín, thầy Vinh đã lèo lái 4 con thuyền giáo dục (các Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Văn Trỗi, Lương Đình Của, An Phú) vượt khó, khẳng định thương hiệu đào tạo. Trong đó, Trường THCS Lương Đình Của đạt chuẩn quốc gia năm 2007-2012 và Trường THCS An Phú vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý - Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng kèm công nhận chất lượng giáo dục đạt cấp độ 3 - cao nhất.

Không thể kể hết công lao, sự đóng góp to lớn của thầy cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, đặc biệt là vai trò “thuyền trưởng” xông pha, tìm hướng đi đột phá cho nhà trường. Để khơi gợi tư duy sáng tạo, chủ động đổi mới phương pháp dạy - học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn và làm cho các tiết học hấp dẫn, thầy luôn khuyến khích giáo viên dám nghĩ, dám làm và tôn trọng ý tưởng của họ. Chính sự đồng hành, sẻ chia, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cùng với giáo viên đã mang lại nhiều thành công cho nhà trường.

Thầy khẳng định rằng, “không có vinh dự, niềm vui nào to lớn hơn, tự hào hơn của người thầy giáo khi được xã hội ghi nhận và được tôn vinh công hiến cho nghề dạy học bằng “Giải thưởng Võ Trường Toản”.

KHÁNH BÌNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161118/nhung-vi-thuyen-truong-thich-chon-viec-kho.aspx