Những người 'truyền lửa', tạo khác biệt cho Đèo Cả

Được biết đến khi làm nên những công trình giao thông mang tầm vóc quốc gia, Tập đoàn Đèo Cả tạo ra 'khác biệt' bởi quy tụ được một Hội đồng cố vấn hùng hậu. Họ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình, từ kỹ thuật công trình, an ninh, kiểm toán, tài chính, đến luật, truyền thông, đào tạo,...

Một cuộc họp của Hội đồng cố vấn Tập đoàn Đèo Cả bàn phương án triển khai dự án, công trình mới.

Đội ngũ chuyên gia của Hội đồng cố vấn chính là những người “truyền lửa”, góp phần vào thành công của Đèo Cả một cách rất đặc biệt.

Vì sao Đèo Cả cần Hội đồng cố vấn?

Trong suốt hành trình gần 40 năm, Tập đoàn Đèo Cả đã chứng minh năng lực vượt trội của mình qua việc xây dựng những công trình giao thông trọng điểm trải dài khắp mọi miền Tổ quốc. Tập đoàn hiện đang đảm nhận khối lượng công việc rất lớn trên đại công trường cao tốc bắc-nam và nhiều dự án quan trọng tại các địa phương.

Để vững vàng ở vị trí như ngày hôm nay và tiếp tục tiến xa, nếu chỉ dựa vào tài năng, nhiệt huyết, đoàn kết, sáng tạo của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công nhân viên Tập đoàn Đèo Cả là chưa đủ. Với tư duy “nghĩ khác biệt - tạo cách biệt”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đã trọng dụng những nhân tài ở nhiều lĩnh vực để tạo sự đột phá và phát triển bền vững. Người đứng đầu Tập đoàn bằng những suy nghĩ khác biệt, đã quy tụ một Hội đồng cố vấn giàu tri thức, kinh nghiệm, giàu khát vọng cống hiến.

Ông Hồ Minh Hoàng nhiều lần nhấn mạnh trong những cuộc làm việc, ở nhiều bối cảnh khác nhau: Các cố vấn chính là điểm tựa cần thiết cho những bước đi của Đèo Cả, lúc thì “tăng ga”, khi “đạp thắng”, để tập đoàn vượt qua chướng ngại vật, kiểm soát tốc độ phù hợp không phát triển quá nóng, là thước đo lượng hóa kết quả một cách chính xác. Họ là những mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên một bức tranh Đèo Cả “hoàn chỉnh” và “khác biệt”.

Nói vậy bởi Hội đồng cố vấn của Tập đoàn Đèo Cả hiện có 38 thành viên, là các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, có thể từng công tác trong bộ máy Nhà nước ở các lĩnh vực kỹ thuật công trình, an ninh, kiểm toán, tài chính, luật, truyền thông, đào tạo,… là tiếng nói đại diện cho người dân, đảng viên, giới trí thức,… vào hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả. Chức năng bao trùm của Hội đồng là tư vấn, khuyến cáo, phản biện độc lập, tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn Đèo Cả. Họ đồng hành từ việc tham gia nghiên cứu cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, tham mưu về hoạch định chiến lược và điều hành quản trị, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro xuyên suốt mọi hoạt động của Tập đoàn. Ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải là Chủ tịch Hội đồng.

Một sự tổng hòa của tri thức, của kinh nghiệm, của tiếng nói từ những chuyên gia hàng đầu, các vị cố vấn còn đóng vai trò kết nối Đèo Cả với đội ngũ tri thức bên ngoài hỗ trợ các công việc của doanh nghiệp. “Các thành viên Hội đồng cố vấn đã và sẽ luôn đồng hành, nỗ lực hết mình để đưa ra tư vấn cho những bước đi thêm phần đúng đắn, những giải pháp hiệu quả, tối ưu hóa hoạt động chung của Tập đoàn hay ở từng dự án”, ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định.

Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hồ Nghĩa Dũng phát biểu ý kiến trong một cuộc làm việc.

