Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 17)

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, một số đồn, trạm và điểm chốt của Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) An Giang như: Tịnh Biên, Vạc Lài, Mương Hội Đồng, Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai bị địch tập trung binh lực, hỏa lực mạnh, đánh phá mang tính hủy diệt. Ý đồ của chúng là dùng hỏa lực mạnh kiềm chế rồi sử dụng bộ binh thọc sâu vào biên giới nước ta với âm mưu 'nhổ' hết các đồn, trạm CANDVT, chiếm đất làm bàn đạp đánh sâu vào nội địa.

Bài 17: Bảo vệ biên giới nơi cửa ngõ Sông Tiền

Nhưng những ý đồ của chúng đều bị thất bại bởi sự phản công quyết liệt, sự chiến đấu ngoan cường, quật khởi của quân và dân An Giang. Điển hình là Đồn CANDVT Vĩnh Xương (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương).

Anh dũng trong chiến đấu

Án ngữ ngay cửa ngõ Sông Tiền, năm 1976, ngay từ khi mới thành lập, Đồn CANDVT Vĩnh Xương đã được xác định là vị trí chiến lược, là “cửa ngõ” rất quan trọng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Chính vì vậy nên trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Đồn CANDVT Vĩnh Xương luôn là một trong những mục tiêu đánh phá của bọn Pol Pot. Ỷ thế quân đông, vũ khí nhiều, từ giữa năm 1977 đến cuối năm 1978, chúng đã tổ chức hàng chục cuộc tấn công hòng “nhổ” cho bằng được Đồn CANDVT Vĩnh Xương để làm bàn đạp đánh tiếp vào các khu vực lân cận và sang cả vùng Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Nhưng âm mưu của chúng đã hoàn toàn bị thất bại bởi sự những tấm gương chiến đấu ngoan cường, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn CANDVT Vĩnh Xương.

CANDVT An Giang làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đánh trả quân Pol Pot. Ảnh: Tư liệu

Là người có mặt từ khi mới thành lập Đồn CANDVT Vĩnh Xương, cựu chiến binh Đinh Văn Dữ nhớ lại, đêm 30/4/1977, quân Pol Pot đồng loạt tấn công 14 xã trên toàn tuyến biên giới An Giang. Chúng huy động một tiểu đoàn đánh vào Trạm CANDVT Ðồng Ðức (đóng tại ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú ngày nay) và chốt Chùa Thầy Bảy thuộc Đồn CANDVT Vĩnh Xương. Khoảng 0 giờ 5 phút, ngày 1/5, chúng chia làm 3 mũi (mỗi mũi khoảng 10-25 tên), dùng súng B40, B41, M72, M79, lựu đạn đánh vào các trạm, chốt CANDVT.

Tuy quân số ít, vũ khí bạn chế, nhưng do đã chuẩn bị từ trước nên CB, CS ta vẫn bình tĩnh đánh trả chúng. Sau đòn phủ đầu, địch lại tiếp tục bò lên. Ta để cho địch vào gần, bất ngờ tung lựu đạn và đồng loạt nổ súng, bọn chúng bị thương vong nhiều, vội lùi lại. Chớp thời cơ, CB, CS ta tập trung hỏa lực đánh mạnh hướng chính diện, đẩy lùi các hướng tấn công của địch.

Thấy không thể chiếm được trạm, chốt, chúng buộc phải rút về. Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt và bắn bị thương nhiều tên, có 5 tên bỏ xác tại chỗ. Trận này, Hạ sĩ Đặng Ngọc Bửu, 22 tuổi hy sinh và có 1 chiến sĩ bị thương. Với thành tích đạt được, Trạm CANDVT Đồng Đức được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Liên tiếp những tháng sau đó, bọn Pol Pot cũng đã tổ chức hàng chục trận xâm chiếm biên giới nước ta, đánh phá địa bàn, tấn công vào trạm, chốt và Đồn CANDVT Vĩnh Xương, nhưng đều bị thất bại. Ngày 2/3/1978, Pol Pot huy động một lữ đoàn quân chủ lực tấn công vào 7 xã biên giới huyện Phú Châu, trong đó có Vĩnh Xương. Đồn CANDVT Vĩnh Xương đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức bám trụ, đánh trả quyết liệt không cho địch tiếp tục lấn sâu vào nội địa.

