Những sai lầm của cha mẹ khi con sốt cao

Khi trẻ sốt cao hầu hết cha mẹ nào cũng lo lắng và vội cho con uống thuốc, cộng thêm thói quen tự chữa bệnh của nhiều người khi chưa hiểu rõ về bệnh còn có thể gây hại cho trẻ. Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cha mẹ cần bình tĩnh để “không làm việc thừa thãi, vô bổ” vì nhiều khi “sốt là phản ứng tốt của cơ thể để tiêu diệt virus và không chữa sốt đó”.

Sốt cao không phải bệnh

Tâm lý chung ở những ông bố bà mẹ là rất lo lắng, sốt ruột khi con yêu mắc bệnh, Chị Nguyễn Thanh Hoa (29 tuổi, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Chăm con nhỏ mới thấy, những biểu hiện bất thường về sức khỏe của con cũng làm tôi lo sốt vó. Nhất là những lúc con ốm, sốt cao xình xịch vào ban đêm, tôi vừa muốn cho con uống thuốc ngay nhưng lại sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của con vì có thể uống thuốc không đúng bệnh. Thấy người ta bảo trẻ sốt cao thì dễ bị co giật, tôi lo lắm”.

Bác sĩ, PGS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, bố mẹ cần bình tĩnh và không nên lo lắng thái quá những lúc thấy trẻ sốt cao. Ông khẳng định: “Sốt cao là triệu chứng chứ không phải bệnh. Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể khi gặp bất kỳ tác nhân gây bệnh nào xâm nhập. Như thế, ta phải hiểu sốt là phản ứng tốt của cơ thể khi không may bị các bệnh nhiễm trùng để loại virus, vi trùng, giúp ta khỏi bệnh”.

Do đó, bác sĩ Dũng khuyên rằng, nếu trẻ sốt nhưng không tỏ ra mệt mỏi, chán ăn, bứt rứt khó chịu... vẫn sinh hoạt bình thường thì không chữa sốt đó mà để tự nhiên. Những em bé bị sốt nhẹ thì phần lớn bệnh nhiễm trùng nhanh khỏi.

Đo nhiệt kế ở nách để biết nhiệt độ chuẩn của cơ thể

Nhưng cũng có trường hợp trẻ sốt cao, từ 38,5 độ trở lên và tỏ ra khó chịu, quấy khóc, bứt bứt, khô miệng, bỏ ăn thì gia đình nên cho trẻ đi khám và uống thuốc theo chỉ định. Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao có thể gây co giật - hiện tượng gần như chỉ xuất hiện ở trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi (nhiều nhất ở trẻ 6 đến 36 tháng tuổi), gia đình cũng không nên quá lo lắng.

Xử trí khi trẻ sốt cao co giật

Khi lên cơn co giật, trẻ bất tỉnh, mặt mũi tím tái, sùi bọt mép, chảy đờm dãi, nghiến chặt răng... thường khiến cha mẹ cuống quýt, lo ngại những ảnh hưởng không tốt xảy đến với con mình. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, phụ huynh nên giữ bình tĩnh vì đa số co giật chỉ do sốt cao là co giật lành tính, không để lại hậu quả gì nghiêm trọng. “Co giật đó diễn ra khoảng 5 đến vài chục giây rồi hết, em bé sẽ khỏi và tỉnh táo” - bác sĩ Dũng nói.

Khi trẻ bị co giật do sốt cao ở nhà, cha mẹ có thể đặt em bé nằm nghiêng, hoặc bế em bé nghiêng sang một bên và giữ yên tư thế đó một lúc để đờm dãi chảy ra ngoài, tránh sặc cho bé. Bên cạnh đó, cha mẹ lưu ý luôn để thẳng cổ để bé thở tốt, tuyệt đối không day, vuốt lồng ngực hoặc lay cơ thể trẻ, những động tác đó sẽ hại thêm. Cha mẹ cũng không được quên nới lỏng quần áo và đưa trẻ đến nơi thoáng khí để trẻ thở. Theo bác sĩ Dũng: “Thường thì để yên một lúc rồi hiện tượng co giật sẽ hết”.