Theo GS,TS Trần Thọ Đạt, cố vấn đào tạo của Đèo Cả, một trong những điểm đặc biệt thu hút ở Đèo Cả là khi hợp tác với các đơn vị đào tạo, Tập đoàn này tạo ra sự gắn kết chặt chẽ trong chương trình giảng dạy từ lý thuyết song hành thực tiễn để có được một đội ngũ nhân sự “thực chiến”. Dấu ấn “khác biệt” của doanh nghiệp cũng được thể hiện rất rõ qua đó. Trong bối cảnh nhiều biến động kinh tế như hiện nay, Đèo Cả luôn có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tiên phong và nhiều đột phá, bám sát đòi hỏi ngày càng cao của các xu hướng công nghệ và quản trị. Đó cũng chính là cách để một doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế đương đầu với những khó khăn, vượt qua thách thức để phát triển bền vững”.

GS,TS Trần Thọ Đạt, cố vấn đào tạo của Đèo Cả thuyết trình ý tưởng.

Khi được hỏi vì sao không chọn sống cuộc đời hưu trí an nhàn, nhiều người trong số các cố vấn đã trả lời, không phải một lý do nào đó như bình thường, mà lựa chọn của họ đến từ “sức hút đặc biệt” mang tên Đèo Cả. Nhiều chuyên gia tâm huyết đã dành cả thời gian còn lại sau khi nghỉ hưu làm việc cống hiến cho đất nước, tại Tập đoàn Đèo Cả, những công trình, sản phẩm thiết yếu mang lại giá trị thực phục vụ xã hội, chính là môi trường để họ thực hiện lý tưởng ấy một cách trọn vẹn.

Là thường trực Hội đồng cố vấn, người luôn sát sao với mỗi chuyển động trong guồng máy vận hành của Đèo Cả, cố vấn Nguyễn Thanh Trang từng nói: Tập đoàn có thể tận dụng những “tri thức” này cho sứ mệnh phụng sự xã hội, để hóa giải những bài toán khó, tránh khỏi những vấp váp hay phải trả giá về mặt thời gian, đó là điều đáng mừng cho một doanh nghiệp giàu khát vọng cống hiến cho dân tộc”.

Dự án hầm đường bộ Hải Vân do Tập đoàn Đèo Cả đảm trách.

Những ai có dịp tham dự một số cuộc họp, tranh luận sôi nổi với tinh thần “Nghĩ khác biệt-tạo cách biệt” ở Đèo Cả mới thấy được ý kiến của các cố vấn, kể cả trái chiều đều luôn được ghi chép để tiếp thu, tham khảo. Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Hồ Minh Hoàng bằng sự chân thành, đã thuyết phục các cố vấn đưa ra quan điểm độc lập và đóng góp phương án giải quyết cho từng vấn đề nảy sinh.

Cố vấn Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: “Vẻ ngoài quyết liệt, thẳng thắn, bộc trực, nhưng bên trong con người Hồ Minh Hoàng là một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim nhân ái,… Đèo Cả có sức truyền tải khác biệt bằng chính khát vọng, ý chí, bản lĩnh, năng lực hành động, khả năng vượt khó và thành quả lao động sáng tạo không ngừng”.

Đồng hành trên mọi “mặt trận”

Quả thật, nhìn vào hành trình của Đèo Cả, không có mốc thành công nào lại “vắng bóng” các cố vấn. Sự nhập cuộc quyết liệt của các vị cố vấn được thể hiện rất rõ nét khi họ phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp để làm việc với các cơ quan Nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan chức năng, tổ chức ngân hàng hay địa phương,… tham gia tháo gỡ bất cập, vướng mắc cho những dự án có sự hiện diện của Đèo Cả. Các cố vấn có khi còn cùng nhau phân tích những ý kiến trái chiều khi dư luận bình luận về doanh nghiệp, trực tiếp tư vấn cho lãnh đạo tập đoàn từ góc nhìn đa chiều.

TS Trần Chủng kiểm tra công tác thảm nhựa tại dự án do Đèo Cả thi công.

