Những nguyên tắc cơ bản của quá trình tái cấu trúc

Chuyện tái cơ cấu nền kinh tế không phải là lần đầu tiên được đặt ra ở Việt Nam, nhiều năm trước trong từng giai đoạn khác nhau của nền kinh tế, tái cơ cấu đã từng được nhiều chuyên gia nói tới. Nhưng hầu như tất cả những ý kiến đó nếu được các nhà chức trách ghi nhận thì cũng chỉ nằm ở thì tương lai. Lần này, tình hình hình mới, nhận thức mới, với những chỉ đạo và yêu cầu của các nhà lãnh đạo đất nước có quyết liệt hơn, khiến người ta hy vọng tái cơ cấu sẽ được triển khai thực chất hơn. Tuy nhiên, để thành công và có hiệu quả thực tế, tái cơ cấu nền kinh tế cần phải đảm bảo được những nguyên tắc căn bản.

Có thể nói, tái cơ cấu là một đòi hỏi tất yếu đối với tất cả các nước muốn tiến bước trên con đường đi đến phồn vinh, thịnh vượng. Thế nhưng, đã có không ít quốc gia không chủ động nắm bắt đòi hỏi này khi tình hình kinh tế còn thuận lợi mà chỉ thường bắt đầu tái cơ cấu quá muộn khi nền kinh tế đã rơi khá sâu vào khủng hoảng.

Điều này lý giải vì sao có nhiều nước khởi đầu tốt nhưng rồi lại sa lầy trong cạm bẫy của mức thu nhập trung bình, không thể đạt mục tiêu trở thành quốc gia có nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại như mong muốn. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, mô hình tăng trưởng của nước ta lâu nay vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn đễ dãi và lao động chất lượng thấp, giá rẻ. Vì vậy, sau hơn 25 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta chủ yếu vẫn là một nền kinh tế cấp thấp. Nhiều năm qua, lạm phát cứ lặp đi lặp lại, mà nguyên nhân chính là do những yếu kém, mất cân đối từ nội tại nền kinh tế của nước ta. Và hầu hết các giải pháp chỉ thường là ngắn hạn, chủ yếu lo đối phó với kết quả mà không giải quyết được nguyên nhân. Nền kinh tế tuy có tăng trưởng trên danh nghĩa, nhưng chất lượng tăng trưởng ngày càng suy giảm, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế ngày càng lạc hậu, kém hiệu quả tạo ra nhiều hệ lụy không chỉ cho nền kinh tế mà còn là những vấn nạn xã hội khó giải quyết.

Một số chuyên gia cho rằng, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện đã "lên đến đỉnh”. Điều đáng nói là nếu càng thúc đẩy tăng trưởng nhanh dựa vào gia tăng đầu tư dễ dãi, giá trị gia tăng thấp và sự khai thác thái quá lao động giá rẻ thì không thể cạnh tranh và ngày càng khó khăn. Thời điểm này chính là cơ hội cuối cùng để Việt Nam chỉnh đốn lại tận gốc nền kinh tế nếu không nó sẽ phát triển "đì đẹt” và bước vào giai đoạn "tăng trưởng bần cùng hóa”. Tức là càng thúc đẩy tăng trưởng thì phân hóa trong xã hội càng nhanh, khoảng cách giàu nghèo càng lớn..

Mô hình tăng trưởng mới

không thể dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên

Do mô hình tăng trưởng từ trước đến nay của nước ta chủ yếu để đạt được những thành tích về tốc độ tăng trưởng, về số lượng sản phẩm nên rất ít tạo ra những nỗ lực cạnh tranh, thay đổi, khác biệt và huy động được hiệu quả nguồn lực quốc gia cho những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích cộng đồng. Vì vậy, nguyên tắc cơ bản thứ hai cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ, đột phá về tầm nhìn và tư duy chiến lược trong việc hoạch định chính sách phát triển. Binh pháp từ cổ chí kim đều cho rằng mọi nỗ lực thành bại phần lớn là do chiến lược quyết định. Có chiến lược tốt mà chiến thuật chưa tốt thì đường đến thành công gian nan và chậm trễ. Thế nhưng, có chiến thuật tốt mà chiến lược không đúng thì thất bại là điều không thể tránh khỏi, cho dù những thắng lợi từ chiến thuật tốt có thể tạo ra cảm giác hân hoan nhất thời. Trên lĩnh vực kinh tế, nước ta đã trả giá quá đắt cho khá nhiều dự án phát triển tốn kém nhưng ít hiệu quả, hoặc triển khai chậm trễ làm mất thời cơ, hoặc hiệu quả vẫn hãy còn là những ẩn số mơ hồ như các dự án mía đường, xi măng lò đứng, đóng tàu, cảng biển, lọc dầu... Chưa kể tình hình hạ tầng và giao thông có thể coi như là một "thảm họa”, nhất là ở các thành phố lớn với tình trạng xập xệ và tắc nghẽn hầu như liên tục gây tổn thất lớn về kinh tế lẫn xã hội. Nguyên tắc này yêu cầu các nhà hoạch định kế hoạch phát triển phải thực sự có tầm nhìn chiến lược, nắm rõ thời thế, thấu hiểu chính mình, hiểu biết sâu về chiến lược của đối tác, thượng tôn quy luật phát triển và tinh tường để tránh được các cạm bẫy chiến lược. Điều đó sẽ gắn kết quá trình tái cơ cấu với yêu cầu hiện đại hóa và phát triển bền vững của nước ta xuyên qua các thời kỳ chứ không chỉ dừng lại ở từng nhiệm kỳ gắn với lợi ích của từng nhóm nhỏ luôn tư duy rất ngắn theo kiểu nhiệm kỳ. Có thể nói, bài học kinh nghiệm cốt lõi của Hàn Quốc là tư duy chiến lược và chính sách công nghiệp hóa. Để thành công trong kỳ vọng tái cấu trúc nền kinh tế nước nhà, có lẽ chúng ta cũng không thể bỏ qua việc làm cần thiết và trước hết đó là phải "tái cơ cấu tư duy và chính sách”.

