Những tình huống không ngờ

ANTĐ - Thượng tá Đào Trọng Sơn hiện là Trưởng Phòng 4 Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm - Bộ Công an. Hơn 20 năm gắn bó với lực lượng công an, anh đã bắt hàng trăm đối tượng truy nã. Bên cạnh những giờ phút hiểm nguy phải đối mặt với những tên cướp khét tiếng hung hãn như: tướng cướp Nguyễn Khắc Trình, tướng cướp Nguyễn Chí Dũng (Dũng “chim xanh”)… thì trong câu chuyện nghề của anh cũng có tình huống không thể ngờ tới, thậm chí là hy hữu chỉ có ở những người bắt truy nã…

Thượng tá Đào trọng Sơn cùng đồng đội áp giải đối tượng có lệnh truy nã (giữa) về quy án

Bị truy nã vẫn vào đại học và làm trưởng phòng

Đây là vụ án mà Thượng tá Đào Trọng Sơn nhớ nhất. Bởi khi kết thúc vụ án cũng là lúc anh nhận được bức thư cảm ơn và động viên của một người mẹ bị mất con. Bức thư có đoạn viết: “Suốt 19 năm trời tôi mang nỗi đau mất con, còn kẻ sát hại con tôi thì bặt vô âm tín. Nay tôi được biết để điều tra làm rõ và truy bắt được hung thủ, các anh đã không ngại khó khăn, cương quyết đưa những kẻ phạm tội ra trước ánh sáng công lý cho dù hắn đã nhiều lần thay hình đổi dạng…”.

Vụ việc xảy ra từ năm 1987, xuất phát từ những mâu thuẫn trong việc tình ái, Hoàng Thế Đức và Nguyễn Ngọc Dương (đều ở Hoàn Kiếm - Hà Nội) đã xảy ra va chạm. Hoàng Thế Đức sau đó vì kháng cự đã dùng dao đâm chết Nguyễn Ngọc Dương rồi lên tàu bỏ trốn vào Nam… 19 năm sau, Thượng tá Đào Trọng Sơn khi đó đang công tác tại Văn phòng CSĐT Bộ Công an ở phía Nam bất ngờ nhận được thông tin về đối tượng giết người bị truy nã năm xưa. Tuy nhiên, người bị tình nghi là Hoàng Thế Đức lại có tên gọi Đào Xuân Thám và hiện là Trưởng phòng thiết kế của Công ty 625 Bộ Giao thông Vận tải. Do vụ việc đã xảy ra từ khá lâu và người bị cáo buộc lại đang ở một vị trí khác biệt nên Thượng tá Đào Trọng Sơn phải trực tiếp ra Hà Nội lật giở lại từng trang hồ sơ của vụ án, lần theo từng dấu vết của Hoàng Thế Đức.

Xác minh lý lịch của Đào Xuân Thám, Thượng tá Đào Trọng Sơn phát hiện người này có quê gốc tại Nghệ An nhưng hiện đang ở tại Vũng Tàu làm nghề thủy thủ tàu chở hàng và đã nghỉ hưu, hiện đang bỏ mối hàng hóa cho thuyền viên đi đánh cá. Như vậy người có tên Đào Xuân Thám, trưởng phòng thiết kế của Công ty 625 rất có thể đã mạo danh lý lịch của Đào Xuân Thám thật.

Bí mật tiến hành lấy dấu vân tay của Đào Xuân Thám và so sánh với dấu vân tay của Hoàng Thế Đức, kết quả cho thấy người có tên Đào Xuân Thám tại Công ty 625 và hung thủ Hoàng Thế Đức chính là một. Lệnh bắt khẩn cấp Hoàng Thế Đức được đưa ra. Tuy nhiên khi đến Công ty 625 để tránh việc Hoàng Thế Đức có thể bị sốc và có những hành động manh động, Thượng tá Đào Trọng Sơn đã nghĩ ra lý do mời Đào Xuân Thám về làm việc vì có liên quan đến một vụ đánh bạc. Tới khi về tới cơ quan điều tra, Thượng tá Đào Trọng Sơn hỏi: Anh có biết lý do vì sao chúng tôi bắt anh không, Hoàng Thế Đức cúi mặt trả lời: Tôi đã biết tội của mình rồi, chỉ xin các anh đừng nói cho con gái tôi biết…

