Những người thợ sửa 'thời gian'

Giữa sự hối hả của cuộc sống hiện đại, những người thợ sửa đồng hồ lặng lẽ chọn những góc đường để mưu sinh. Với bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, họ giữ nghề như cách chữa lành 'thời gian'.

Với những thợ sửa đồng hồ, công việc này không chỉ mưu sinh mà là cả niềm đam mê

Hơn 28 năm nay, anh Nguyễn Văn Khoa (SN 1972, ngụ khu phố Măng Đa, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) gắn bó với nghề sửa đồng hồ. Với cái tủ, cái ghế nhỏ, anh chọn một góc chợ để làm nghề, nhận sửa đồng hồ đeo tay là chính. Anh Khoa cho biết, làm nghề này phải kiên nhẫn, nghe được từng âm thanh nhỏ của động cơ, biết nguyên lý hoạt động của từng loại đồng hồ để sửa. Đa phần khách hàng tìm đến để sửa các lỗi thường gặp ở đồng hồ như thay pin, thay dây, mặt kính, vô dầu,... thỉnh thoảng mới có khách sửa những chiếc đồng hồ bị hư động cơ. Những chiếc đồng hồ này có giá trị tinh thần rất lớn với người chủ và họ muốn giữ lại như một kỷ niệm.

Còn anh Trần Minh Nhân (SN 1968, ngụ phường 7, TP.Tân An), đến với nghề sửa đồng hồ bằng tất cả sự yêu thích. Năm 1990, được người quen giới thiệu, anh đến tỉnh Tây Ninh để học nghề sửa đồng hồ, sau đó về làm việc tại cửa hàng bán đồng hồ của người chị họ. Khoảng thời gian đó, các cửa tiệm đồng hồ “ăn nên làm ra” nên anh sống được với nghề. Sau này, khi công nghệ phát triển, nhiều người sử dụng điện thoại di động để xem ngày, giờ, mặt khác, thị trường đồng hồ bây giờ đa dạng mẫu mã, giá thành lại rẻ nên khi bị hư hỏng, nhiều người chọn mua cái mới chứ ít sửa chữa. Theo đó, nghề sửa đồng hồ cũng không còn đắt khách như trước.

Anh Nhân tâm sự: “Cũng có khoảng thời gian vì khó khăn mà tôi bỏ nghề, tìm việc khác nhưng sau đó, cuộc sống ổn định, tôi nhớ nên quay lại với nghề và mở cửa tiệm nhỏ sửa đồng hồ tại trước nhà cha mẹ ở phường 4, TP.Tân An”. Với những ai yêu thích nghề này, anh Nhân sẵn sàng truyền nghề với mức học phí phải chăng.

Thợ sửa đồng hồ giờ đây thường là những người lớn tuổi, gắn bó với nghề khá lâu và có nhiều kinh nghiệm

Nhắc đến những người thợ sửa đồng hồ lâu năm, nhiều kinh nghiệm, không thể không nhắc đến ông Nguyễn Hiền Tài (65 tuổi, ngụ phường 2, TP.Tân An). Năm 20 tuổi, ông bán báo và sửa đồng hồ. 45 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay, ông vẫn gắn bó với nghề sửa chữa “thời gian”. Dù tiền công sửa một chiếc đồng hồ không cao nhưng khi nhận sửa, ông làm bằng tất cả cái tâm, thuần thục từng thao tác: Tháo máy, vệ sinh, vô dầu,... Với mỗi loại đồng hồ, ông có dụng cụ sửa riêng.

“Sửa đồng hồ khó nhất là kỹ thuật, cần tỉ mỉ, cẩn thận trong mỗi bước thực hiện và để trở thành một người thợ sửa đồng hồ giỏi cần rất nhiều yếu tố vì mỗi chiếc đồng hồ đều yêu cầu cao về độ chính xác, độ nghiêng,...” - ông Tài chia sẻ.

Thợ sửa đồng hồ giờ đây thường là những người lớn tuổi, gắn bó với nghề khá lâu và có nhiều kinh nghiệm. Có người khi nhận sửa chiếc đồng hồ với những lỗi lớn, họ rất thích bởi khi đó, người thợ mới có “đất dụng võ”. Theo thời gian, những cửa tiệm sửa đồng hồ ít dần và những người còn giữ nghề như ông Tài, anh Nhân, anh Khoa vẫn luôn làm nghề bằng cái tâm bởi đó là niềm đam mê, yêu thích./.

Thảo Mi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-nguoi-tho-sua-thoi-gian--a170502.html