Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 47)

Với tinh thần 'một tấc không đi, một li không dời', Thượng úy, Đồn trưởng Nhạc Văn Công và Thượng úy, Chính trị viên Nguyễn Thái Chu đã anh dũng hy sinh ngay trên chiến hào....

Bài 47: Na Lốc: Viết tiếp những trang sử truyền thống quật khởi

Dưới sự chỉ huy linh hoạt của Đồn trưởng Nhạc Văn Công và Chính trị viên Nguyễn Thái Chu, cùng với sự dũng cảm, cách đánh hay, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Na Lốc (Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai ngày nay) đã tiêu diệt 143 tên, thu 27 súng các loại, gây cho địch những thiệt hại nặng nề về sinh lực, trang bị vũ khí.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Lầu tri ân các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Sát cánh cùng quân dân địa phương dũng cảm chiến đấu bảo vệ biên giới

"Đất nước bình an vạn đại phúc/ Non sông gấm vóc vạn đại vinh

Đoàn kết chung tay tạo sự nghiệp/ Trí tuệ tâm cao Tổ quốc cường...".

Những câu thơ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng trên bức tường bên trái cửa Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu. Trung tá Nguyễn Đình Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Lầu chia sẻ, mỗi lần viếng các anh hùng liệt sĩ của đơn vị, mọi cán bộ, chiến sĩ đều nhìn thấy những vần thơ này của Bác. Đó như là lời nhắc nhở, truyền dạy thế hệ trẻ phải noi gương các anh hùng liệt sĩ, đoàn kết, sát cánh bên nhau, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ sự bình yên của biên cương...

Đồn CANDVT Na Lốc quản lý hai xã Bản Lầu và Lùng Vai, huyện Mường Khương. Trước kia, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều vất vả, giao thông đi lại rất khó khăn. Nhưng vốn có truyền thống anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài nên khi chiến tranh xảy ra, đồng bào các dân tộc hai xã biên giới đã sát cánh cùng Đồn CANDVT Na Lốc và quân, dân huyện nhà làm lên những trang sử truyền thống quật khởi, xứng danh với cái nôi cách mạng của huyện Mường Khương.

Năm nay ngoài 70 tuổi, ông Đỗ Ngọc Phiên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu chia sẻ, trước diễn biến phức tạp trên biên giới, Đồn CANDVT Na Lốc đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới xây dựng phòng tuyến nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân xã Bản Lầu đã đóng góp 2.500 ngày công, vận chuyển hàng nghìn gốc tre từ nội địa ra trồng dọc biên giới. Cùng với đó là cắm trên 10.000 mũi chông các loại, đào hào, đắp lũy trên các đoạn suối, phục vụ cho chiến dịch chống xâm canh, lấn chiếm biên giới.

Từng có 5 năm công tác, dũng cảm chiến đấu giữ đơn vị, bảo vệ nhân dân (từ năm 1977-1982), ông Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Đồn trưởng Đồn CANDVT Na Lốc nhớ lại: Trên thực tế, Đồn CANDVT Na Lốc đã phải chiến đấu, đánh địch từ chiều 16/2/1979. Theo đó, chiều ngày 16/2/1979, địch đã 2 lần cho lực lượng (cấp đại đội) xâm nhập và đánh chiếm khu vực đội 4, Hợp tác xã Na Lốc, xã Bản Lầu. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Na Lốc và dân quân xã đã ngoan cường bám trụ trên từng trận địa, từng mét giao thông hào, kiên quyết nổ súng ngăn chặn bước tấn công của địch. Sau những phút chiến đấu đầy cam go, thử thách, đơn vị đã buộc chúng phải rút lui về bên kia biên giới...

Ông Nguyễn Hồng Sơn, giai đoạn chiến đấu ác liệt là Đồn phó Đồn CANDVT Na Lốc nhớ lại: “Ngày 17/2/1979, đối phương sử dụng tới 3 quân đoàn tiến đánh Lào Cai. Do đã biết trước được ý đồ của địch nên ta đã phát hiện từ sớm và tổ chức chiến đấu kiên cường, đạt hiệu suất cao. Điển hình như các Đồn CANDVT Pha Long, Mường Khương, Na Lốc, Bát Xát, Nậm Chảy và các Đại đội cơ động C1, C3”.