Sau khi gây án và bỏ trốn vào miền Nam, Hoàng Thế Đức tìm đến nhà người anh ruột của mẹ trốn rồi sử dụng giấy tờ khai sinh của người anh họ là Đào Xuân Thám để làm giấy tờ tùy thân. Với giấy tờ mới, Đức đã thi đỗ vào trường Đại học Giao thông Vận tải cơ sở tại phía Nam. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Đức xin về làm việc tại Công ty Tư vấn xây dựng công trình 625 thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 thuộc Bộ GTVT. Năm 2003, Đức được bổ nhiệm làm trưởng phòng Thiết kế. Cũng trong thời gian này, Đức đã kết hôn và làm thủ tục nhập khẩu về xã Phức Hảo, Châu Thành, Trà Vinh. Mặc dù công tác tốt, và đã nhiều lần được Bộ GTVT tặng bằng khen nhưng khi Đảng ủy công ty đề nghị kết nạp Đảng thì Đức lại luôn từ chối. Đức đã tâm sự với Thượng tá Sơn rằng, đã nhiều lần anh ta muốn ra tự thú nhưng lại không thắng nổi chính bản thân mình và chỉ biết chú tâm vào việc học hành và làm việc chăm chỉ.

Kẻ truy nã thích chơi trò ú tim

Hiếm có kẻ bị truy nã nào lại “gan dạ” như Nguyễn Anh Dũng, hay còn gọi là Dũng “xu”, SN 1966, HKTT tại TP Hải Phòng. Mặc dù biết cơ quan công an đang truy lùng mình một cách gắt gao, nhưng Dũng vẫn cả gan chơi trò “mèo vờn chuột” với cơ quan công an. Trước mỗi lần chuyển chỗ ở mới Dũng “xu” đều gọi điện “báo cáo” với cơ quan công an và mời các anh đến… chơi. Dũng “xu” nổi tiếng vì từng nằm trong một ổ nhóm chuyên đánh thuốc mê để cướp tài sản. Cái biệt danh “xu” gắn với Dũng kể từ ngày hắn còn là một tay cờ bạc bịp chuyên chơi trò úp xu trên các chuyến xe khách Bắc Nam. Khi ổ cướp của Dũng bị Công an tỉnh Hà Tây cũ triệt phá, các đối tượng lần lượt sa lưới pháp luật còn Dũng là đối tượng duy nhất trốn thoát và mang lệnh truy nã của cơ quan công an. Xung quanh hành vi phạm tội của Dũng giới giang hồ còn truyền tai nhau chiến tích “vô tiền khoáng hậu” của Dũng. Trong lần Dũng từ Hải Phòng đưa con lên Hà Nội thi đại học, trong lúc con gái đang mải mê làm bài thì ở ngoài Dũng “nhảy” một mạch được 6 chiếc xe máy và mang đi gửi tại các bãi xe để chờ thời cơ mang về Hải Phòng tiêu thụ.

Trong thời gian Dũng “xu” lẩn trốn, rất nhiều lần Văn phòng Cảnh sát điều tra nhận được những cuộc điện thoại “lạ” thông báo về nơi ẩn náu của Dũng “xu”, nhưng qua xác minh đó đều là địa chỉ… ma. Bẵng đi một thời gian, một hôm anh Đào Trọng Sơn lại nhận được một cuộc điện thoại của một người lạ thông báo thông tin về đối tượng truy nã Dũng “xu”. Lần này Thượng tá Sơn đi vào thẳng vấn đề “Có phải anh chính là Nguyễn Anh Dũng? Đề nghị anh ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật”. Đáp lại lời của anh Sơn, đầu dây bên kia là một tràng cười man dại “Đúng, tôi chính là Dũng “xu” đây, các ông có giỏi thì đến bắt tôi đi, tôi đang muốn được đi tù đây”. Nói rồi hắn lại cúp máy. Liên tục trong vòng 2 năm trời, cứ mỗi lần chuyển chỗ ở sang địa điểm mới, Dũng “xu” lại gọi điện đến Văn phòng Cục Điều tra để… thông báo địa chỉ cũ và “tán dóc” với Thượng tá Sơn, thậm chí có lần hắn còn gọi điện đến để… chúc Tết anh em công an.
Hành động khiến các trinh sát hết sức “cay mũi”, các phương án theo dấu kẻ bị truy nã ngông cuồng đều được đặt ra song các tin tức về Dũng “xu” vẫn biệt tăm.