Thời điểm doanh nghiệp chuẩn bị tiếp nhận quản lý điều hành dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận trước đó ngưng trệ gần 10 năm kèm theo hàng loạt rắc rối nhà đầu tư cũ để lại, ai cũng cho rằng Đèo Cả “húc đầu vào đá”. Nhớ lại những buổi làm việc đầu tiên với địa phương từ hồi tháng 3/2019, với sự vào cuộc từ cố vấn Hồ Nghĩa Dũng, các cố vấn an ninh là Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Đại tá Bùi Văn Hà đã hỗ trợ Ban Điều hành thiết lập lại kỷ cương ở dự án, cùng với đó còn có cố vấn kiểm toán Ngô Văn Quý, cố vấn pháp lý Dương Đăng Huệ tư vấn làm rõ các vấn đề liên quan, đánh giá tính khả thi và phương án giải quyết những tồn đọng trước khi Đèo Cả quản trị, điều hành dự án này.

Các cố vấn cũng được đề cử tham gia Hội đồng quản trị độc lập của các đơn vị trong hệ thống Đèo Cả để sâu sát hơn nữa vào các hoạt động quản trị doanh nghiệp. Họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiền kiểm tại hiện trường thi công để đánh giá tính tuân thủ hay phòng ngừa rủi ro. Bằng kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm dày dạn, họ phân tích quá trình nghiên cứu, cải tiến công nghệ thi công, các phương thức quản lý điều hành dự án nhằm “kích hoạt” sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ trẻ.

Dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo do Đèo Cả triển khai.

Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo là dự án đặc biệt, không chỉ bởi được nhà đầu tư Đèo Cả đấu thầu giảm giá gần 1.000 tỷ đồng mà còn là công trình đi qua vùng địa chất rất phức tạp, đường tiếp cận khó khăn, khan hiếm vật liệu, thi công trong dịch Covid-19 căng thẳng, bão giá vật liệu,... Nhắc đến hầm Núi Vung dài hơn 2km thuộc dự án này, ông Bùi Hồng Đăng, một trong những kỹ sư chỉ huy thi công hầm cho biết, quá trình khảo sát địa chất của hầm được thực hiện bằng phương pháp sóng nên không phát hiện được túi nước của lòng suối cổ. Tuy nhiên, khi đào đến vùng địa chất này và phát hiện túi nước, Đèo Cả đã nhanh chóng huy động được tri thức từ các chuyên gia, kỹ sư hàng đầu của mình vào lòng núi “tầm soát” và đưa ra phương án giải quyết vấn đề. Trong số đó, người sát cánh xuyên suốt cùng người thợ đào hầm là TS Nguyễn Thế Phùng, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về các công trình ngầm và hầm, khi ấy ông đã ngoài 80 tuổi.

TS Nguyễn Thế Phùng (cầm đèn pin hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) kiểm tra địa chất túi nước trong lòng hầm Núi Vung.

Nếu để gọi tên khác cho các cố vấn của Đèo Cả thì cán bộ, nhân viên tập đoàn còn gọi họ là những người “truyền lửa”. Các cố vấn sát cánh với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn, với cả những kỹ sư, công nhân trực tiếp lao động trên công trường, cùng chia vui với thành quả, cùng trăn trở với từng khó khăn nơi “tiền tuyến”. Họ là những người thầy tham gia, dự giờ trong các lớp đào tạo chuyên môn, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Như lời TS Trần Chủng, cố vấn về chất lượng công trình khi nhìn nhận về vai trò của Hội đồng đã nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ có nghĩa vụ đóng góp tri thức mà còn mong muốn truyền cho các em, các cháu cảm hứng cống hiến trong lao động, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, trí tuệ, bản lĩnh người Việt”.

Một Đèo Cả dám nghĩ khác biệt để tạo ra cách biệt, là một Đèo Cả quy tụ được nguồn tri thức và khát vọng dân tộc từ lực lượng cố vấn hiếm thấy ở doanh nghiệp nào khác, cũng chính là một Đèo Cả dám đương đầu trước mọi trở lực, chinh phục những công trình đồ sộ. Trong các chuyến thị sát nhiều công trình do Đèo Cả đảm trách, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá: “Đèo Cả với tinh thần trách nhiệm cao, đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên hết thì mới phát huy được nội lực để đảm đương những việc khó”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-nguoi-truyen-lua-tao-khac-biet-cho-deo-ca-post801983.html