Những thất bại công nghệ 2011

Nhìn lại năm 2011, cho tới thời điểm này giới công nghệ đã chào đón iPad 2 và Google+ như những thành viên mới đình đám gia nhập cộng đồng sản phẩm và dịch vụ công nghệ. Nhưng bên cạnh đó, nhiều sản phẩm và dịch vụ đã bị người dùng quay lưng hoặc bị chính công ty sở hữu khai tử. Để tồn tại trong thế giới cạnh tranh khốc liệt này, chỉ khác biệt thôi có lẽ là chưa đủ.

WebOS và HP TouchPad

Nổi đình đám nhất trong những cái tên này chắc chắn là WebOS và TouchPad của HP. Tháng 4 năm 2010, HP gây sốc cho giới công nghệ khi tuyên bố mua lại công ty sở hữu hệ điều hành WebOS là Palm với khoản tiền trị giá 1,2 tỷ USD. HP đã PR một cách hoành tráng rằng hãng sẽ dùng hệ điều hành này thống nhất trên các thiết bị tương lai của mình như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay. Nhưng đến tháng 8 năm 2011, HP tuyên bố khai tử dòng sản phẩm sử dụng WebOS và cân nhắc bỏ mảng kinh doanh máy tính cá nhân .

Điều an ủi duy nhất cho WebOS là việc HP giảm giá “khủng” đối với sản phẩm máy tính bảng TouchPad xuống còn 99 USD (~ 2 triệu VNĐ) đã gây ra một cơn sốt đến mức HP phải tung ra thêm 1 đợt sản phẩm nữa trước khi ngừng hẳn.

Cisco Flip Video Camera

Máy quay Flip đã trở thành một sản phẩm của Cisco vào năm 2009 khi công ty mẹ Pure Digital bị sáp nhập. Dưới sự ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong nỗ lực tái cấu trúc và cân bằng tài chính, Cisco đã buộc phải hy sinh bớt mảng kinh doanh tiêu dùng của mình. Sản phẩm máy quay Flip trở thành "vật tế thần" đầu tiên khi mà mảng kinh doanh tiêu dùng của Cisco tụt giảm 15% so với dự kiến trong quý tài chính thứ 2, và doanh số bán ra của sản phẩm Flip chỉ đạt được một nửa kỳ vọng của Cisco.

Các kế hoạch tung ra gói cước không giới hạn

Sprint (Mỹ) hiện giờ là nhà mạng duy nhất cung cấp gói cước 4G không giới hạn cho người dùng. Để làm được việc này Sprint đã phải tăng thêm đầu tư vào công suất của mạng lưới. Các nhà mạng khác như AT&T, T-Mobile, Verizon thì chỉ cam kết cung cấp các gói cước giá trị khác nhau cho dịch vụ vô tuyến của họ (AT&T cũng có cung cấp các gói tương tự cho điện thoại hữu tuyến).

Google Labs, Health, Video

Trước đây hầu hết mọi người đều nghĩ Google là một doanh nghiệp liên tục tung các sản phẩm ra thị trường. Quan điểm đó đã trở nên lỗi thời sau khi Larry Page trở thành CEO. Trong nỗ lực tinh giản và tập trung nguồn lực, ông này đã đóng cửa Google Labs, một sản phẩm rất thú vị của Google chuyên cung cấp các công cụ cho người dùng để kiểm tra sản phẩm phần mềm. Các sản phẩm nổi tiếng như Google Reader và Google Maps đều đã được thử nghiệm ở Google Labs.

Google cũng chấm dứt hoạt động của Google Health cũng như Google Video. Khi Google mua lại YouTube vào năm 2006 với giá 1,65 tỷ USD, việc Google Video bị đóng cửa không hề làm cho mọi người ngạc nhiên. Họ đều hiểu việc dịch vụ chia sẻ video của riêng Google (ra mắt năm 2005) bị xóa sổ sẽ chỉ là vấn đề thời gian mặc dù trước đó Google đã từng tuyên bố rất mạnh miệng rằng công nghệ của Google Video còn tốt hơn cả YouTube.

Điện thoại T-Mobile Sidekick đời đầu

Hồi tháng 2, T-Mobile đã tuyên bố sẽ ngừng cung cấp dịch vụ Danger Service (một nhánh của Microsoft) cho người dùng điện thoại thông minh T-Mobile Sidekick vào tháng 5/2011. T-Mobile bắt đầu bán ra những chiếc Sidekick đình đám với 2 màu đen và trắng từ năm 2002. Đây là một trong những mẫu máy điện thoại thông minh đầu tiên hoạt động trên nền điện toán đám mây.

Sau đó thì Sidekick hầu như không có cải tiến mới ngoại trừ việc là gánh nặng cho duy trì hệ thống. Một vụ việc khá nghiêm trọng đã xảy ra vào mùa thu năm 2009 và đe dọa làm mất dữ liệu của rất nhiều khách hàng. Mặc dù vậy, tháng 3 năm nay, T-Mobile đã giới thiệu dòng Sidekick 4G để thay thế dòng sản phẩm cũ. Chiếc điện thoại di động 4G này sẽ sử dụng công nghệ HSPDA+ trong hệ thống mạng của T-Mobile. Máy được trang bị bàn phím trượt QWERTY đầy đủ và cài đặt hệ điều hành Android.

Công cụ tiêu diệt DroidDream

Tháng 3 vừa rồi, trước sự phản đối dữ dội của cộng đồng người dùng, Google đã tuyên bố sẽ mạnh tay xử lý phần mềm độc hại DroidDream và hỗ trợ giải quyết cho những người dùng nào đã bị lây nhiễm do tải về phần mềm này. Hiện giờ Google đã phát hiện hơn 50 ứng dụng đã bị lây nhiễm DroidDream và chúng vẫn nằm ở Android Market. Nhưng cho tới giờ, tất cả những gì người dùng có được chỉ là tuyên bố của Google về việc đã “thêm vào rất nhiều công cụ ngăn chặn phần mềm độc hại phát tán theo cách tương tự trên Android Market".

Microsoft Zune

Sau 5 năm sống lay lắt với thị phần dao động ở mức 1% năm 2010, Microsoft đã buộc phải khai tử máy nghe nhạc Zune vốn được kỳ vọng là “sát thủ iPod” . Mặc dù phần cứng của Zune nhận được một số đánh giá tích cực song doanh số của nó quá èo uột. Phần mềm quản lý Zune chạy đồng bộ trên các thiết bị khác của Microsoft như Windows Phone, Xbox và một số sản phẩm khác. Chiếc máy nghe nhạc này được Microsoft giới thiệu ra công chúng lần đầu vào năm 2006, kể từ đó đến nay nó luôn nằm trong "Top" các sản phẩm gây thất vọng.

Trình duyệt web Flock

Trình duyệt web này là một sự kết hợp khéo léo giữa việc lướt các trang web thông thường và các trang mạng xã hội. Nó đã từng thu hút được một khoản đầu tư mạo hiểm lên tới 30 triệu USD. Song sản phẩm này không thể tự mình sống được và chủ sở hữu nó đã bán lại cho một công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến (chủ yếu chơi trên mạng xã hội) là Zynga để rồi đến tháng 4 nó cũng bị chủ mới đóng cửa.

(Xem tiếp trang 2)

Nguồn PC World: http://pcworld.com.vn/articles/chuyen-muc/thi-truong/2011/11/1228889/nhung-that-bai-cong-nghe-2011/