NHỮNG NGƯỜI LÀM HOA CHO ĐẤT: Nỗi niềm Nguyễn Thông

Nhờ giao du và kết thân được với những danh sĩ đất đế đô, Nguyễn Thông trở thành một nhân vật có tiếng tăm ở kinh kỳ, nhiều lần soạn và dâng vua những biện bạch và điều trần quan trọng

Nguyễn Thông - bông hoa đầy hương sắc của đất Phương Nam, sinh ngày 28-5-1827 ở làng Bình Thạnh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Với quê hương Nam Kỳ

Là người "Nam Kỳ lục tỉnh" chính hiệu, nhưng 58 năm sống giữa thế kỷ XIX đầy biến động của lịch sử đất nước đã khiến họ Nguyễn cũng phải rất nhiều phiêu chuyển, nên chốt lại, ông cũng còn là người có đến hai miền quê hương nữa, là Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế nay), và - đặc biệt là - Bình Thuận.

Thuở nhỏ, ở Tân Thạnh, Nguyễn Thông đã là một cậu bé thông minh, hiếu học, được chính cha mình - tên Nguyễn Hanh - kèm cặp, dạy dỗ. 10 tuổi thì Nguyễn Thông đã mất mẹ, rồi cha cũng mất khi 7 năm sau đó.

Không chịu làm người thất học, Nguyễn Thông vừa bươn chải mưu sinh vừa ra sức tự học. Cũng có may mắn được một thời gian ngắn thụ giáo thầy Nguyễn Nhữ Hiền, khi thầy - cũng một thời gian ngắn - được bổ làm Tri phủ Tân An. Chăm học như thế nên Nguyễn Thông ở tuổi 22 đã thi đỗ cử nhân và được nhận chức học quan, cấp huấn đạo, ở huyện Phú Phong, bên tỉnh An Giang.

Một đường phố mang tên Nguyễn Thông ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (Ảnh: CHÂU TỈNH)

Năm 1859, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Nam Kỳ. Lúc này, tuổi 33, Nguyễn Thông đang ở Huế, làm chức Hàn lâm viện Tu soạn. Lập tức, Nguyễn Thông xin tòng quân và lên đường trở về nơi chôn nhau cắt rốn, được Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp nhận vào quân ngũ, cho trông coi Vụ cơ mật của mặt trận Gia Định, rồi thăng dần từ chức Vệ úy lên Chưởng vệ, rồi Phó Đề đốc, cai quản hơn 2.000 quân dưới cờ.

Năm 1861, mặt trận Gia Định bị quân Pháp đánh vỡ, Đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, Nguyễn Thông lánh về quê nhà Tân An, một mặt liên lạc với nghĩa quân Trương Định, một mặt trực tiếp - cùng với cậu là Trịnh Quang Nghị, bạn là Phan Văn Đạt - mộ quân đánh giặc, từ Tân An đến Gò Công. Chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều chiến công, nhưng cuối cùng vẫn không những không thắng nổi quân Pháp mà còn bị chúng đánh tan. Phan Văn Đạt bị bắt, giết. Nguyễn Thông thoát được tử vong, đúng lúc triều đình Huế ký Hiệp ước 1862, "nhường" 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cho Pháp, điều Nguyễn Thông cùng các quan tướng ở 3 tỉnh miền Đông ấy về Bình Thuận.

Gặp Kinh lược đại sứ Phan Thanh Giản ở đấy, chỉ vài tháng sau, Nguyễn Thông đã có cớ để quay trở lại quê hương Nam Kỳ, khi được họ Phan đề cử làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 1863 đến năm 1867 sống ở Vĩnh Long, trong hoàn cảnh nơm nớp lo Pháp tới đánh tiếp, cùng với chức nghiệp chăm lo việc học hành của người trong tỉnh, Nguyễn Thông vẫn còn chủ trì và hoàn tất được việc xây dựng Văn Miếu Vĩnh Long, tạo lập Văn Xương Các (tức: Tụy Văn Lâu) làm chỗ tụ hội các danh sĩ yêu nước đương thời, đặc biệt, khởi xướng và tổ chức thành công việc "tỵ địa" cho cả di cốt của danh sư Võ Trường Toản từ đất Gia Định đang bị giặc chiếm về Ba Tri (Bến Tre, ngày ấy thuộc Vĩnh Long).

