Những quan điểm cơ bản về tôn giáo

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc. Hầu hết đồng bào ta có tín ngưỡng, trong đó tín đồ các tôn giáo chiếm khoảng 25% dân số cả nước. Đồng bào có đạo thuộc các giai tầng, dân tộc cư trú ở những vùng miền khác nhau, đều có lòng yêu nước và luôn có ý thức phấn đấu cho nước cường, dân thịnh.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó giữa đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đảng và Nhà nước ta còn kêu gọi mọi người hãy xóa bỏ những mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp; không chỉ mong muốn toàn dân hãy tôn trọng, chấp nhận sự khác nhau về nhận thức, tư tưởng, chính kiến... khi sự khác biệt ấy không trái với lợi ích dân tộc, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân; mong muốn đề cao tinh thần dân tộc, phát huy truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, đồng thuận để tập hợp, đoàn kết mọi người trong mặt trận chung. Việc giữ gìn truyền thống đoàn kết, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trên tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau giữa con người và con người vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội để phát triển là nhu cầu khách quan của giai đoạn lịch sử mới. Sự đổi mới nhận thức về tôn giáo của Đảng ta được đánh dấu bằng Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 1990. Từ Đại hội VII đến Đại hội VIII, IX, X và XI vừa qua , những quan điểm mới về tôn giáo đượ̣c bổ sung và hoàn thiện dần. Một điều dễ nhận thấy là, trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa thời kỳ nào mà Đảng, Nhà nước ta lại xây dựng được hệ thống quan điểm chủ trương, chính sách và pháp luật tôn giáo đầy đủ và hoàn thiện như ngày nay. Đầu năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có bà con là tín đồ các tôn giáo theo dõi và gửi gắm niềm tin vào sự kiện chính trị trọng đại nhất của đất nước trong năm 2011, đó là Đại hội lần thứ XI của Đảng. Những văn kiện quan trọng của Đại hội lần này đã phản ánh trí tuệ của toàn dân tộc, đống thời cũng là thành quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và phát triển lý luận sau 20 năm đổi mới đất nước, trong đó có đổi mới tư duy về tôn giáo. Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, vấn đề tôn giáo được đề cập ở các văn kiện. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển 2011), đã khái quát: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”. Báo cáo Chính trị đã nêu cụ thể hơn: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc”. Như vậy, về tôn giáo và công tác tôn giáo, các văn kiện Đại hội XI đã nêu lên một số quan điểm cơ bản sau: Một là, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, được nêu ra và tái khẳng định nhiều lần qua các kỳ Đại hội Đảng. Cho đến nay, trải qua 11 kỳ Đại hội, trong đó có 6 kỳ Đại hội của thời kỳ Đổi mới, thì quan điểm trên không hề có sự thay đổi. Hai là, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Việc “Chủ động phòng ngừa” là vấn đề mới được nêu ở Đại hội lần này. Muốn chủ động phòng ngừa được tốt, trước hết phải quan tâm đến nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân có tín ngưỡng, tôn giáo; phải có những quan điểm mới phù hợp, có hệ thống chính sách đồng bộ và ứng xử đúng đắn với tôn giáo. Ba là, tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo. Những điều cấm kị, răn dạy trong giáo lý các tôn giáo đều mang giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc.Tôn giáo nào cũng mang tính trừ ác hướng thiện, khuyên con người làm lành, tránh dữ; góp phần khẳng định “cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác”. Chính điều đó đã góp phần ngăn chặn, hạn chế những ham muốn, dục vọng ở con người, nhất là khi xã hội có xu hướng tôn sùng vật chất, đam mê đồng tiền thái quá. Cũng cần phải lên án hiện tượng phi nhân tính, phản văn hóa trong hoạt động tôn giáo đang làm vẩn đục bầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của con người như xu hướng cực đoan trong tôn giáo. Bốn là, động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tín đồ và chức sắc các tôn giáo vừa là người có đạo , đồng thời cũng là công dân. Họ có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác và trong họ đều mong muốn được sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa” gắn liền với “yêu nước” để cho “nước vinh, đạo sáng”. Đại hội XI nhấn mạnh việc động viên, khuyến khích, giúp đỡ và tạo điều kiện cho đồng bào có đạo tham gia ngày một sâu rộng vào những hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo... Năm là, quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Những buổi lễ trọng của tín ngưỡng, tôn giáo như: lễ hội Đền Hùng, lễ Nôen, lễ Phật Đản... được các cấp chính quyền hết lòng giúp đỡ đã làm cho những buổi lễ ấy diễn ra an toàn và đem lại niềm hân hoan, phấn khởi cho mọi nhà. Lễ hội của mọi tín ngưỡng, tôn giáo đều trở thành hội lễ chung vui của cả dân tộc. Đảng và Nhà nước ta còn quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo ấy sinh hoạt theo hiến chương , điều lệ của các tổ chức tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Sáu là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước. Để cho những quan điểm chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, mỗi khi Đảng ta đưa ra những quan điểm về tôn giáo thì Nhà nước kịp thời thể chế hóa bằng những văn bản pháp quy. Do biến đổi của thực tiễn, do phát triển của tư duy lý luận mà quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng luôn vận động. Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước như một quy luật của sự phát triển. Vấn đề tôn giáo được nêu trong các văn kiện Đại hội XI đã thể hiện một lộ trình đổi mới tư duy của Đảng trên lĩnh vực tôn giáo. Có những quan điểm được nêu lên từ các kỳ Đại hội trước mà Đại hội XI tái khẳng định; có những quan điểm được phát triển lên, nhưng cũng có những điểm mới được bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. PGS.TS Nguyễn Đức Lữ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=31745&menu=1512&style=1