PGS Nguyễn Tiến Dũng cũng chỉ ra những sai lầm hiện có khi chăm sóc trẻ bị co giật do sốt cao. Bác sĩ thừa nhận: “Rất nhiều trẻ nghiến răng khi cho giật, trước kia chúng tôi có nói là phải nhanh chóng chèn một cái gì đó giữa 2 hàm răng vì sợ trẻ cắn vào lưỡi. Nhưng kinh nghiệm trong nhiều năm cấp cứu, nếu trong lúc các bé đang nhay nghiến 2 hàm răng thì đừng cố cho tay hoặc bất kỳ vật dụng gì vào. Cha mẹ cứ bình tĩnh, hết cơn co giật thì cằm trẻ sẽ mềm ra, lúc đó hãy cho khăn tay mềm chèn vào giữa 2 hàm răng để đề phòng cơn giật sau”.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, tuyệt đối không cho ngón tay của mình vào giữa lúc trẻ đang nhay cắn vì mình có thể bị cắn nát tay mà lại “không có ý nghĩa gì trong cấp cứu”. Bác sĩ khẳng định lúc trẻ đang trong cơn co giật thì làm gì cũng không được. Sau khi đã qua cơn co giật, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện.

“Không việc vì phải làm xét nghiệm điện não đồ cho bệnh nhi cho giật do sốt cao” - PSG Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh. Ông chỉ rõ, trước kia người nhà bệnh nhi và các bác sĩ sợ co giật gây hại não cho trẻ nên làm nhiều xét nghiệm như điện não đồ để khám, theo dõi. Nhưng đến giờ phút này khẳng định, những cháu co giật do sốt cao sau khi theo dõi lâu dài hầu như không ảnh hưởng đến não, sức khỏe. Do vậy các bác sĩ nhi khoa và các bác sĩ thần kinh trên thế giới hiện nay khuyến cáo không cho các cháu làm xét nghiệm đó nữa.

“Bây giờ chúng ta có máy điện não đồ thì cứ ghi, sau đó chỉ làm cho các bà mẹ lo sợ thêm. Không cần ghi điện não đồ ngay sau cơn giật, khiến bố mẹ thêm loạn bế bé từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, uống thuốc này đến thuốc khác thì chỉ có làm hại thêm. Theo dõi lâm sàng các cháu không có biểu hiện khác thường thì tốt nhất không nên làm gì” - PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Không có thuốc phòng co giật

Ảnh minh họa

Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc được quảng cáo là phòng chống được co giật, sốt cao đánh trúng tâm lý các bậc phụ huynh như Depakine, Gardenal, Phenobarbital... Theo thông tin quảng cáo, thuốc chống co giật sẽ kiểm soát và hạn chế các cơn co giật ở trẻ. Tuy nhiên, PGS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định ngược lại: “Đến giờ phút này không có thuốc nào phòng được co giật, sốt cao.”

Theo bác sĩ Dũng, thông thường 38,5 độ được coi là sốt cao, lúc đó mới nên cho người bệnh uống thuốc hạ sốt. Có những bệnh nhi ở ngưỡng nhiệt độ này đã bị co giật thì một số người suy luận đừng đợi đến 38 độ rưỡi mới cho uống thuốc, sốt 38 độ là phải uống rồi. “Thế giới làm nhiều nghiên cứu rồi, không có ý nghĩa gì về mặt chữa bệnh nên bây giờ mình đừng làm lại. Thậm chí có những người cho Depakine để lần sau không bị giật. Thế giới cũ người ta làm rồi, không có tác dụng gì chỉ hại thêm” - bác sĩ giải thích.

Một số lưu ý khác khi trẻ sốt cao

Trường hợp sốt làm bé mệt, khó chịu, quầy khóc thì gia đình cần cho bé uống thuốc. Thuốc hạ sốt được khuyến cáo dùng cho người châu Á là Paracetamol. Hiện nay có nhiều người thành thị ưa dùng Ibuprofen (được châu Âu khuyến cáo dùng) vì thuốc này hạ sốt nhanh, hiệu quả kéo dài hơn. Nhưng về mặt thực tiễn, hiệu quả hạ sốt không tốt hơn Paracetamol mà còn có hại.

