Những nguy cơ từ tham vọng lãnh thổ của Thủ tướng Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang thúc đẩy kế hoạch sáp nhập các vùng rộng lớn của khu Bờ Tây và thung lũng Jordan vào lãnh thổ nước này. Giới phân tích cho rằng việc chiếm đoạt đất ở Bờ Tây sẽ làm tổn hại đến khu vực, cộng đồng quốc tế và cả bản thân Israel.

Kế hoạch khó thực hiện

Vẫn luôn luôn là vấn đề về lãnh thổ. Người Arab chiếm hữu đất đai, người Do Thái tuyên bố chủ quyền với nó. Cả hai đều tin rằng họ có quyền làm như vậy. Kể từ năm 1930, khi sự tháo chạy khỏi chủ nghĩa phát xít ở châu Âu đã làm số người Do Thái ở Palestine tăng gấp ba, lên 33%, cuộc đấu tranh mạnh mẽ và dai dẳng này càng trầm trọng hơn- với việc người Israel theo thời gian ngày càng chiếm thêm nhiều đất. Hiện nay ông Netanyahu, Thủ tướng và cũng là đồng lãnh đạo của một nhà nước có đa số 74% người Do Thái, muốn hoàn tất công việc này.

Tuần trước, Vua Abdullah của Jordan đã mô tả kế hoạch sáp nhập của ông Netanyahu là “không thể chấp nhận được” và đe dọa phá vỡ các mối quan hệ ngoại giao. Lực lượng dân quân của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở Dải Gaza thì gọi kế hoạch này là một “lời tuyên chiến.” Mặc dù ông Netanyahu có thể quyết tâm thúc đẩy kế hoạch, nhưng rất khó để thấy ông có thể thực hiện nó, bởi điều này vốn trái với luật pháp quốc tế.

Kế hoạch này sẽ làm tổn thương nghiêm trọng người dân Palestine, đồng thời cũng có thể gây tổn hại cả cho Israel, cho sự ổn định khu vực và cộng đồng quốc tế, vốn đang vật lộn một cách vô vọng với vấn đề nan giải Israel-Palestine kể từ khi Anh ủng hộ một “mái nhà dân tộc cho người Do Thái” vào năm 1997. “Sự mở rộng chủ quyền lãnh thổ” của ông Netanyahu sẽ khiến triển vọng này càng khó đạt được. Đối với người dân Palestine, sự sáp nhập này có thể là "bản án tử" đối với triển vọng khó khăn của họ về một nhà nước độc lập, một chương cuối đầy thảm kịch trong truyền thuyết nhiều tập về những hy vọng xa vời và những lời hứa bị phá vỡ.

Giới phân tích cho rằng đó là lý do cần từ bỏ kế hoạch này. Tuy nhiên, trong chiến trường xung đột này, những lý lẽ và thiện chí thường không tồn tại. Một lần nữa, nhưng có lẽ là lần cuối cùng, người Palestine phải đối mặt với việc bị bỏ rơi. Nhiều người Israel phản đối sáp nhập, trong khi các đối tác liên minh của ông Netanyahu có vẻ còn ngờ vực. Israel vốn đã kiểm soát vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967 này. Vậy tại sao kế hoạch này lại có nguy cơ gây ra vô số hệ quả tiêu cực như vậy? Đối với một số người, kế hoạch này có vẻ giống như một dự án di sản đầy tự mãn của ông Netanyahu và cố vấn trưởng của ông là Tổng thống Mỹ Donald Trump - cả hai nhà lãnh đạo này đều có thể sớm rời khỏi nhiệm sở trong thời gian tới đây.

Với thực tế là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có thể đóng một vai trò nòng cốt trong việc thực thi kế hoạch, quan điểm của 220 cựu chỉ huy cấp cao của IDF, cảnh sát và các cơ quan an ninh Mossad và Shin Bet sẽ có sức nặng khá lớn. Họ đã cùng nhau kêu gọi Israel chấp nhận đường lối "hai nhà nước" mà Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ, điều mà họ mô tả là “thiết yếu đối với an ninh của Israel” và tương lai dân chủ của nước này.

Kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Thủ tướng Netanyahu tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh tư liệu

Dư luận phản đối dữ dội

Những bất đồng gay gắt ở trong nước cũng được phản ánh ra bên ngoài. Kế hoạch sáp nhập đã hứng chịu sự phản ứng giận dữ từ những người Do thái ở Anh và Mỹ. Các nghị viện và chính phủ châu Âu cũng không hài lòng về điều này. Đã có những cuộc thảo luận, dù không có sức thuyết phục, về các lệnh trừng phạt và sự công nhận ngoại giao chính thức về một nhà nước Palestine. Tuy nhiên, giống như các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ, nội bộ Liên minh châu Âu (EU) cũng đang bị chia rẽ. Các thành phần bảo thủ ở Hungary, Ba Lan và Áo thì đồng cảm với các ý tưởng của Netanyahu hơn là phía Tây Âu. Mặc dù họ vẫn ủng hộ tiến trình hòa bình hậu Oslo, song các chính phủ ở Pháp, Anh và Đức hiểu rằng nó sắp suy tàn.

Các lãnh đạo châu Âu đang rất quan ngại. Họ sợ rằng sự sáp nhập này càng khiến khu vực thêm bất ổn, kích động một sự gia tăng các vụ tấn công chống người Do Thái, và được lợi dụng để biện minh cho vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Ngoài ra, họ còn lo sợ về một sự chia rẽ xuyên Đại Tây Dương đối với “kế hoạch hòa bình” được ca tụng ầm ĩ nhưng lại thiếu cân xứng một cách đầy tuyệt vọng, vốn ủng hộ sự sáp nhập này.

Không ngoa khi cho rằng vấn đề này đang đặt ra một song đề khó khăn đối với LHQ, thực thể lâu nay vẫn ủng hộ giải pháp "hai nhà nước". Tổng thư ký António Guterres tuần trước đã cảnh báo rằng sự sáp nhập này sẽ cấu thành một “sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”. Đáng tiếc, nó còn vi phạm cả sự tín nhiệm mong manh còn sót lại của LHQ.

Như lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, bất cứ động thái nào cũng chỉ là quyết định của riêng Israel. Lập trường của ông Netanyahu, phù hợp với sự phá hoại của Mỹ với những quan điểm chung của LHQ về Iran, sự biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, càng là bằng chứng cho chủ nghĩa đơn phương tiêu cực của chính quyền Trump - và cũng là dấu hiệu chứng tỏ rằng Mỹ sẽ ủng hộ Netanyahu trong hầu hết những việc ông ta làm.

Một sự chia rẽ trong khu vực cũng đang xảy ra theo chiều hướng tương tự khi Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Hamas ở Gaza và quy chế nhà nước dành cho Palestine, trong khi Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và các nhà nước Arab “ôn hòa” thì cùng lập trường với Washington. Các nước như Liban và Iraq thì giữ lập trường trung lập.

Với những nguy cơ rõ rệt như trên, nếu ông Netanyahu vẫn xúc tiến một sự sáp nhập dù là từng phần và từng giai đoạn, thì các thành phần Hồi giáo cực đoan sẽ lợi dụng những hậu quả, sự phân cực bạo lực và hỗn loạn này. Khi đó, bạo lực và bất ổn sẽ càng bùng lên dữ dội tại Trung Đông.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-nguy-co-tu-tham-vong-lanh-tho-cua-thu-tuong-israel-199738.html