Những 'sứ giả' của văn học dân gian

Kho tàng văn học dân gian các dân tộc ở Sơn La vô cùng phong phú, đa dạng, nhiều tác phẩm đã được đưa vào chương trình giáo dục văn học phổ thông. Các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh dành nhiều tâm huyết với văn hóa truyền thống, dày công nghiên cứu, dịch thuật, bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian.

Hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh nghiên cứu văn học dân gian dân tộc.

Có hơn 60 năm nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, văn học dân gian dân tộc Thái, ông Lò Văn Lả, tổ 7, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La được ví như “thư viện sống” hay “từ điển bách khoa” về văn hóa Thái. Ngoài 80 tuổi, ông Lả dành hơn nửa cuộc đời nghiên cứu và cho ra đời bộ sưu tập đồ sộ với 27 tuyển tập, trên 3.000 bài viết bằng chữ Thái, chữ phiên âm, phiên dịch tiếng phổ thông về câu chuyện bản mường, nghi lễ dân gian, văn học dân tộc Thái, ca dao, tục ngữ Thái... Trong đó, nhiều tập sách đã được xuất bản, như: Xây dựng bản mường (3 tập); thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích dân tộc Thái (6.000 trang); Bài ca xên Mường La (2 tập)... Với những đóng góp cho nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Thái, năm 2015, ông Lò Văn Lả vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và Nghệ nhân nhân dân năm 2022.

Ông Lả chia sẻ: Điều tôi tâm huyết nhất khi nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc là mong muốn để lại cho con cháu những giá trị tốt đẹp của truyền thống mà cha ông để lại bằng văn bản, bằng chữ viết thay vì truyền miệng như trước đây. Đó là cách tốt nhất để thế hệ mai sau có thể dễ dàng tìm lại, tiếp cận và hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thêm yêu quê hương, nguồn cội của mình.

Cũng với niềm đam mê và tâm huyết còn có các ông: Đinh Văn Cung, phường Tô Hiệu, Thành phố, với những tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường đã được xuất bản và đạt giải tại các cuộc thi sáng tác văn học của tỉnh và quốc gia, như: Khồng váil lól (Gọi vía lúa), Mo ma mól (Mo tiễn vong hồn người Mường), Kéol khi - Kéol khenh (Làm vía cho người già)... Ông Cà Văn Chung ở Chiềng Ngần, Thành phố, với những tác phẩm sưu tầm, dịch thuật: Nàng Cống Căm Đanh (200 trang); Xông ca - Xi cáy (190 trang); Ý Nọi Nàn Xưa và Út Ỏ (250 trang); biên soạn các tác phẩm về lịch Thái cổ và tri thức dân gian của dân tộc Thái ở Sơn La. Hay ông Lò Bình Minh, phường Quyết Tâm, Thành phố, với những tác phẩm chính nghiên cứu về lý luận phê bình văn học dân tộc, như: Hình ảnh Bác Hồ trong thơ của các tác giả dân tộc thiểu số Sơn La; Chuyên khảo “Tìm hiểu đặc điểm thi pháp tục ngữ Thái vùng Tây Bắc”; Chuyên khảo truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) của người Thái Tây Bắc nhìn từ góc độ thi pháp...

Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh có 17 hội viên, hầu hết ở độ tuổi đã cao, từ trên 60 đến 90 tuổi. Ông Đinh Văn Liển, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh, cho biết: Chi hội là nơi tập hợp các hội viên có cùng niềm đam mê, tâm huyết với nghiên cứu văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn học dân gian dân tộc. Thông qua hoạt động hội, các hội viên được giao lưu, học hỏi, tạo điều kiện và động lực để tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác theo chủ đề, chủ điểm, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Những hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian xứng đáng là những “sứ giả” của văn học dân gian. Nhiều người đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn âm thầm, cần mẫn nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian. Mỗi tác phẩm ra đời là tâm huyết và niềm hy vọng góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống ngàn đời của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/nhung-su-gia-cua-van-hoc-dan-gian-Bu8JrDkSg.html