Tuy quân số, vũ khí của địch gấp nhiều lần, nhưng CB, CS Đồn CANDVT Na Lốc đã dũng cảm chiến đấu giáp mặt với quân thù, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Theo đúng phương án đã thục luyện, trước chiến thuật “biển người” của đối phương, đơn vị đã kịp thời bung lực lượng ra chiếm các điểm cao khác, chiến đấu với địch bằng các hình thức, chiến thuật linh hoạt.

Còn biên cương, còn Tổ quốc

Nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu được xây dựng khang trang, to đẹp, thiết kế bài bản, cảnh quan bố trí hài hòa. Trên tấm bia ghi rõ tên tuổi, quê quán 13 liệt sĩ của đơn vị đã ngã xuống vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới. Trong đó, danh tính của Thượng úy, Đồn trưởng Nhạc Văn Công (sinh năm 1944, quê ở xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) và Thượng úy, Chính trị viên Nguyễn Thái Chu (sinh năm 1948, quê ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được đặt ở hai hàng trên cùng. Qua lời kể của đồng đội đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Đồn CANDVT Na Lốc, Đồn trưởng Nhạc Văn Công và Chính trị viên Nguyễn Thái Chu đã để lại những hình ảnh rất ấn tượng về người chỉ huy mưu trí, tinh thần chiến đấu quả cảm, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Đồn Biên phòng Bản Lầu phối hợp với dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Quân số ít, vũ khí hạn chế, nhưng khi chiến tranh xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Na Lốc đã nêu cao ý chí, ngoan cường, dũng cảm, vận dụng sáng tạo các cách đánh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Được sự hỗ trợ, phối hợp tác chiến của Trung đoàn 16 cơ động (Bộ Tư lệnh CANDVT) và quân, dân huyện Mường Khương, Đồn CANDVT Na Lốc đã anh dũng chiến đấu, giữ vững chủ quyền lãnh thổ biên giới. Với khẩu hiệu “Còn biên cương, còn Tổ quốc” và lòng dũng cảm, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, trong trận chiến đấu không cân sức kéo dài suốt 30 ngày đêm, đơn vị đã đánh bại hàng chục trận tấn công của đối phương. Nhiều trận đánh trên các cao điểm 649, 391, 392, 393 diễn ra rất quyết liệt, một mất, một còn. “Vừa đánh quần lộn, ta vừa cơ động tác chiến sau lưng địch. Cũng có lúc ta vừa chiến đấu với địch, vừa triển khai công tác bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân” - Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại.

Trong tiếng súng, pháo nổ giữa hai chiến tuyến, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, hai người chỉ huy cao nhất đơn vị vừa luôn sát cánh, có mặt mọi nơi để động viên cán bộ, chiến sĩ. Hình ảnh đó đã tiếp thêm sức mạnh, lòng dũng cảm cho toàn đơn vị để chiến đấu giành thắng lợi một cách vẻ vang. Với tinh thần “một tấc không đi, một li không dời", Thượng úy, Đồn trưởng Nhạc Văn Công và Thượng úy, Chính trị viên Nguyễn Thái Chu đã anh dũng hy sinh ngay trên chiến hào. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Đồn CANDVT Na Lốc đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Hai liệt sĩ là Thượng úy, Đồn trưởng Nhạc Văn Công và Thượng úy, Chính trị viên Nguyễn Thái Chu được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

“Chiến công và sự hy sinh ở tuổi thanh xuân đó của các đồng chí sẽ mãi lưu truyền vào trang sổ vàng truyền thống của đơn vị và tình yêu thương, quý trọng của nhân dân địa phương hai xã Bản Lầu, Lùng Vai” - Trung tá Nguyễn Đình Quang xúc động nói.

Bài 48: Máu đào nhuộm thắm biên cương

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-47-post471544.html