Bác sĩ Dũng lý giải rằng, Paracetamol và Ibuprofen có hiệu quả hạ sốt tương đương nhau. Ở châu Á nên dùng Paracetamol trước vì những nước trong khu vực này vẫn có dịch sốt xuất huyết hoành hành, còn các nước châu Âu thì không. Bác sĩ nói thêm: “Trong những ngày đầu không thể xác định được đó là sốt thường hay sốt xuất huyết thì tốt nhất nên cho bé dùng thuốc hạ sốt là Paracetamol. Nếu trẻ bị sốt xuất huyết mà lại cho dùng Ibuprofen thì có thể làm bệnh sốt xuất huyết nặng thêm.”

Một số phụ huynh “rỉ tai” nhau dùng đan xen hai thuốc Paracetamol và Ibuprofen sẽ khiến cơn sốt ở trẻ nhanh bị đẩy lùi. Về mặt lý thuyết là có thể. Nhưng trên thực tế, không được dùng xen kẽ hai loại thuốc này vì có liều lượng, thời gian dùng khác nhau. Khi thực hiện, nhiều cha mẹ không nhớ được và nhầm lẫn chúng với nhau, dễ gây ngộ độc. Trường hợp không may bị ngộ độc thuốc, bác sĩ cũng không biết được nguyên nhân do thuốc nào gây ra. PGS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Sau khi nghiên cứu phương pháp này thì chính người thực hiện cũng khẳng định không được dùng xen kẽ 2 loại thuốc vì khả năng gây ngộ độc cao”.

Không nên lạm dụng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho bé

Không tự ý và lạm dụng dùng thuốc đặt hậu môn để hạ sốt cho trẻ. Thuốc này chỉ nên dùng trong trường hợp trẻ không uống được thuốc hoặc nôn trớ nhiều và khi đặt nên chú ý liều lượng và không được chia viên thuốc làm nhiều phần. Thực tế, người dân thích dùng thuốc đặt hậu môn vì nghĩ rằng nó không gây nhiều tác dụng phụ như uống thuốc. Nhưng thuốc hạ sốt qua đường uống hoặc đặt hậu môn đều có tác dụng và những phản ứng phụ như nhau vì đều được hấp thu vào máu và có khả năng ảnh hưởng tới dạ dày, gan.

Nhược điểm của thuốc đặt hậu môn là hấp thu thất thường, lúc được lúc không. Thuốc này phải dùng liều cố định, không được chia viên thuốc vì hình dạng thuốc đã được thiết kế phù hợp để tăng diện tích tiếp xúc với niêm mạc, bẻ đi là mất tiếp xúc. Do đó, trẻ dùng thuốc đặt có thể sai liều: thừa hoặc thiếu. Bác sĩ Dũng nói thêm: “Theo nghiên cứu của một số nước châu Âu, khả năng ngộ độc thuốc qua đường đặt cao hơn qua đường uống”.

Cuối cùng, không nên dùng các biện pháp vật lý can thiệp nhằm giảm sốt cho trẻ như: chườm lạnh, dán cao lạnh, bôi dầu... Theo nghiên cứu, tác động vật lý khiến cơn sốt có vẻ hạ nhanh trong vòng một tiếng đầu, nhưng trong một tiếng sau thì hiệu quả tạo ra như nhau. “Nếu trẻ mắc các triệu chứng về hô hấp thì cấm chườm lạnh. Chườm lạnh làm tăng nhu cầu sử dụng oxi của cơ thể, như thế là không tốt cho trẻ hô hấp kém, thêm nữa trẻ dễ nhiễm lạnh, biến chứng viêm phổi” - bác sĩ Dũng cho biết.

Xem thêm:

Điều trị chứng són phân do táo bón ở trẻ em

Chăm sóc trẻ phẫu thuật nạo VA, cắt amidan

Hãy để trẻ được bẩn

Bài 2 - Các biểu hiện viêm VA ở trẻ em

Khi nào thì nên dùng khí dung cho trẻ?

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/nhung-sai-lam-cua-cha-me-khi-con-sot-cao