Những nỗi niềm ẩn chứa phía sau ngòi bút

Trong quá trình tác nghiệp, với mỗi phóng viên báo chí, nguồn thông tin quý giá không chỉ đến từ các sự kiện, những buổi họp báo mà còn đến từ bạn đọc qua tiếp xúc trực tiếp, qua đơn thư, cuộc gọi từ Đường dây nóng. Và, sau mỗi bài báo được đăng tải không chỉ là sự vất vả, nỗ lực của người cầm bút mà còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm!

Những “viên gạch” đầu tiên

Năm 2003, khi tôi được nhận vào Tòa soạn với vị trí phóng viên, Báo An ninh Thủ đô chỉ phát hành 2 kỳ/tuần trên báo in vào buổi chiều. Do đó, so với thời điểm hiện tại, các phóng viên có nhiều thời gian chuẩn bị tài liệu để viết bài. Trong số những tác phẩm báo chí đầu tay của mình, tôi vẫn nhớ hai loạt bài tôi tự phát hiện đề tài, sau đó đi xác minh chuẩn bị tài liệu khá công phu và mất thời gian, đó là bài viết về Các văn phòng luật sư trên địa bàn Hà Nội - “đãi cát tìm vàng” và loạt bài về “Tai nạn giao thông...”.

Phóng viên An ninh Thủ đô hỏi chuyện nhóm sinh viên tình nguyện

Với bài viết về “Các văn phòng luật sư trên địa bàn Hà Nội”, nhờ khoảng thời gian học việc tại văn phòng luật sư, tôi đã tiếp xúc, học hỏi và nắm bắt được khá nhiều thông tin từ các luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Từ những công việc cụ thể hàng ngày của họ, những thuận lợi khó khăn trong quá trình hoạt động đến các văn phòng luật sư có uy tín được dư luận đánh giá cao… Bên cạnh đó, tôi cũng tìm hiểu được không ít thông tin về mặt trái của nghề luật sư, những cá nhân làm nghề vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái pháp luật.

Để có thông tin đầy đủ, nhiều chiều về vấn đề trên, tôi đã đặt lịch phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Tỵ - nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Dù biết tôi là phóng viên trẻ, mới vào nghề, nhưng luật sư Nguyễn Trọng Tỵ vẫn trao đổi thông tin hết sức thẳng thắn, cởi mở và đầy đủ về các nội dung tôi nêu ra tại cuộc phỏng vấn để tôi có thể hoàn thành bài viết đầu tay đầy đặn, có chất lượng. Với tôi, sự tôn trọng người phỏng vấn, thái độ làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm của vị luật sư đứng tuổi đáng kính là kỷ niệm khó quên khi mới vào nghề.

Thời gian sau, tôi được giao triển khai chuyên đề về các ca tai nạn giao thông nghiêm trọng với một trong những điểm đến quan trọng là Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt - Đức. Ngay trong ngày đầu tiên, khi đặt vấn đề tại Phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, tôi đã bị vị bác sĩ là Phó trưởng Phòng “dội gáo nước lạnh” rằng “nếu chị chỉ muốn lấy những con số khô khan thì tôi cho mượn sổ sách, còn nếu chị muốn những thông tin sống động chân thực nhất, tìm hiểu kỹ nguyên nhân, ngọn ngành và đưa ra đánh giá tổng quát về các vụ tai nạn, mời chị xuống Khoa Cấp cứu quan sát, ghi nhận trực tiếp”.

Và đúng như lời vị bác sĩ thẳng thắn chỉ khi đứng tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện, tôi mới có thể thấy hết sự thảm khốc của các vụ tai nạn giao thông. Những thân thể bị tai nạn không còn nguyên vẹn nằm bất động, những tiếng gào khóc thảm thiết từ người thân, những tiếng còi xe cấp cứu, những chiếc cáng nối đuôi nhau cùng bước chân vội vã rầm rập suốt ngày đêm. Ở nơi này hầu như không có phút giây nào yên bình, không có thời gian nghỉ ngơi và con người luôn chấp chới giữa sự sống và cái chết.

Sau gần nửa tháng liên tục có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt - Đức tôi cũng thu thập đủ tư liệu mình cần. Tuy vậy, sau khi loạt bài được đăng tải, những cảnh tượng thương vong do tai nạn giao thông đầy ám ảnh vẫn theo tôi vào giấc ngủ trong một thời gian dài…

Khi phóng viên bị bạn đọc “ra giá”, “lật kèo”

Là một phóng viên mảng Pháp luật - Bạn đọc, không chỉ viết về những vấn đề mới, “nóng”, bức xúc dân sinh, tôi còn tiếp xúc với khá nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, thông tin từ Đường dây nóng. Trong số hàng chục cuộc gọi đến Đường dây nóng hàng ngày, có không ít cuộc gọi mà người bên kia đầu dây “ra giá” với phóng viên ngay sau khi nối máy. Kiểu như “tôi đã làm việc với báo X, giá 3 triệu đồng/bài viết, nếu chị đồng ý tôi sẵn sàng chi bằng số tiền đó cho bài đăng trên An ninh Thủ đô”; hoặc “gia đình tôi và hàng xóm có tranh chấp đất đai, nếu chị viết bài bênh vực tôi, tác động với cơ quan chức năng để tôi làm được “sổ đỏ” phần diện tích đang tranh chấp, tôi trả chị 5% giá trị khu đất”…

Trước tất cả những lời đề nghị sỗ sàng khiếm nhã này, tôi luôn sử dụng một câu trả lời duy nhất: “Xin lỗi, phóng viên An ninh Thủ đô không nhận tiền để viết bài, ông/bà/anh/chị đã gọi nhầm số”. Không chỉ có vậy, có bạn đọc còn trắng trợn mặc cả “báo Y là báo lớn, nhận đăng mỗi bài 5 triệu đồng, báo chị báo địa phương, 2 triệu đồng/bài chắc hợp lý”. Và khi bị từ chối thẳng thừng, họ lập tức buông lời nhục mạ “phóng viên quèn, đã nghèo lại còn sĩ, hay muốn đòi cao” (?!).

Trong quá trình xác minh đơn thư, ngoài những bạn đọc có hoàn cảnh thực sự khó khăn, gặp nhiều bất công cần giúp đỡ, họ cung cấp những thông tin khách quan, đầy đủ về sự việc còn có không ít cá nhân khi viết đơn thiếu trung thực, chỉ đưa ra các lý lẽ có lợi cho mình, thậm chí còn sử dụng cả tài liệu giả để đánh lừa phóng viên. Bởi vậy, nếu như khi viết đơn khiếu nại, tố cáo họ hùng hổ, vội vàng thúc ép đăng bài sớm bao nhiêu, thì sau khi biết tài liệu phóng viên xác minh, thu thập được có thể gây bất lợi cho họ hoặc bài viết đã được đăng tải, họ lập tức trở mặt, đề nghị rút đơn, yêu cầu đính chính, thậm chí còn vu khống, kiện ngược lại phóng viên, tòa soạn… gây mất thời gian, công sức của không ít người...

Nghề báo luôn được cho là một nghề nguy hiểm. Nếu ta không vững vàng và thiếu bản lĩnh chính trị, chắc chắn sẽ rơi vào cạm bẫy của kẻ xấu và bị đồng tiền lôi cuốn để làm trái với đạo đức nghề nghiệp. Với tôi, trên hết là hãy làm báo để nói lên sự thật, vạch trần cái xấu và đảm bảo công bằng lẽ phải trong xã hội.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-noi-niem-an-chua-phia-sau-ngoi-but-post566214.antd