Những nội dung cơ bản và mới trong Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XIII) về 'Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới'

Ngày 16/6/2022, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành 4 Nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là Nghị quyết 18, 19, 20 và Nghị quyết số 21. Báo Ninh Bình xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS, TS. Nguyễn Viết Thông về Những nội dung cơ bản và mới trong Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XIII) về 'Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới' (NQ số 20).

Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) khai mạc ngày 4/5 và bế mạc ngày 10/5

Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) khai mạc ngày 4/5 và bế mạc ngày 10/5

1. Nghị quyết đã đánh giá rõ tình hình và nguyên nhân

a. Về kết quả

Nghị quyết khẳng định: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực. Cụ thể là:

- Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

- Số lượng liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã thành lập mới tăng; phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động.

- Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng được nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân.

- Liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển.

- Khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.

b. Về hạn chế, yếu kém

Nghị quyết chỉ rõ: Khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay vẫn chưa đạt mức phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cụ thể là:

- Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế tập thể còn thấp và có xu hướng giảm dần.

- Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền; giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hoạt động hợp tác xã chưa trở thành phong trào để thu hút xã viên, hội viên.

- Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm; thành viên tham gia vào hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp tác xã.

- Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao. Phần lớn các tổ hợp tác, hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, lợi ích mang lại cho thành viên còn thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã rất yếu; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.

- Số lượng liên hiệp hợp tác xã ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều hợp tác xã chuyển đổi còn mang tính hình thức, chưa thực sự có chuyển biến về chất.

c. Về nguyên nhân của hạn chế, yếu kém

Nghị quyết chỉ rõ: Những hạn chế, yếu kém nêu trên là do:

- Nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ, thiếu thống nhất.

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể.

- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực để tổ chức thực hiện.

- Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều bất cập, không thống nhất, phân tán, chưa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.

- Đội ngũ cán bộ về hợp tác xã còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể.

2. Nghị quyết xác định rõ các quan điểm chỉ đạo

- Quan điểm 1 về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể: Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên hăng say làm việc, lao động tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước.

- Quan điểm 2 về hình thức của kinh tế tập thể: Kinh tế tập thể có nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...), trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không chỉ phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo lao động và theo vốn góp.

- Quan điểm 3 về hoạt động của kinh tế tập thể: Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là chính, bao gồm cả lợi ích của thành viên, của tập thể và lợi ích của xã hội, của Nhà nước; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các cá nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cả người ít vốn và người nhiều vốn, cùng góp vốn, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế hợp tác.

- Quan điểm 4 về định hướng phát triển kinh tế tập thể: Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng về chất lượng; bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn của nền kinh tế; có chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả của kinh tế tập thể phải toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; về hiệu quả của tổ chức và của các thành viên.

- Quan điểm 5 về trách nhiệm của các chủ thể: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã phải phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.

3. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu

- Mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là nền tảng của nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, hộ gia đình, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

- Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã. Bảo đảm trên 80% tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

- Tầm nhìn đến năm 2045: Thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, bảo đảm chất lượng hoạt động ngang tầm phong trào hợp tác xã các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hợp tác xã đều áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Đẩy mạnh phát triển mô hình liên đoàn hợp tác xã, mô hình doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức kinh tế hợp tác. Có ít nhất 3 tổ chức kinh tế hợp tác nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận.

4. Nghị quyết xác định rõ hệ thông nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Một là, nhận thức đúng bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

- Nhận thức rõ phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu và xu thế tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là hình thức liên kết tự nguyện của các cá nhân, pháp nhân nhằm kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

- Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cụ thể như sau:

(1) - Phát triển kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, là phương thức khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(2) - Phát triển kinh tế tập thể ở nước ta không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế, mà còn mục tiêu xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Kinh tế tập thể là cơ sở để đưa "hợp tác" trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

(3) - Kinh tế tập thể ở nước ta phát triển nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, nhu cầu và nguyện vọng của thành viên, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng ngành, lĩnh vực, từng địa bàn khác nhau...

(4) - Tổ chức kinh tế hợp tác là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể, là tổ chức kinh tế của những cá nhân, pháp nhân có nhu cầu, tự nguyện lập ra và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình theo quy định của pháp luật; hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác mà chỉ quản lý thông qua pháp luật và chính sách.

(5) - Hiệu quả của tổ chức kinh tế hợp tác được đánh giá chủ yếu dựa trên số lượng thành viên tham gia và lợi ích tổ chức mang lại cho thành viên, mang lại cho cộng đồng xã hội. Đóng góp về mặt kinh tế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân bao gồm đóng góp của các tổ chức kinh tế hợp tác và đóng góp của các thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác. Đóng góp về mặt xã hội của kinh tế tập thể thể hiện ở số lượng thành viên; số lượng việc làm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong tổ chức...

Hai là, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác

(1) - Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về kinh tế tập thể theo hướng: Hoàn thiện quy định về các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên; quy định về nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong hợp tác xã; bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý về kiểm toán, các quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành; các quy định nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể; có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng công nghệ, tiếp cận kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể phát triển, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

(2) - Sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng coi các tổ chức kinh tế hợp tác là chủ thể phù hợp kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng). Nhà nước có một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế hợp tác đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính bình đẳng trong phát triển với các loại hình kinh tế khác, trong đó tập trung: (1) Chính sách phát triển nguồn nhân lực. (2) Chính sách đất đai. (3) Chính sách tài chính. (4) Chính sách tín dụng. (5) Chính sách khoa học - công nghệ. (6) Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường. (7) Chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. (8) Chính sách bảo hiểm xã hội.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác

(1) - Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể; các quan hệ về tài sản của hợp tác xã, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Tiếp tục cơ cấu lại các hợp tác xã tín dụng, nhất là xử lý một số hợp tác xã tín dụng yếu kém.

(2) - Phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào tham gia kinh tế hợp tác. Khuyến khích mở rộng, đa dạng hóa các loại thành viên.

(3) - Khuyến khích việc tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức kinh tế hợp tác; thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ, thành lập doanh nghiệp tại những tổ chức kinh tế hợp tác có đủ điều kiện...

(4) - Tăng cường mối liên kết giữa tổ chức kinh tế hợp tác với các thành phần kinh tế khác trong đó đặc biệt là liên kết với kinh tế nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước ưu tiên hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả; sớm khắc phục tình trạng cắt rời kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tập thể

(1) - Tăng cường quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể trong phạm vi cả nước trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương để huy động các nguồn lực và triển khai trực tiếp các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể.

(2) - Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chính quy về kinh tế tập thể, có tư tưởng chính trị vững vàng.

(3) - Tăng cường tính minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

(4) - Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

(5) - Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Năm là, đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế tập thể

(1) - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần nắm chắc chủ trương và các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể để phối hợp tổ chức vận động và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

(2) - Đối với các tổ chức kinh tế hợp tác có số lượng thành viên lớn, có các tổ chức đoàn thể trong tổ chức kinh tế hợp tác, cần xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, sát cánh cùng hội đồng quản trị, ban giám đốc xây dựng tổ chức phát triển vững mạnh.

(3) - Tăng cường hoạt động của hệ thống liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện. Liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế hợp tác, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PGS,TS. Nguyễn Viết Thông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-noi-dung-co-ban-va-moi-trong-nghi-quyet-t-u-5-khoa/d20220720153948335.htm