Những người thương binh giàu nghị lực

Trong kháng chiến, họ là chiến sĩ cách mạng kiên trung, sau khi đất nước hòa bình, họ trở thành những người tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.

Người cựu chiến binh 34 năm đi tìm đồng đội
Chuyện người thương binh một chân bám biển

Dù tuổi đã cao, nhưng thương binh Lê Anh Tuấn vẫn miệt mài làm việc. Ảnh: VGP/Thế Phong

Vượt lên đói nghèo, thương tật

Đó là thương binh Lê Anh Tuấn, 70 tuổi, phường Cẩm Châu, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Mặc dù đôi mắt không còn tinh anh, đôi chân không còn nguyên vẹn, nhưng khi kể về những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong mắt ông vẫn sáng ngời khí tiết của một chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Năm 19 tuổi (tháng 8/1964), theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, cựu chiến binh Lê Anh Tuấn tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Trưởng thành từng ngày, ông luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ với vai trò là cán bộ tổng hợp của Ban Tổ chức Thị ủy Hội An trong những năm chống Mỹ, Phó Bí thư Thường trực Thị đoàn Hội An, rồi Trưởng ban An ninh Thị xã Hội An…

“Ngày 25/12/1973, trong lúc chuẩn bị đánh khu tập trung thì chúng tôi bị lộ hầm bí mật, quân địch phát hiện, cả trung đội địch bao vây. Tôi cùng đồng đội dùng lựu đạn đánh trả không thành. Riêng tôi bị quân địch bắn 3 phát đạn thẳng vào người, làm hỏng con mắt phải, chân phải và 1 phát đạn vào sống lưng, tưởng chừng như đã chết”, ông Tuấn nhớ lại thời khắc sinh tử.

Sau đó, ông Tuấn được quân địch đưa đi cấp cứu và giam cầm tại nhà lao Hội An hòng tra khảo thông tin. Tuy nhiên, hơn một năm ở tù, địch dùng nhiều nhục hình tra tấn dã man nhưng ông không hề khuất phục, không khai báo. Cho đến đêm 27/3/1975, Hội An được giải phóng, ông được cứu thoát trở về với gia đình và tiếp tục đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau tại địa phương theo sự phân công của Đảng, Nhà nước.

Năm 1992, ông nghỉ hưu với khoản thu nhập không đủ nuôi hai con ăn học và một mẹ già. Bằng suy nghĩ táo bạo của người lính cụ Hồ, ông không trông chờ, ỷ lại vào chế độ trợ cấp của Nhà nước mà tự mình vượt khó vươn lên, trở thành gương sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Ngoài việc tích cực cải tạo ruộng đồng, trồng lúa, trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm, năm 2002, cựu chiến binh Lê Anh Tuấn quyết định mở cửa hàng cung ứng thức ăn nuôi tôm cho người dân và đồng đội, góp phần giúp nhiều người dân sống ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn mở hướng nuôi tôm thoát nghèo. Đến nay, ông Tuấn đã hơn 100 khách hàng thường xuyên, doanh số bán hàng đạt cả tỷ đồng/năm. Cửa hàng của ông Tuấn trở thành một địa chỉ tin cậy cung cấp thức ăn, thuốc trừ bệnh cho tôm.

Ngoài việc làm giàu cho gia đình, với các hộ chính sách hoặc thân nhân người có công ở các xã trong vùng sống bằng nghề nuôi tôm mà cuộc sống còn khó khăn, ông tích cực hỗ trợ vốn thông qua việc bán nợ thức ăn nuôi tôm, đến cuối vụ mới phải thanh toán. Bên cạnh đó, ông cũng đã đầu tư nguồn vốn để tái sản xuất cho những hộ gia đình chính sách hoặc thương binh trong nuôi trồng thủy sản. Nguồn vốn này có vụ lên đến hơn nửa tỷ đồng.

Vực dậy xã nghèo

Câu chuyện về sự cố gắng vươn lên khắc phục khó khăn của ông Phan Phát Đạt (72 tuổi, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) khiến nhiều người thán phục về một tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Kể về câu chuyện của mình, thương binh Phan Phát Đạt cho biết, năm 1962, ông tham gia hoạt động cách mạng và làm cơ sở cách mạng trong lòng địch. Trong quá trình hoạt động, ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt, giết hàng chục tên địch. Tháng 12/1970, trong một chuyến công tác vào vùng địch, ông bị vướng mìn hỏng mất một chân, sau đó được đưa ra Bắc điều trị.

Sau khi đất nước thống nhất, ông được Đảng cho về công tác tại địa phương. Trong cương vị Bí thư xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, ông luôn trăn trở làm sao để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng xã nhà phát triển.

Ông đã tập hợp trí tuệ, sự đoàn kết nhất trí trong cấp ủy, trong Đảng và nhân dân tổ chức xây dựng hàng chục con đập chắn nước tưới cây trồng, xây dựng, quy hoạch tổng thể xã, đưa Bình Tú từ một xã khô hạn, năng suất lúa chưa đến 15-20 tạ/ha vượt lên 40-50 tạ/ha, kết hợp các mô hình chăn nuôi, trồng trọt…

Với kết quả đó, Bình Tú được Hội đồng Bộ trưởng tặng xã dẫn đầu phong trào thâm canh sản xuất giỏi các tỉnh phía nam năm 1984. Hộ đói, hội nghèo trong xã giảm khá mạnh và được huyện, tỉnh tặng cờ thi đua xã dẫn đầu toàn diện các phong trào của huyện, tỉnh Quảng Nam.

Khi về hưu vào năm 1990, người thương binh này tiếp tục vượt khó cùng gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh trồng lúa, mở rộng chuồng trại chăn nuôi heo nái cung ứng giống cho thị trường, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Xây được nhà ở khang trang, nuôi 4 con học đại học và đến nay có việc làm ổn định. Ngoài ra, ông cũng tìm hiểu và hướng dẫn người dân nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, nuôi gà có đệm lót sinh học và bảo vệ môi trường.

Không dừng lại ở đó, do bà con và tổ chức động viên công tác, ông còn từng đảm nhận thêm chức vụ Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch người khuyết tật huyện qua các nhiệm kỳ. Trong từng cương vị, ông luôn phát huy tinh thần cách mạng tiến công, bảo đảm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người thương binh giàu nghị lực như ông xứng đáng trở thành gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Thế Phong

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/nhung-nguoi-thuong-binh-giau-nghi-luc/282618.vgp