Những ngôi nhà của tình hữu nghị Việt - Trung

Trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, những ngôi nhà hữu nghị đã được xây dựng dọc tuyến biên giới đất liền giữa hai nước. Nhờ đó, nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc có thêm địa điểm và điều kiện để giao lưu, gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, cùng nhau giữ vững trật tự an toàn xã hội ở vùng biên, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Với nhiều tiện ích, Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại bản Pô Tô trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, hội họp và tổ chức các sự kiện lớn của các xã biên giới (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Lê Văn

“Điểm hẹn” trên biên giới

Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung đầu tiên được xây dựng ở thôn Na Lốc 3, xã biên giới Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, năm 2015 với đầy đủ trang thiết bị âm li, loa đài... Đây là món quà của Bộ Quốc phòng Việt Nam tặng nhân dân xã Bản Lầu và người dân phía bên kia biên giới làm nơi gặp gỡ, giao lưu. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tặng 30 bộ bàn ghế cho nhà văn hóa này.

Sau khi được khánh thành, đưa vào sử dụng, Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại xã Bản Lầu đã trở thành “điểm hẹn” của đồng bào dân tộc hai bên biên giới, chứng kiến rất nhiều buổi họp mặt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao thắm tình hữu nghị của nhân dân hai nước.

Ngôi nhà này cũng là nơi đồng bào Mông Bản Lầu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dứa, chăn nuôi, giao thương hàng hóa với người Mông phía bên kia biên giới. Đây cũng là nơi bà con cùng nhau bàn bạc, bảo ban nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan biên giới, cũng như hóa giải các vụ việc xâm lấn, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, cột mốc chung.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người Mông ở Bản Lầu có mối quan hệ rất gần gũi với người dân bên kia biên giới. Tháng 8-2013, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu đã kết nghĩa với tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tiếp đó, vào tháng 5-2015, thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu kết nghĩa với đội Điền Phòng, nông trường Mã Hoàng Pao, thị trấn Nam Khê.

Nhân dân hai cặp bản kết nghĩa cam kết cùng nhau bảo vệ, không làm hư hỏng mốc quốc giới, không làm thay đổi dòng chảy suối biên giới, không tiếp tay cho các loại tội phạm. Đồng thời, cùng nhau xây dựng tình đoàn kết; động viên và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản giàu đẹp; bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh. Người dân hai bản kết nghĩa cũng cam kết giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục tăng cường và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, thân tộc, dòng họ vốn có lâu đời giữa hai bên để cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Trung tá Nguyễn Trọng Tuệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai cho biết, từ ngày có Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung, bà con hai bên có địa điểm sinh hoạt, hội họp, sơ kết công tác kết nghĩa bản - bản thuận lợi hơn. Ngoài ra, ngôi nhà này còn được sử dụng làm điểm họp dân cư, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức những sự kiện lớn như Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Biên phòng toàn dân... Trong thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, công trình này còn được trưng dụng làm điểm cách ly y tế tập trung.

Phát huy tối đa công năng của Nhà văn hóa hữu nghị

Nhiều năm nay, bà con bản Pô Tô, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu rất tự hào vì có Nhà văn hóa hữu nghị biên giới khang trang, sạch, đẹp để sinh hoạt cộng đồng. Toàn bộ công trình rộng 1.620m2, gồm hội trường, bếp ăn, nhà vệ sinh, sân, vườn với hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng, bàn ghế đầy đủ, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hội họp của nhân dân.

Được khánh thành từ ngày 23-9-2017, trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 4, Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung đã trở thành ngôi nhà chung của nhân dân bản Pô Tô, xã Huổi Luông và thôn kết nghĩa Cửa Cải, trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nhân dân hai bên biên giới thường tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, thể thao, sơ kết hoạt động kết nghĩa bản - bản, thăm hỏi dịp lễ, tết... tại ngôi nhà hữu nghị này.

Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu cho hay: “Nhà văn hóa hữu nghị biên giới đã trở thành điểm kết nối văn hóa xuyên biên giới, gắn kết tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai bên biên giới. Thông qua hoạt động giao lưu văn hóa, mọi người gần nhau hơn, đến với nhau với tình cảm chân thành như anh em một nhà, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất và cùng nhau xây dựng biên giới bình yên, ổn định, phát triển bền vững. Nhờ đó, khu vực biên giới giữa bản Pô Tô và thôn Cửa Cải không xảy ra vụ tranh chấp, xâm lấn đất đai nào”.

Để phát huy hết công năng của Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại bản Pô Tô, xã Huổi Luông thường tổ chức các buổi sinh hoạt thôn, hội họp của xã và các sự kiện lớn tại đây. Thiếu tá Lê Văn Dung, cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông cho biết: “Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung ở Pô Tô rất thuận lợi cho việc tổ chức các hội nghị tập trung đông người, sự kiện lớn có nhiều hoạt động như: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Biên phòng toàn dân... Không khí những ngày hội có đông đảo bà con hai bên tham dự rất sôi nổi, ấm áp”.

Có thể thấy, từ khi được khánh thành, đưa vào sử dụng đến nay, Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung đã trở thành nơi sinh hoạt và giao lưu văn hóa tinh thần của nhân dân hai nước ở khu vực biên giới. Qua đó, xây dựng tình cảm gắn bó, tương trợ lẫn nhau, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Đến nay, đã có 5 Nhà văn hóa hữu nghị biên giới được xây dựng dọc tuyến biên giới Việt - Trung, gồm: Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại bản Pô Tô (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu); Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại thôn Na Lốc 3 (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai); Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại thôn Chi Ma (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn); Trung tâm văn hóa hữu nghị Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng; Nhà văn hóa hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Đây là những công trình thể hiện tình hữu nghị, hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam, Trung Quốc cũng như nhân dân hai bên biên giới.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-ngoi-nha-cua-tinh-huu-nghi-viet-trung-post449885.html