Trong giai đoạn này, địch cũng cho quân ồ ạt liên tục đánh vào chốt Chùa Thầy Bảy. Điển hình như ngày 7/4/1978, một lữ đoàn Pol Pot có pháo 105 ly yểm trợ từ xa tấn công chốt Chùa Thầy Bảy và khu vực Trạm CANDVT Đồng Đức (ấp 5 và ấp 1, xã Vĩnh Xương). Tuy quân số ít, nhưng CB, CS Đồn CANDVT Vĩnh Xương đã kiên cường chiến đấu chống trả lại chúng. Đợt này, đơn vị thắng lớn, diệt 50 tên, thu 1 khẩu súng AR15.

Lập nhiều chiến công oai hùng

Bị đánh mạnh, tổn thất nặng nề, nhiều lần buộc phải rút lui, nhưng bon Pol Pot vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lấn biên giới An Giang. Đầu tháng 4/1978, chúng dùng 2 lữ đoàn chủ lực và 3 tiểu đoàn địa phương đánh vào các xã: Khánh An, Khánh Bình, Phú Hữu, Vĩnh Xương, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hòa và một phần xã Tân An thuộc huyện Phú Châu (thị xã Tân Châu ngày nay). Nhưng ý đồ nham hiểm của chúng đều bị thất bại trước tinh thần, sự chiến đấu dũng cảm của Đồn CANDVT Vĩnh Xương cùng với quân và dân biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Tiếp đó, ngày 3/7/1978, bọn Pol Pot dùng một lữ đoàn đặc nhiệm có pháo binh yểm trợ, đánh úp vào Đồn CANDVT Vĩnh Xương. Do dự đoán trước tình hình và sẵn có phương án nên đơn vị đã đánh địch kịp thời. Suốt từ 4 giờ đến 7 giờ sáng, ta chặn đứng các đợt xung phong của Pol Pot, diệt nhiều tên địch. Tuy thua đau, nhưng kẻ thù vẫn không từ bỏ dã tâm, chúng liên tiếp tổ chức hết trận đánh này sang trận đánh khác.

Chiến sự giằng co ác liệt giữa các lực lượng CANDVT, Công an huyện, bộ đội địa phương, dân quân du kích với địch, kéo dài 8 ngày đêm. Ðến khi Sư đoàn 330 chủ lực Quân khu 9 đến tăng viện, ta tổ chức phản công, địch bị tổn thất nặng nề, mới chịu rút chạy. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, năm 1978, Đồn CANDVT Vĩnh Xương được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Trên tấm bia khắc tên 130 liệt sĩ CANDVT tại Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang cũng như ở bảng vàng ghi danh 19 liệt sĩ Đồn CANDVT Vĩnh Xương, tên của liệt sĩ Hoàng Kim Long luôn được đứng đầu tiên. Anh là người duy nhất của CANDVT An Giang được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 20/12/1979). Hoàng Kim Long sinh ngày 19/5/1959, quê xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Được tuyển vào lực lượng CANDVT tháng 5/1977 thì đến tháng 7/1977, anh được điều về Đồn CANDVT Vĩnh Xương.

Là xạ thủ hỏa lực ÐKZ 82, anh mày mò nghiên cứu tìm cách bắn ÐKZ không cần chân để ứng dụng linh hoạt ở mọi địa hình, mọi điều kiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, sáng kiến của anh đã thành công. Độ chính xác lớn, đỡ tốn đạn mà hiệu suất diệt địch cao. Vừa có kỹ thuật giỏi, vừa có lòng dũng cảm, kiên cường, cộng với lối đánh táo bạo, linh hoạt, anh làm cho kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Từ khi về đồn (tháng 7/1977) đến tháng 4/1978, Hoàng Kim Long đã chiến đấu 35 trận, một mình diệt 9 hỏa điểm địch (5 đại liên, 3 khẩu 12 ly 7 và 1 ÐKZ), góp phần cùng đơn vị diệt 50 tên Pol Pot. Chỉ riêng ngày 7/4/1978, Binh nhất, xạ thủ Hoàng Kim Long đã liên tục cơ động, bắn 17 phát đạn súng ÐKZ 82, diệt 4 cụm hỏa lực của địch. Đồng đội cùng thời với anh lúc đó còn nhớ rõ, sau khi vừa bắn xong quả đạn thứ 17, diệt 1 khẩu súng ÐKZ của địch, Hoàng Kim Long bị trúng pháo địch, hy sinh ngay tại trận địa.

Anh dũng trong chiến đấu, lập nhiều thành tích trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đến ngày 31/7/1998, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

Bài 18: Mưu trí, dũng cảm chiến đấu bảo vệ đồn, trạm

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-17-post462469.html