Cộng với thời gian trực tiếp chiến đấu chống Pháp trước đấy - từ năm 1859 đến năm 1862 - vậy là thành những năm tháng của phần đời gắn bó với quê hương Nam Kỳ, là thời gian nền tảng cho sự nghiệp lừng lẫy của nhà văn hóa, học giả và nhà thơ Nguyễn Thông, với những thi phẩm đặc sắc, như: "Lên lầu trên thành tỉnh Vĩnh Long", "Từ biệt mộ người em"… và nhất là những bài văn rực lửa chiến đấu - sau này được đưa vào sách "Kỳ Xuyên văn sao" - viết về các anh hùng "Nam Kỳ kháng Pháp": Trương Định, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt…, cùng với những lời thơ cảm hoài da diết, khi khóc tướng Nguyễn Duy, tử trận ở Kỳ Hòa, tan tành thân xác vì trúng đạn đại bác của địch; và những câu căm hận, khi buộc phải rút nghĩa quân Gia Định về Biên Hòa, sau trận mất đồn Kỳ Hòa: "Từ Long Thành đi Phước Tuy, cảm hoài trên đường"...

Những tháng ngày cùng xứ Huế

Lần đầu tiên đến với Huế, là lúc Nguyễn Thông ra đấy đi học, ở tuổi 17. Sau đó là những đoản khúc bị cắt rời, khi thì đang làm huấn đạo ở Phú Phong, bỗng được triệu ra kinh đô để - trong vòng 4 năm (1855 - 1859) - làm chức Hàn lâm viện Tu soạn; khi thì - như vào năm 1870 - ra chấm thi Hương thí, trường thi Thừa Thiên; khi thì - như vào năm 1874 - ra làm việc ở Bộ Lễ (nhưng chỉ được ít ngày, đã bị bệnh, phải đi dưỡng bệnh); khi thì - như vào năm 1876 - lại được triệu ra làm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám… Còn lần cuối cùng thì đã là - một năm trước khi qua đời - ra Huế để thọ tang vua Tự Đức (1883) ít ngày.

Chỉ ở Huế được những đoản khúc thời gian bị cắt vụn như thế nhưng một sự nghiệp văn hóa - thư tịch lớn lao, vẫn đã được Nguyễn Thông kịp làm nên và để lại ở đấy.

Nhờ giao du và kết thân được với những danh sĩ đất đế đô như: Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản, Đỗ Đăng Đệ…, Nguyễn Thông trở thành một nhân vật có tiếng tăm ở kinh kỳ, nhiều lần soạn và dâng vua những biện bạch và điều trần quan trọng, tham gia làm sách "Nhân sự kim giám" và đặc biệt là - cùng với Bùi Ước, Hoàng Duy Tân - khảo duyệt bộ "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Thông thái và nhất là thẳng thắn - đức tính của "Người Nam Kỳ" - Nguyễn Thông khi nhận trách nhiệm khảo duyệt bộ sử lớn của triều đại nhà Nguyễn này đã chỉ ra đến 167 điểm cần phải sửa chữa ở bộ sử chính thống này, và nhân đấy viết luôn cả tập "Việt sử thông giám khảo lược" (gồm 7 quyển) để tranh luận và chứng minh những điều sở đắc của mình, về lịch sử và viết sách lịch sử.

Gắn bó quê hương Bình Thuận

Năm 1862, phải tha hương Nam Kỳ vì "Hòa (hàng) ước Nhâm Tuất" nhường 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cho Pháp, Nguyễn Thông - lần đầu tiên - đã trôi dạt đến Phan Thiết trên một con thuyền nhỏ đậu trên sông (Cà Ty ngày nay) và cảm động vì thấy cảnh quan ở đây sao mà giống dòng Hưng Hòa (tức: sông Vàm Cỏ Tây) ở quê hương Nam Kỳ đến thế, đã "tức cảnh sinh tình" mà sáng tác ngay được bài "Phan giang dạ bạc" (Đêm trên sông Phan) với câu kết tuyệt đẹp: "Cô chu thoa lạp nguyệt minh trung" (Thuyền đơn nón lá ngợp ánh trăng)!

Từ năm 1867, khi triều đình Huế để mất cả "Nam Kỳ lục tỉnh" vào tay người Pháp, Nguyễn Thông - trong thân phận người "tỵ địa", đồng thời là quan chức được triều đình bổ nhiệm - đã có gần hai chục năm - xen kẽ cùng mấy năm bị (được) triều đình điều ra Huế, rồi Khánh Hòa, Quảng Ngãi, "làm nhiệm vụ" - chuyên sống gắn bó với đất Bình Thuận và gần như đã trở thành "Người Bình Thuận"!

