Những tiết học giúp nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho trẻ em vùng cao

Những tiết học giáo dục cho học sinh vùng biên giới của các đơn vị BĐBP đã giúp các em nâng cao kiến thức cũng như khả năng tiếp cận về pháp luật…

Những tiết học “đặc biệt” nơi biên giới

Hình ảnh Trung úy Giàng Minh Trung, Đội trưởng đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Lũng Cú (BĐBP tỉnh Hà Giang) đang đứng lớp trong một tiết học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đã trở nên thân thuộc đối với thầy, cô giáo và các em học sinh trong trường.

Một tiết học biên giới do BĐBP Lai Châu tổ chức. (Ảnh: Đức Duẩn)

Lần lên lớp này, Trung úy Giàng Minh Trung đã truyền đạt chủ đề về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm giúp các em học sinh nhận biết được những hệ lụy từ hủ tục này ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội như thế nào.

Để tiết học hiệu quả, ngoài thuyết trình, Trung úy Giàng Minh Trung cùng các cán bộ, chiến sĩ của đồn biên phòng còn thiết kế bài giảng trên phần mềm Powerpoint với nội dung ngắn, gọn giúp các em dễ hiểu.

Đây là một trong những nội dung của “Tiết học vùng biên” được lực lượng BĐBP triển khai trong thời gian qua tại các vùng biên giới, hải đảo.

Một buổi sáng cuối tháng 4/2023, tại cột mốc 1378, khu vực Đài quan sát Tràng Vĩ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, một tiết học đặc biệt do Thiếu tá Nguyễn Văn A (Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP Quảng Ninh) đứng lớp được tổ chức ngay tại cột mốc 1378 cho học sinh Trường Tiểu học Trà Cổ. Tiết học giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam; quá trình phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Trung Quốc; lịch sử hình thành cột mốc 1378 tại khu vực Đài quan sát Tràng Vĩ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái.

Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị BĐBP đã lên lớp được trên 1.000 tiết học cho gần 200.000 lượt học sinh các cấp với nhiều tên gọi khác nhau như: Biên giới với học đường, tiết học biên giới, tiết học vùng biên, tiết học biên cương…, được các đơn vị BĐBP tổ chức theo quý, luân phiên giữa các lớp học và bậc học, mục đích là nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời cung cấp kiến tức để các thầy, cô, học sinh trở thành những tuyên truyền viên tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến và nâng cao kiến thức, khả năng tiếp cận pháp luật của người dân.

Nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho học sinh và người dân biên giới

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ma Lé, cô Hoàng Thị Nhi cho biết, những tiết học do các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lũng Cú đứng lớp có nhiều nội dung rất thiết thực và ý nghĩa đối với các em học sinh vùng cao. Nhờ có những tiết học giáo dục như thế này đã giúp các em nhận biết được những hủ tục lạc hậu cần phải thay đổi nếu không sẽ gây ra hệ lụy cho xã hội.

Như nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vũng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã và đang là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tiến bộ của xã hội. Hơn nữa, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Hay như thông qua nội dung học giới thiệu về cột mốc biên giới, các “thầy giáo quân hàm xanh” đã giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, xác định được trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vì thế, tùy theo từng đối tượng, lớp học mà mỗi tiết học do “thầy giáo quân hàm xanh” đứng lớp lại có một nội dung khác nhau phù hợp với từng độ tuổi của các em học sinh. Đó có thể là những tiết học tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật, đấu tranh và phòng chống các tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy, xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới…

Là khu vực vùng sâu, vùng xa biên giới, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, 1 bộ phận có nhận thức còn hạn chế dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung trên với mục đích chia sẻ kiến thức pháp luật cho các em học sinh, hỗ trợ các em tiếp cận với pháp luật, nâng cao khả năng hiểu biết để từ đó giúp các em tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật, tránh xa các tệ nạn như ma túy, nạn mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép…. Và chính các em là những người có thể tuyên truyền trực tiếp đến gia đình và cộng đồng, từ đó giúp người dân nâng cao nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật.

Trúc Lâm

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-tiet-hoc-giup-nang-cao-kha-nang-tiep-can-phap-luat-cho-tre-em-vung-cao-2218933.html