Cho đến một lần, khi Thượng tá Đào Trọng Sơn đang mật phục tại nhà mẹ đẻ của người tình Dũng “xu” thì chứng kiến một màn cãi vã, xô xát nhỏ. Bí mật tiếp cận với người đàn ông tìm đến đây, anh Sơn phát hiện ra một thông tin hết sức quan trọng. Qua mẹ người tình, Dũng “xu” tìm thuê một địa điểm để mở quán cà phê. Tuy nhiên do việc làm ăn buôn bán thua lỗ, hắn đã vác dao đến gặp người cho thuê nhà để… đòi lại tiền đặt cọc. Người này vì quá bức xúc đã đến gặp lại mẹ vợ của Dũng “xu” để đòi tiền. Lần theo địa chỉ được cung cấp, các trinh sát đã phát hiện và bắt giữ được Nguyễn Anh Dũng. Tại đây Dũng phải thừa nhận hắn chính là tác giả của các cuộc điện thoại gọi đến cơ quan công an. Mục đích của Dũng là để trêu tức các cán bộ công an vì hắn tin rằng, công an sẽ không có cách nào tìm ra hắn vì hắn liên tục thay đổi chỗ ở và thường vẫn gọi điện ở các bốt điện thoại công cộng.

Bị phát hiện vì thích chơi “Ai là triệu phú”

Thượng tá Đào Trọng Sơn luôn có một sự nhạy cảm đặc biệt của một người bắt truy nã lâu năm và có nghề. Khi nhận hồ sơ của đối tượng truy nã nào anh đều nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về những đặc điểm nhận dạng cũng như sở thích, tính cách của đối tượng. Chính vì điều này mà có những lần anh đã bắt được đối tượng một cách hết sức tình cờ và hy hữu. Trong một lần xem chương trình “Ai là triệu phú” phát sóng trên kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, bằng trực giác nghề nghiệp, Thượng tá Đào Trọng Sơn để ý tới một người chơi có một nét gì đó rất đặc biệt. Lục lại trong trí nhớ của mình, anh Sơn có linh cảm người chơi này có nhiều nét tương đồng với một đối tượng mang lệnh truy nã mà anh đã từng đọc hồ sơ. Kiểm tra lại, kẻ bị truy nã mà anh nghi ngờ có tên là Lê Thị Hồng, SN 1968 quê quán tại Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1996, Hồng bị Công an TP Hà Nội truy nã về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để khẳng định linh cảm của mình, anh Sơn đã tiếp tục theo dõi lại chương trình “Ai là triệu phú” được phát lại sau đó và đi đến nhận định nhiều khả năng người chơi trong chương trình hôm đó chính là Lê Thị Hồng.

Thượng tá Đào Trọng Sơn đã liên hệ được với Ban tổ chức chương trình “Ai là triệu phú” của Đài Truyền hình Việt Nam để nghiên cứu về hồ sơ của người chơi Lê Thị Cơ. Theo hồ sơ này, Lê Thị Cơ sinh ngày 28-5-1968, địa chỉ thường trú ở Khu 6, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên khi lên truyền hình Cơ lại nói giọng Bắc.

Tiến hành xác minh lý lịch của Cơ tại Đồng Nai, đồng thời đối chiếu với mẫu vân tay thu được của Cơ với mẫu của đối tượng truy nã được lưu giữ tại Công an quận Hoàng Mai đã cho ra kết luận khẳng định Lê Thị Cơ chính là đối tượng Lê Thị Hồng. Tuy nhiên sau khi được xuất hiện trên truyền hình và trúng phần thưởng 10 triệu đồng của chương trình “Ai là triệu phú”, Hồng đã lặng lẽ rời khỏi nơi cư trú. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã xác minh được nơi ở mới của Hồng và bắt được đối tượng tại phường Phước Long A, quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Lê Thị Cơ đã buộc phải thừa nhận mình chính là đối tượng bị truy nã của Công an thành phố Hà Nội 11 năm về trước. Sở dĩ Hồng tham gia chương trình “Ai là triệu phú” trên truyền hình là bởi nghĩ rằng, sau 11 năm bỏ trốn, với những thay đổi về hình dáng sẽ không còn ai nhận ra thị. Tuy nhiên không may mắn cho Hồng, linh cảm nghề nghiệp và sự cảnh giác của Thượng tá Đào Trọng Sơn đã giúp cho anh tóm được một kẻ trốn truy nã lâu năm.

Duy Minh

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/an-ninh-doi-song/nhung-tinh-huong-khong-ngo/460874.antd