Bởi vì - với tầm nhìn nhạy bén và xa rộng, lại thêm được chính thức giao nhận nhiều chức trách đối với Bình Thuận, như: Doanh điền sứ, Phó sứ điền nông, Đốc học, Bố chánh… Nguyễn Thông đã làm được những việc rất lớn ở và cho miền đất và cõi người tại đây, trong khi thân thể bị đau ốm, kể cả bị lao phổi liên miên, như: Tổ chức khẩn hoang, lập ấp, kể cả xây dựng căn cứ và cơ sở hậu cần cho việc lo liệu lấy lại Nam Kỳ, ở miền Tây Bình Thuận; thành lập "Đồng Châu xã", giúp ổn định đời sống của và cho những người tiếp tục từ Nam Kỳ đến Bình Thuận "tỵ địa"; đặc biệt là đứng đầu chuyến đi khảo sát (thám hiểm), lên kế hoạch khẩn hoang lập ấp năm 1877, từ núi Lão Nhân (Núi Ông) đến mũi Kỳ Tôn (Cà Tong), qua Tính (Tánh) Linh, Lạc Hải (Biển Lạc), tới La Ngư Bà Dần (Đức Linh - Tánh Linh ngày nay), gần tới cả Lâm Viên (Liang Biang) - nơi mà sau đấy, Yersin sẽ (đã) tới để được coi như là "Người phát hiện ra Đà Lạt"!

Song song cùng quá trình tiến hành những hoạt động kinh tế - xã hội đầy lợi ích như thế, rất diệu kỳ là việc sáng tạo văn chương thơ phú, viết và in sách vở thư tịch, mà bên cạnh những ứng tác "tại chỗ", như đã viết bài "Bạch Hổ nhàn hành" khi từ Sa Ra (Vĩnh Hòa) vượt chập chùng đồi cát, tìm đến được vùng hồ nước tuyệt đẹp ở Tây Nam huyện Hòa Đa (nay là Bàu Trắng, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình); hoặc như làm được bài "Quá Bình Nhân sa mạc", lúc "Đi đi trên đê cát/ Núi xa nhìn thấy thấp/ Chốn vắng thưa người tới/ Chỉ nghe tiếng chim kêu/ Trăng hồ ánh thấu biển/ Hoa núi rọi chiếu khe" mà vượt qua những động cát, ra tới bờ biển, thì chủ yếu là nhờ vào việc xây cất được tòa "Ngọa Du Sào" (tổ nằm chơi) trên bờ hữu ngạn sông Phan Thiết, nơi có một con rạch nhỏ chảy vào làng Thành Đức, quang cảnh giống hệt như vùng sông nước quê hương Nam Kỳ, để làm chỗ đọc sách, ngâm thơ và chỉnh lý, biên soạn thư tịch.

Ngọa Du Sào (Ảnh: CHÂU TỈNH)

"Ngọa Du Sào", vách xây bằng ghè ống, thềm lót gạch thẻ, mái ngói âm dương, có một gác nhỏ với lan can ló ra mé ngoài, gọi là "Ỷ Nguyệt Hiên". Những tác phẩm nổi tiếng, của học giả và nhà thơ Nguyễn Thông, như: "Ngọa Du Sào tập", "Độn Am thi tập", "Độn Am văn tập", "Kỳ Xuyên công độc", "Kỳ Xuyên thi sao", "Kỳ Xuyên văn sao"… đã ra đời tại đây.

Sang đến đầu thế kỷ XX, khi các con của Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh…, cùng các nhân sĩ yêu nước trong phong trào Duy Tân, năm 1905, thành lập trường "Dục Thanh" (giáo dục thanh niên), thì di tích "Ngọa Du Sào" cũng được tích hợp vào, thành một bộ phận của "Dục Thanh", được chàng trai Nguyễn Tất Thành (về sau là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh), chọn làm chỗ đến trú ngụ và tham gia giảng dạy, trước khi vào Bến Nhà Rồng, xuất dương tìm đường cứu nước.

Lặng lẽ từ giã cõi đời

Ngày 6 tháng 7 năm Giáp Thân (24-8-1884), ở tuổi 58, Nguyễn Thông - sau những năm tháng ốm đau liên miên mà vẫn hết lòng hết sức làm việc, cống hiến - cảm thấy giờ lâm chung đã đến. Họ Nguyễn tắm rửa sạch sẽ, mặc chiếc áo nho sinh giản dị, bình thản nằm đọc sách trong "Ngọa Du Sào". Qua ngày hôm sau (25-8-1884), bậc trí giả khả kính ấy lặng lẽ từ giã cõi đời, mắt đã khép mà quyển sách vẫn trong tay, bên mình.

Nhà sử học LÊ VĂN LAN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-viet-yeu-su-viet/nhung-nguoi-lam-hoa-cho-dat-noi-niem-nguyen-thong-202306241914233.htm