Nhưng để có thể "tái cơ cấu tư duy” và tìm ra những nhà hoạch định chính sách có tầm chiến lược, cũng như đội ngũ cán bộ công chức, doanh nhân giỏi nghề, thạo việc làm nền tảng cho việc thực thi nghiêm chỉnh các chính sách chiến lược, chiến thuật đúng đắn thì một nguyên tắc nữa không thể không nhắc tới là phải "tái cơ cấu nhân lực”. Một nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo đầy đủ và được sử dụng đúng nơi đúng lúc là việc làm hết sức cấp bách đối với kỳ vọng tái cơ cấu nền kinh tế nước ta hiện nay. Chủ trương đúng, chính sách hay nhưng không có nguồn nhân lực chất lượng cao để thực thi thì mọi chuyện cũng chỉ nằm trên giấy, hay trong ý tưởng chứ chưa thể thành hiện thực. Nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế như một "nhạc trưởng” tạo ra chính sách, tạo ra sân chơi và điều khiển chúng theo những luật chơi trên nguyên tắc bình đẳng cho tất cả mọi thành phần. Cho nên, khi công tác cán bộ trong hệ thống Nhà nước không đạt chuẩn từ tất cả các khâu đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng, kiểm soát thì rất dễ tạo ra lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân. Họ sẽ đưa ra những quyết định gây nhũng nhiễu nhằm tạo ra lợi ích cho bản thân và nhóm lợi ích của mình là chính, do đó sẽ làm tổn hại đến cái chung. Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội, các nhà kinh tế Việt Nam học ở nước ngoài không có khái niệm cán bộ gây lạm phát, cái này chỉ có ở Việt Nam. Ông Phong lý giải, những cán bộ "chạy chức” nếu đã mất chi phí ở "đầu vào” lớn thì đương nhiên khi yên vị sẽ tìm cách "hoàn vốn”. Chẳng hạn, nếu một cán bộ "chạy chức” được giao quyền lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, càng đầu tư nhiều, càng đầu tư dàn trải, càng nhiều dự án thì họ có thể có nhiều phần trăm. Khi họ ngồi ở ngân hàng thì cũng sẽ cấp tín dụng nhiều hay ít có thể không vì lợi ích chung mà sẽ vì quan hệ có lợi ích cá nhân để "hoàn vốn” và còn tiến tới "thu lãi”. Tất cả những cái đó hội tụ lại sẽ tạo ra sức ép lạm phát. Vì lạm phát là thước đo chung, là nơi hội tụ của những chính sách, là kết quả hoạt động của toàn xã hội. Ông Phong khẳng định, khi lòng dân bức xúc vì chất lượng cán bộ kém đi thì lạm phát càng khó kiểm soát hơn. Vì lạm phát gắn liền với đầu tư kém hiệu quả, gắn liền với chi phí nhũng nhiễu. Tham nhũng trong những lĩnh vực kinh tế có thể mất mát hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nếu tham nhũng trong lĩnh vực tổ chức - cán bộ thì có thế mất cả nhiều thế hệ, hậu quả nếu tính đủ sẽ vô cùng nghiêm trọng... Và đó cũng là một trong những nguy cơ lớn có ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả tái cơ cấu nền kinh tế.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhu cầu hết sức cấp bách

Do vậy, bên cạnh nguyên tắc tái cơ cấu nguồn nhân lực, cũng cần phải đề cập tới một nguyên tắc không kém phần quan trọng để góp phần cho sự thành công của tái cơ cấu nền kinh tế là cần phải cải cách mạnh mẽ thể chế để đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo ra sân chơi dành cho tất cả mọi người. Đồng thời, các thể chế cũng phải tạo ra hiệu quả cao hơn cho kết quả của việc phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực công tránh việc cán bộ làm méo mó chính sách chỉ vì lợi ích cá nhân. Đổi mới thể chế theo hướng tạo ra hiệu quả hơn cho công tác quản lý và điều hành của Nhà nước đối với nền kinh tế là đòi hỏi bức thiết mà các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải thực hiện càng sớm càng tốt để bắt kịp với yêu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, việc giải bài toán tái cơ cấu nền kinh tế theo yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại cũng đòi hỏi không được bỏ quên các vấn đề văn hóa, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Văn hóa với tư cách là lĩnh vực rộng lớn có nhiều nội dung gắn kết tương tác lẫn nhau, tác động mạnh đến kinh tế và mọi mặt của đời sống, đến từng con người và cả cộng đồng, hình thành nên hệ giá trị của một quốc gia, tạo ra bản sắc của một dân tộc, là yếu tố quan trọng trong tư duy phát triển. Tái cấu trúc kinh tế cũng phải gắn với yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tiềm lực kinh tế của đất nước, lực lượng doanh nghiệp trong nước có mạnh, nền kinh tế mới vững, vị thế trong hội nhập mới cao. Càng hội nhập có hiệu quả, Việt Nam càng có điều kiện thuận lợi để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Hữu Nguyên -Ảnh: HOÀNG LONG

[Bài 1: Định vị lại mô hình tăng trưởng]

[Tái cấu trúc nền kinh tế: Từ chủ trương đến thực tiễn]

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=41037&menu=1427&style=1