Những ngôi mộ gió

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Biết bao nhiêu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp, chống Mỹ và Chiến tranh bảo vệ biên giới bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam . Có những liệt sĩ đã tìm thấy mộ nhưng còn bao liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Tôi rưng rưng muốn khóc khi nghe những gia đình thân nhân liệt sĩ nói rằng đã đắp cho các anh NHỮNG NGÔI MỘ GIÓ.

Tôi đã từng đến NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN, nơi có hàng ngàn ngôi mộ của những người lính trẻ mới mười tám đôi mươi chưa từng biết đến nụ hôn bạn gái. Nhiều gia đình bao năm lặn lội tìm kiếm mới thấy mộ của cha, anh mình. Tôi lặng người trước tiếng nức nở của một người phụ nữ khi tìm thấy mộ anh trai hy sinh tại Thành Cổ Quảng Trị. Và cũng được chứng kiến người thân của mình đi tìm mộ của cha bao nhiêu năm mà không thấy. Có những chiến sĩ nằm lại vĩnh viễn trên tuyến đường Chiến dịch Điện Biên Phủ, Biên giới phía Bắc, nước bạn Lào và Campuchia và suốt dọc đường Trường Sơn …

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Chỉ cần nghe phong thanh mộ của người thân nằm ở nơi này, ở nơi kia là sẽ vượt đường xá, xa xôi kiếm tìm. Bởi nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của người Mẹ khi con trai, con gái của mình vĩnh viễn nằm lại chiến trường Nỗi đau khắc khoải của người vợ đợi chờ chồng… như hóa đá Vọng Phu.

Tháng bảy tri ân, lắng nghe câu chuyện xúc động về mẹ Việt Nam Anh Hùng Tăng Thị Tung ở thôn Tông Bình Cại, Xã Lâm Thượng, Huyện Lục Yên-Yên Bái nơi có dòng thác Nặm Chắn tung bọt trắng xóa, dòng suối trong vắt chảy suốt ngày đêm đã chứng kiến ba lần mẹ tiễn các anh lên đường, 'hai lần mẹ khóc thầm lặng lẽ”. Người con thứ nhất của mẹ là Liệt sĩ Phạm Văn Thái, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, hy sinh năm 1949 tại chiến trường Lào Cai. Người con thứ hai tiếp tục lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hy sinh năm 1974 tại chiến trường Tây Ninh. Mẹ tiễn người con thứ ba là Phạm Văn Hiểu theo gương hai anh lên đường đánh giặc. May mắn là người con thứ ba đã trở về trong niềm vui chiến thắng của cả nước.

Nhưng hai người con của mẹ hiện nằm lại chính xác nơi đâu thì cả nhà không ai biết. Theo chân các nhà “ngoại cảm” đi từ Bắc vào Nam. Họ chỉ cho gia đình ngôi mộ chưa có tên nói rằng người thân của mình yên giấc ngàn thu ở đó. Hằng năm, gia đình vẫn đến thắp hương tưởng nhớ người đã khuất. Có một điều mà cả hai gia đình đều được chỉ vào cùng một ngôi mộ mà người nhà của liệt sĩ ở Mê Linh – Hà Nội cũng nhận đó là mộ liệt sĩ của gia đình mình. Đôi bên gia đình nghẹn ngào thắp nén hương thơm tri ân tới những người đã khuất…

Có đất nước nào như đất nước của chúng tôi không? Hàng triệu người con đã hy sinh vì độc lập – tự do của tổ quốc, hàng triệu bà mẹ ngóng con trở về. Còn bao nhiêu gia đình chưa tìm thấy mộ của liệt sĩ. Có bao nhiêu NGÔI MỘ GIÓ vẫn hiện hữu như lời nhắc nhở: hãy trân trọng máu xương của những chiến sĩ xả thân vì cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay!

Xin được trích dẫn bài thơ NHỮNG NGÔI MỘ GIÓ của nhà thơ Đặng Vương Hưng:

Biển mặt nước mắt bao đời

Sóng to bởi gió khóc lời ngàn năm

Những ngôi mộ trống người nằm

Cho hồn lính biển âm thầm gọi nhau

Nhìn ngôi mộ gió mà đau

Những ai nằm dưới biển sâu chưa về

Biển còn sóng gió bốn bề

Người còn mãi mãi lời thề nước non

( Trích: Lục bát mỗi ngày- Đặng Vương Hưng)

27/7/2023

P.T.H

Trái tim người lính

Phạm Thúy Hậu

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-ngoi-mo-gio-a20070.html