Nhùng nhằng chuyện tự chủ tuyển sinh

Dự thảo quy định cho các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tự chủ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó việc xác định chuẩn đầu vào quốc gia và phân tầng giáo dục ĐH nhằm bảo đảm công bằng trong tuyển sinh được dư luận đặc biệt quan tâm.

Các thí sinh chuẩn bị làm bài tại Hội đồng thi Trường đại học Công Đoàn. Ảnh: ĐỨC ANH

Khó xác định chuẩn quốc gia đầu vào

Theo dự thảo, từ năm 2014, sẽ thực hiện giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Trong đó, các trường phải có đề án khẳng định được năng lực tự chủ tuyển sinh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch... Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, thực hiện công tác đổi mới, và theo tinh thần Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD và ĐT sẽ lấy công tác thi cử là khâu đột phá, từ năm 2014.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá các quy định chưa hợp lý. Theo GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, Bộ GD và ĐT đang quá nặng về đầu vào, trong khi đầu vào chỉ là một yếu tố chứ không phải tất cả. Với vấn đề tuyển sinh, đào tạo, Bộ GD và ĐT cần kiểm soát được chuẩn đầu ra của các trường. Tuyển sinh đầu vào là một khía cạnh, quan trọng là các trường có cam kết chuẩn đầu ra bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nguồn nhân lực hay không. Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL), GS Trần Hồng Quân cho rằng: Dường như Bộ GD và ĐT chưa thật sự sẵn sàng trao ngay quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH cho nên trong dự thảo quy định đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp. Bộ GD và ĐT chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ĐH, để giúp họ thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình. Vì vậy, quy định điểm sàn như hiện nay không hợp lý vì đề thi năm dễ, năm khó, lại đều nằm trong chương trình phổ thông thì khó có thể xác định là chuẩn quốc gia đầu vào được. Vì vậy, về lâu dài, cần nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó, dứt khoát kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm nghiêm túc để có chuẩn quốc gia về đầu vào cho các trường ĐH, CĐ dùng xét tuyển sinh. Kinh nghiệm thế giới cho thấy chuẩn trình độ đầu vào của các cơ sở giáo dục ĐH thường được nhiều quốc gia chọn là văn bằng tốt nghiệp THPT hoặc các văn bằng tương đương khác.

Theo GS Trần Hồng Quân, phần lớn các trường thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, đều cho rằng, để có được quyền tự chủ tuyển sinh thật sự, Bộ GD và ĐT cần xác định: Chỉ đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ; thay cụm từ "kỳ thi" bằng cụm từ "kỳ tuyển sinh"; bỏ quy định điểm sàn và công bố quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH.

Chậm phân tầng sẽ thiếu công bằng

Có thể nói, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh đã được bàn bạc khá nhiều nhưng chưa thật sự có được phương án tốt nhất. Không chỉ các trường ĐH, CĐ NCL, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, công tác tuyển sinh hiện nay còn nhiều bất cập, không bảo đảm công bằng mà nguyên nhân chính không chỉ do thiếu chuẩn quốc gia đầu vào mà còn do sự chậm trễ trong phân tầng giáo dục ĐH. Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH phân tầng thành: Cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu; Cơ sở giáo dục ĐH định hướng ứng dụng; Cơ sở giáo dục ĐH định hướng thực hành. Việc phân tầng được xác định trên cơ sở: Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục ĐH; Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Nếu các tiêu chí phân tầng được thực hiện tốt thì mỗi trường sẽ tùy theo tầng của mình cũng như sứ mệnh, mục tiêu để tuyển sinh đúng đối tượng chứ không phải ở tầng nào cũng đều tuyển được thí sinh giỏi, khá, trung bình.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, Bộ GD và ĐT chưa có tiêu chí phân tầng và hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam chưa được phân tầng. Điều đó dẫn đến tình trạng trường ĐH dù ở tầng nào, có định hướng nghiên cứu hay thực hành cũng tìm cách đào tạo đa ngành nghề, lĩnh vực. Nhiều trường ĐH được coi là "tốp đầu", có định hướng nghiên cứu như các ĐH quốc gia, ĐH vùng, trường ĐH trọng điểm được đầu tư lớn của Nhà nước vẫn đào tạo cả tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH chính quy, tại chức, liên thông, và thậm chí cả trình độ CĐ. Điều đó tạo sự không công bằng khi các trường theo xu hướng thực hành, đào tạo nhân lực, ngành nghề theo đúng mục tiêu, sứ mệnh không có nguồn để tuyển sinh. GS, TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng giáo dục ĐH (Bộ GD và ĐT) cho rằng, các trường ĐH khi tuyển sinh cần thực hiện theo sứ mạng của mình vì mỗi trường có một sứ mạng khác nhau, mỗi ngành đào tạo có yêu cầu khác nhau về năng lực thí sinh thì khó có thể "đánh đồng" các trường như nhau được. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng cho rằng: Phân tầng giáo dục ĐH là một ý tưởng hay đã được đưa vào Luật Giáo dục ĐH. Dẫn thí dụ phân tầng giáo dục ĐH tốt mà thế giới thường nhắc đến của bang Ca-li-phoóc-ni-a (Hoa Kỳ), được đề xuất cách đây nửa thế kỷ, đến nay vẫn còn tác dụng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, kinh nghiệm cần lưu ý trong cách phân tầng là Nhà nước quy định cho các tầng giáo dục ĐH cả chức năng đào tạo và cả chất lượng tuyển sinh, không có chuyện các ĐH tầng trên tuyển sinh lấn sân của các trường ĐH tầng dưới.

Có thể nói, Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực được hơn một năm, trong đó quy định việc thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh cũng như phân tầng giáo dục ĐH. Năm 2014, Bộ GD và ĐT đã xác định khâu đột phá là từng bước thực hiện tự chủ tuyển sinh thể hiện bước hiện thực hóa các quy định của Luật Giáo dục ĐH vào hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, khi các quy định tự chủ tuyển sinh còn bất cập; vấn đề phân tầng giáo dục ĐH chưa rõ ràng sẽ khó bảo đảm được sự công bằng trong tuyển sinh, đào tạo. Điều đó đòi hỏi Bộ GD và ĐT cần có những chuẩn quốc gia đầu vào trong tuyển sinh cũng như xây dựng triển khai các tiêu chí phân tầng rõ ràng để các trường thực hiện đúng sứ mệnh, mục tiêu của mình, từ đó thực hiện đổi mới một cách đồng bộ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH và tinh thần Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) đề ra.

MẠNH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/giaoduc/tin-tuc/item/22175202-nhung-nhang-chuyen-tu-chu-tuyen-sinh.html